Cập nhật: 21/11/2010 16:16:13 Article Rating
Xem cỡ chữ

 Ngày 21/11 tại Hà Nội, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức buổi tọa đàm: "Nâng cao chất lượng GD cho trẻ em dân tộc thiểu số thông qua các giải pháp tăng cường tiếng Việt và GD song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ" với sự tài trợ của UNICEF và Tổ chức Cứu trợ trẻ em.

Các đại biểu dự buổi tọa đàm

 

Thông qua cuộc tọa đàm này, các cơ quan chức năng của Bộ GD-ĐT và địa phương báo cáo với các đại biểu Quốc hội, mà trực tiếp là các thành viên của Hội đồng Dân tộc Quốc hội về một số chủ trương, giải pháp của ngành GD nhằm nâng cao chất lượng GD cho trẻ em dân tộc thiểu số (DTTS) thông qua các giải pháp tăng cường tiếng Việt, trong đó có Chương trình thử nghiệm GD song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ.

 

Ông Lê Tiến Thành – Vụ trưởng Vụ GD tiểu học, Bộ GD-ĐT đã nêu lên một số định hướng chỉ đạo của Bộ GD-ĐT nhằm nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt cho HSDTTS như: tích cực tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non trước khi vào lớp 1 với tinh thần liên thông giữa Mầm non và Tiểu học; biên soạn tài liệu tăng cường tiếng Việt cho trẻ MNDTTS; tăng thời lượng dạy học môn Tiếng Việt lớp 1 cho HSDT từ 350 tiết lên 500 tiết; áp dụng dạy học môn Tiếng Việt lớp 1 theo chương trình của Trung tâm Công nghệ GD, từ 6 tỉnh năm học 2008 – 2009 đã tăng lên thành 10 tỉnh năm học 2010 – 2011; phối hợp với UNICEF thử nghiệm Nghiên cứu thực hành GD song ngữ dựa trên tiếng mẹ đẻ từ Mẫu giáo 5 tuổi đến hết lớp 5 ở 3 tỉnh Lào Cai, Gia Lai, Trà Vinh; tăng cường tiếng Việt cho HSDTTS theo hướng tích hợp vào các môn học, hoạt động GD; khuyến khích các địa phương biên soạn tài liệu và có giải pháp chuẩn bị, tăng cường tiếng Việt cho HSDT phù hợp với thực tiễn…

 

Cũng tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã chia sẻ bài học và kinh nghiệm thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng GD tiểu học cho HS vùng dân tộc thiểu số tại Việt Nam thông qua các hoạt động tăng cường tiếng Việt và GD song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ.

 

Theo ông Trương Kim Minh – Giám đốc Sở GD-ĐT Lào Cai, tỉnh Lào Cai đã triển khai tổ chức thực hiện GD song ngữ dựa trên tiếng mẹ đẻ tại các cơ sở GD Mầm non, Tiểu học của tỉnh từ năm học 2008 – 2009.

 

Từ thực tế triển khai, Lào Cai đã rút ra một số bài học kinh nghiệm trong việc GD song ngữ dựa trên tiếng mẹ đẻ. Đó là phải tích cực, chủ động nắm bắt vấn đề, tìm kiếm giải pháp phù hợp; xây dựng kế hoạch triển khai tổ chức thực hiện cụ thể, xác thực, khả thi với tầm nhìn phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, thậm chí của thôn, bản.

 

Bên cạnh đó, phải tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương bài bản, kịp thời và hiệu quả; tập trung chỉ đạo, sâu sát cơ sở, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, giải quyết khó khăn, đảm bảo kết quả dù rất nhỏ nhưng nhìn thấy rõ, đo kiểm minh bạch, khách quan để cha mẹ HS và cộng đồng tin tưởng, đồng thuận, ủng hộ.

 

Thêm vào đó, cần có chiến lược đào tạo bồi dưỡng để xây dựng đội ngũ cán bộ chỉ đạo và đội ngũ GV GD song ngữ cốt cán, điều kiện quyết định để đạt mục tiêu là triển khai thành công một mô hình thích hợp và khả thi về GD song ngữ tiếng Mông và tiếng Việt; tranh thủ sự hỗ trợ mọi mặt của nhiều tổ chức, cơ sở, đặc biệt về kỹ thuật. Trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện GD song ngữ dựa trên tiếng mẹ đẻ, công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, GD chính trị và lãnh đạo tư tưởng có vai trò nền tảng bởi GD song ngữ tuy không phải vấn đề mới nhưng số người hiểu tường tận về GD song ngữ không nhiều, dễ không thống nhất nhận thức và hành động.

 

Ngoài ra, tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã cùng thảo luận các biện pháp và việc tìm ra các cơ hội nhằm tối ưu hóa kết quả thu được từ những kinh nghiệm đang triển khai tại các địa phương ở Việt Nam, từ đó nâng cao chất lượng GD vùng miền núi dân tộc trong bối cảnh đa dạng các dân tộc tại Việt Nam. Theo Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, nâng cao chất lượng GD cho trẻ DTTS thông qua các giải pháp tăng cường tiếng Việt và GD song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ chính là bảo tồn và tôn trọng văn hóa, ngôn ngữ, truyền thống của các DTTS và cũng là tôn trọng văn hóa, ngôn ngữ và truyền thống của dân tộc khác.

 

 

Theo GD&TĐ Online

Tệp đính kèm