Cập nhật: 13/03/2011 10:16:22 Article Rating
Xem cỡ chữ

Bộ LĐ - TB và XH đang lấy ý kiến đóng góp của các bộ, ngành hữu quan và xã hội cho Dự thảo lần thứ 10 Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề giai đoạn 2011 - 2020. Nhiều mục tiêu, giải pháp được đưa ra nhằm tạo bước đột phá nâng cao hiệu quả chất lượng đào tạo nghề trong thời gian tới.

Mới đáp ứng về lượng

Theo đánh giá của Bộ LĐ-TB và XH, thực hiện Quyết định 07/2006/LĐTBXH về Quy hoạch phát triển mạng lưới trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, đến nay cả nước đã 123 trường cao đẳng nghề, 300 trường trung cấp nghề và 840 trung tâm dạy nghề. Tính cả các cơ sở có dạy nghề trong khối đại học, cao đẳng và TCCN thì mạng lưới đào tạo nghề cả nước hiện có trên 2.300 cơ sở, quy mô đào tạo trên 1,7 triệu người; trong đó cơ sở dạy nghề công lập chiếm 58,4%. Cơ sở dạy nghề phân bố đều khắp các vùng miền, cơ bản đã xóa được tình trạng không có trường nghề, trung tâm dạy nghề trên địa bàn các tỉnh. Hệ thống dạy nghề đã góp phần đào tạo lực lượng lớn lao động có kỹ năng nghề, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho xã hội.

 

Tuy nhiên, ở tầm quản lý vĩ mô như phân luồng đào tạo, cấu trúc trình độ lao động… vẫn còn khá nhiều bất cập, thiếu định hướng. Số lượng các trường cao đẳng nghề còn rất ít; phân bố các trường nghề theo ngành, theo địa phương không đều; đặc biệt, nông thôn, miền núi có ít trường nghề được mở. Ngành nghề đào tạo mất cân đối, ngành nghề nông - lâm - thủy sản chưa được các trường nghề chú trọng.  Mạng lưới dạy nghề hiện nay chưa gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, của từng địa phương và nhu cầu xã hội. Nguồn lực đầu tư cho phát triển mạng lưới dạy nghề còn bị dàn trải… Đây là những nguyên nhân làm cho mạng lưới đào tạo nghề tuy được Nhà nước đầu tư mạnh trong thời gian qua tuy phát triển nóng về số lượng nhưng kém hiệu quả đào tạo.

 

 Bên cạnh đó, còn những chồng chéo về cơ chế tổ chức, vận hành của hệ thống quản lý gây khó khăn trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát hoạt động dạy nghề. Hiện nay, việc đào tạo nghề đang bị phân khúc do Bộ GD - ĐT và Bộ LĐ - TB và XH tổ chức thực hiện, song song cùng lúc có hai bộ máy quản lý, tách biệt chương trình đào tạo, đội ngũ cán bộ, giảng viên, hệ thống cơ sở… gây lãng phí nguồn lực đầu tư của nhà nước và xã hội, tạo nên những rào cản sự phát triển dạy nghề, khoét sâu tâm lý e ngại học nghề, phân biệt trường lớp, bằng cấp của người dân.

 

Tạo chuyển biến về chất

 

Để khắc phục những tồn tại và tạo chuyển biến về chất cho dạy nghề, cụ thể hóa Chiến lược phát triển dạy nghề đến năm 2020, đồng thời làm cơ sở cho việc thực hiện kế hoạch phát triển dạy nghề 5 năm và từng năm, Dự thảo Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề giai đoạn 2011-2020 đã đưa ra các mục tiêu cụ thể: Đến năm 2015, phát triển mạng lưới dạy nghề có 190 trường cao đẳng, 300 trường trung cấp nghề và 920 trung tâm dạy nghề; năm 2020, có 320 trường cao đẳng nghề, 310 trường trung cấp nghề và 1050 trung tâm dạy nghề, có 12 trường cao đẳng nghề đào tạo từ 3 đến 5 nghề đạt trình độ quốc tếá. Đến năm 2020 có 55% người lao động được đào tạo nghề; đạt tỷ lệ cơ cấu trình độ nghề qua đào tạo cao đẳng là 13,6%, trung cấp là 14,4% và sơ cấp nghề là 72%... Mục tiêu đến 2020, dạy nghề cho 11,2 triệu lao động, trong đó lao động có trình độ nghề cao đẳng, trung cấp 2,92 triệu, tăng bình quân mỗi năm 5,2%.

 

Dự thảo Quy hoạch mới cũng đưa ra các nhóm giải pháp để thực hiện các mục tiêu trên, gồm: đẩy mạnh phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên nghề đủ về số lượng đạt chuẩn quốc gia, chuẩn quốc tế về chất lượng, mỗi năm đào tạo 1.500 giáo viên. Đổi mới chương trình khung đào tạo nghề và giáo trình và phương pháp giảng dạy, đến 2013 áp dụng chương trình dạy nghề đạt chuẩn nghề khu vực và quốc tế theo hình thức mô đun tích hợp kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề. Đồng thời chuẩn hóa cơ sở vật chất và thiết bị dạy nghề phù hợp; xây dựng hệ thống quản lý chất lượng dạy nghề, trong đó nhấn mạnh vai trò kiểm định đánh giá ngoài đối với các cơ sở dạy nghề, sản phẩm đào tạo nghề có sự tham gia của người sử dụng lao động và xã hội. Hoàn thiện cơ chế, chính sách về dạy nghề như cơ chế xã hội hóa dạy nghề, cơ chế tài chính, phân bổ ngân sách đối với các cơ sở đào tạo, chính sách đối với người học và chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên dạy nghề.

 

 

Theo Báo điện tử ĐBND

Tệp đính kèm