Cập nhật: 27/11/2010 10:15:07 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đến tháng 10/2010, cả nước có 149 đơn vị chuyên trách về đảm bảo chất lượng giáo dục thuộc các ĐH, học viện, trường ĐH, tăng 39 đơn vị so với thời điểm tháng 12/2008, trong đó có 90% số đơn vị này có số cán bộ chuyên trách từ 3 người trở lên.

Đây là thông tin từ Hội nghị sơ kết công tác kiểm định chất lượng giáo dục đối với các trường ĐH diễn ra hôm nay (26/11) tại Hà Nội.

 

Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, các đơn vị chuyên trách về công tác bảo đảm chất lượng giáo dục tại các trường ĐH đã có những đóng góp quan trọng trong việc hình thành hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong nhà trường, đến việc triển khai và hoàn thành các báo cáo tự đánh giá, thực hiện các hoạt động cải tiến chất lượng, cung cấp nhân lực cho hoạt động đánh giá ngoài và góp phần từng bước hình thành văn hóa chất lượng bên trong nhà trường.

 

Công tác tự đánh giá của các trường ĐH tiếp tục được chú trọng triển khai thực hiện. Tính đến tháng 11/2010, đã có 100 trường ĐH trong cả nước hoàn thành báo cáo tự đánh giá; cũng đã có 100 chương trình đào tạo giáo viên THPT trình độ ĐH hoàn thành báo cáo tự đánh giá trong năm 2009 và 2010. Về triển khai các hoạt động đánh giá ngoài, năm 2009 đã tiến hành đánh giá ngoài cho 20 trường ĐH. Năm 2010, việc đánh giá ngoài sẽ được triển khai theo hướng giao cho các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục thực hiện.

 

Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cũng cho biết, công tác kiểm định chất lượng giáo dục đối với các trường ĐH vẫn còn nhiều hạn chế, trong đó phải kể đến nhận thức của đội ngũ cán bộ, giảng viên trong các trường nói riêng và xã hội nói chung về công tác này tuy có chuyển biến nhưng chưa thực sự sâu sắc. Việc xây dựng các đơn vị chuyên trách làm công tác đảm bảo chất lượng và năng lực đội ngũ cũng như triển khai tự đánh giá và đánh giá ngoài còn những khó khăn, bất cập.

 

Nhưng, khó khăn lớn nhất hiện nay là chưa có văn bản quy định về mức chi cho công tác kiểm định chất lượng giáo dục. Bộ GD&ĐT cho biết đang phối hợp với Bộ Tài chính để cùng thống nhất sớm ban hành văn bản này trong năm 2011. Các cơ chế, chính sách khuyến khích các hoạt động đảm bảo chất lượng đối với các trường cũng chưa phong phú. Bộ GD&ĐT mới chủ trương khuyến khích hoạt động kiểm định chất lượng bằng cách tính điểm thi đua và xem xét tăng chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm. Nhưng đối với nhiều trường, nhất là vùng sâu, vùng xa hoặc trường dân lập, tự thục, biện pháp này chưa hấp dẫn do trường còn chưa tuyển sinh hết số chỉ tiêu được phân bổ.

 

Tại Hội nghị, nhiều vấn đề đã được đưa ra bàn thảo như về hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong nhà trường; về triển khai tự đánh giá; cải tiến chất lượng sau tự đánh giá; tự đánh giá chương trình đào tạo giáo viên THPT... với những thuận lợi, khó khăn và bài học kinh nghiệm.

 

Về công tác tự đánh giá, TS.Lê Văn Huy, trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) cho rằng, đây là công việc còn khá mới mẻ, nhận thức của cán bộ công chức đối với hoạt động tự đánh giá chưa thật sự sâu sắc. Tuy nhà trường đã cử một số chuyên gia tham gia tập huấn tự đánh giá nhưng số lượng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, kinh nghiệm vẫn còn những hạn chế nhất định. Bên cạnh đó, sự thay đổi của các quy chế đào tạo của Bộ GD&ĐT cũng như các chính sách của ĐH Đà Nẵng làm cho công việc của trường khó ổn định, vì vậy, công tác định vị, tìm kiếm và thu thập minh chứng dựa vào các hồ sơ tài liệu cũng gặp ít nhiều khó khăn. Bộ GD&ĐT cũng chưa có chế tài cần thiết đối với công tác đánh giá nội bộ để cho đơn vị có thể tập trung thực hiện trong thời gian ngắn...

 

Còn theo TS.Nguyễn Kim Dung, trường ĐHSP TP.HCM, sau tự đánh giá, do công việc sự vụ quá nhiều và do thiếu sự lãnh đạo cũng như kế hoạch cải tiến chất lượng, tất cả mọi việc đều trở lại như cũ, chưa có sự thay đổi đáng kể nào về chất lượng... TS.Dung cho rằng cần có sự cam kết của lãnh đạo các trường trong công tác kiểm định chất lượng. Kinh nghiệm cho thấy, không có sự lãnh đạo và cam kết của lãnh đạo, công tác cải tiến chất lượng không thể thực hiện được hoặc không thành công được.

 

Để nâng cao hiệu quả công tác tự đánh giá, TS.Hồ Tấn Sính – Trưởng ban ĐBCL&TTGD (ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM) kiến nghị: Bộ GD&ĐT nên lập một website tin chuyên dùng và tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn tại từng miền hoặc đào tạo trên mạng về đảm bảo chất lượng giáo dục dành cho đội ngũ làm công tác này của các trường; xây dựng khung báo cáo cũng như kế hoạch thường niên của các trường căn bản dựa theo bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường ĐH, CĐ và TCCN; nên để cho Cục KT&KĐCLGD quản lý các chương trình nhằm nâng cao chất lượng giáo dục...

 

Về phía Bộ GD&ĐT, Bộ cũng đã xây dựng “Đề án xây dựng và phát triển hệ thống kiểm định  chất lượng đối với giáo dục ĐH và TCCN giai đoạn 2011-2020, trong đó xác định mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp triển khai kiểm định chất lượng GD ĐH từ nay đến năm 2020. Trong đó, 5 nhóm nhiệm vụ được xác định trong đề án là: Củng cố và hoàn thiện hệ thống văn bản về kiểm định chất lượng GD đối với GD ĐH – TCCN; xây dựng, phát triển và tăng cường năng lực cho các tổ chức kiểm định  chất lượng GD đối với GD ĐH – TCCN; tập huấn chuyên môn nghiệp vụ để triển khai các hoạt động kiểm định chất lượng GD đối với GD ĐH và TCCN; triển khai đánh giá và công nhận các cơ sở GD ĐH, chương trình GD ĐH và trường TCCN đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục; tăng cường hợp tác quốc tế với các nước trong khu vực và trên thế giới  trong lĩnh vực kiểm định chất lượng GD đối với GD ĐH và TCCN. Đảm bảo đến năm 2015, có trên 90% trường ĐH hoàn thành báo cáo tự đánh giá và đăng ký đánh giá ngoài (vòng 1); đảm bảo giai đoạn 2016 – 2020 có trên 95% số trường ĐH và chương trình GD hoàn thành báo cáo tự đánh giá và đăng lý đánh giá ngoài (vòng 2)...

 

 

 

Theo GD&TĐ Online

Tệp đính kèm