Cập nhật: 25/02/2011 15:41:25 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hội nghị triển khai quyết định số 2123 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người đã được Bộ GD&ĐT tổ chức sáng nay (25/2) tại Hà Nội. Hội nghị có sự tham dự của đại diện lãnh đạo UBND, lãnh đạo Sở GD&ĐT 6 tỉnh được thụ hưởng dự án; đại diện Văn phòng Chính phủ và các Bộ ngành liên quan dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa.

Đề án phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người giai đoạn 2010 – 2015 chính thức được Thủ tướng Chính  phủ phê duyệt ngày 22/11/2010 với tổng kinh phí 341.455 triệu đồng. Đề án áp dụng với các cơ sở giáo dục có trẻ mẫu giáo 3-5 tuổi, học sinh, sinh viên thuộc 9 dân tộc rất ít người gồm: Ơ Đu, Pu Péo, Si La, Rơ Măm, Cống, Brâu, Bố Y, Mảng, Cờ Lao, trong phạm vi 6 tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu, Nghệ An và Kon Tum.

 

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, thực hiện Quyết định 2123 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 29/1/2011, Bộ GD&ĐT đã có văn bản gửi UBND 6 tỉnh được thụ hưởng dự án đề nghị UBND 6 tỉnh trên tập trung chỉ đạo triển khai đề án. Cụ thể, tổ chức, phổ biến, quán triệt các nội dung của quyết định đến các sở, ban ngành, các cấp chính quyền, các cơ sở giáo dục có HS dân tộc rất ít người… trong toàn tỉnh. Đồng thời, phân công cho Sở GD&ĐT làm đầu mối chủ trì triển khai thực hiện việc xây dựng kế hoạch triển khai đề án của địa phương; triển khai rà soát danh mục đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học còn thiếu cho các điểm trường tiểu học có HS dân tộc rất ít người; bố trí kinh phí thực hiện; bổ sung kinh phí chi thường xuyên để thực hiện chính sách cho trẻ em, HSSV các dân tộc rất ít người; có kế hoạch thực hiện các chính sách ưu tiên khác…

 

Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành quyết định về việc thành lập Ban điều hành đề án do Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa làm trưởng ban và kế hoạch triển khai quyết định 2123 của Thủ tướng Chính phủ.

 

Tại hội nghị, đại diện 6 tỉnh cho biết đã gửi dự thảo kế hoạch triển khai đề án của địa phương về Bộ GD&ĐT, đồng thời cũng nêu ra những khó khăn khi thực hiện đề án cùng các kiến nghị. Vì các địa phương thực hiện đề án đều là những địa bàn vô cùng khó khăn, cả về điều kiện kinh tế, xã hội, điều kiện đi lại, trình độ dân trí thấp… nên cũng hầu như có cùng những khó khăn khi bắt tay vào triển khai đề án. Đó là vấn đề kinh phí, khó khăn trong tiến hành xây dựng cơ sở vật chất. Những kiến nghị của các địa phương đều tập trung vào việc yêu cầu Bộ GD&ĐT sớm ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể để triển khai; ưu tiên về kinh phí…

 

Tỉnh Điện Biên có 1092 người là đối tượng được hưởng đề án. Đại diện tỉnh này cho biết, với nguồn vốn nhỏ hẹp của đề án, thời gian triển khai lại ngắn nên làm thế nào để thực hiện đề án một cách có hiệu quả là vấn đề khó khăn nhất. Riêng đối với Điện Biên, do các dự toán và bố trí ngân sách của tỉnh đã ban hành, đề án này là công việc phát sinh nên việc bố trí kinh phí thực hiện trong năm 2011 gặp khó khăn. Đại diện tỉnh Điện Biên cũng đề cập đến việc lồng ghép các chương trình hiện có với đề án này, đồng thời kiến nghị Bộ GD&ĐT nhanh chóng có văn bản hướng dẫn để có nguồn kinh phí bổ sung thực hiện đề án…

 

Đại diện tỉnh Lào Cai thì cho biết, tỉnh đã ra mức tổng kinh phí triển khai đề án ở địa phương là trên 57 tỷ đồng. Tuy nhiên, khó khăn mà tỉnh này đề cập đến nhấn mạnh vào vấn đề xây dựng cơ sở vật chất. Do đối tượng đuợc thụ hưởng đề án không nhiều, nằm rải rác ở những nơi điều kiện đi lại khó khăn nhất dẫn đến hiện tượng đội giá do kinh phí vận chuyển khá lớn. Quy mô xây dựng nhỏ nên cũng không hấp dẫn được các nhà đầu tư. Đây là thực tế không chỉ ở Lào Cai mà cũng là khó khăn của 5 tỉnh còn lại, nên rất cần có một cơ chế để khuyến khích. Về vấn đề bồi dưỡng giáo viên, đại diện của Lào Cai đề nghị cần trải ra trong suốt quá trình thực hiện đề án và tích hợp, kết hợp với các hoạt động bồi dưỡng giáo viên khác.

 

Cũng đề cập đến việc bồi dưỡng giáo viên, đại diện tỉnh Nghệ An đề nghị, do giáo viên dạy các lớp có học sinh dân tộc rất ít người không nhiều nên cần bồi dưỡng trực tiếp cho các đối tượng này, đồng thời tạo điều kiện cho họ được đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Đại diện của Nghệ An cũng đề nghị Bộ GD&ĐT sớm ban hành cơ chế chính sách cho học sinh các dân tộc rất ít người; nên có chính sách ưu tiên cho các đối tượng này trong vấn đề cử tuyển, đào tạo nghề…

 

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đã nhấn mạnh, đề án phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người giai đoạn 2010 – 2015 dù kinh phí không lớn nhưng có ý nghĩa nhân văn và ý nghĩa xã hội vô cùng to lớn. Thứ trưởng đề nghị các địa phương cần có sự khảo sát lại số phòng học cần xây dựng, số giáo viên cần bồi dưỡng… để lập kế hoạch chi tiết gửi lên Bộ GD&ĐT.

 

Thứ trưởng cho rằng, Bộ GD&ĐT chỉ lên kế hoạch chung còn phần triển khai cụ thể chi tiết là của địa phương. Về tài liệu bồi dưỡng cũng vậy, Bộ có trách nhiệm xây dựng tài liệu nhưng cách thức bồi dưỡng phải từ địa phương đề xuất. Đồng thời, việc xây dựng tài liệu và kế hoạch tập huấn phải được tích hợp, lồng ghép với các dự án đang triển khai. Bộ GD&ĐT cũng sẽ phối hợp với các Bộ, liên quan sớm ban hành hướng dẫn việc thực hiện các chính sách cho trẻ em, HSSV các dân tộc rất ít người theo quyết định 2123…

 

Đề án phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người giai đoạn 2010 – 2015 được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 2010 - 2012, hoàn thiện cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị giáo dục. Giai đoạn 2013 – 2015, phấn đấu 100% trẻ em, HS-SV vùng rất ít người được hưởng cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ về học tập; 95% trẻ mẫu giáo 3- 5 tuổi dân tộc rất ít người được học 2 buổi/ngày theo Chương trình giáo dục mầm non mới tại các trường, lớp mẫu giáo thôn bản công lập; 100% học sinh dân tộc rất ít người tốt nghiệp THCS ở các trường PTDTNT huyện, trường phổ thông dân tộc bán trú được vào học tại các trường PTDTNT tỉnh hoặc trường PTDTNT huyện liên cấp THCS và THPT hoặc vào học các trường trung cấp chuyên nghiệp; 95% học sinh dân tộc rất ít người sau khi tốt nghiệp THPT được ưu tiên cử tuyển, xét tuyển đặc biệt vào các trường, khoa dự bị đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề...

 

Theo đề án này, trẻ học mẫu giáo tại các trường, lớp mầm non công lập được hưởng mức hỗ trợ bằng 30% mức lương tối thiểu chung/trẻ/tháng; trẻ cấp tiểu được hưởng mức hỗ trợ bằng 40% mức lương tối thiểu chung/HS/tháng nếu học tại các điểm trường ở thôn bản và bằng 60% mức lương tối thiểu chung/HS/tháng nếu học tại trường phổ thông dân tộc bán trú và ở bán trú; cấp THCS được hưởng mức hỗ trợ bằng 60% mức lương tối thiểu chung/HS/tháng nếu học tại trường phổ thông dân tộc bán trú và ở bán trú; được hưởng học bổng bằng 100% mức lương tối thiểu chung/HS/tháng nếu học tại trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện.

 

Mức học bổng bằng 100% mức lương tối thiểu chung/HS/tháng cũng được áp dụng đối với các đối tượng là học sinh dân tộc rất ít người thuộc hộ nghèo, học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú cấp tỉnh và trường phổ thông dân tộc nội trú liên cấp THCS và THPT; học tại các trường, khoa dự bị đại học, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề.

 

 

Theo GD&TĐ Online

Tệp đính kèm