Trong khi nhu cầu nguồn nhân lực trong các ngành xã hội ngày càng tăng thì nguồn cung lại ngày càng ít đi.
Theo số liệu thống kê từ các trường đại học, cao đẳng, lượng hồ sơ đăng ký dự thi đại học, cao đẳng năm nay tăng so với năm ngoái. Số hồ sơ đăng ký khối A, các ngành kinh tế, thương mại chiếm áp đảo, trong khi khối C và các ngành xã hội tiếp tục giảm.
PV VOV phỏng vấn ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc thường trực Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực thành phố HCM.
** Ông có nhận định gì về xu hướng các em học sinh chỉ lựa chọn những ngành học kinh tế thay vì những ngành xã hội hiện nay?
Thực tế hiện nay, gần nhất là kỳ thi vừa qua, chúng ta thấy rõ sinh viên hầu như chỉ tập trung trong khối ngành kinh tế. Riêng trong khối ngành kỹ thuật và xã hội, số lượng đăng ký không nhiều. Điều này trước tiên cho thấy sự mất cân đối về cơ cấu lao động và những ngành nghề trong những năm sắp tới.
Ở một đất nước đang phát triển, kinh tế, kỹ thuật và khoa học xã hội là 3 mảng luôn phát triển cân bằng với nhau. Trong lĩnh vực khoa học xã hội, dự báo cho thấy luôn luôn thiếu khoảng 8% trong tổng nhu cầu nhân lực của những năm sắp tới, nhưng tỷ trọng đăng ký vào khối xã hội, đặc biệt là TP.HCM, theo đánh giá sơ bộ chỉ đáp ứng khoảng 3%.
Như vậy rõ ràng trong tương lai một số lĩnh vực trong ngành khoa học xã hội sẽ có sự thiếu hụt về lao động, đặc biệt trong lĩnh vực công tác xã hội, tâm lý giáo dục, tư vấn xã hội và một số ngành xã hội nhân văn như: ngôn ngữ học, nhân chủng học là những ngành mà chúng ta có nhu cầu lao động khá lớn nhưng không có nguồn cung.
** Thực tế này sẽ để lại hệ quả gì đối với chính các em sau khi ra trường cũng như với kinh tế xã hội đất nước?
Trước tiên, khi bị hụt hẳn một lượng lao động, chúng ta sẽ bị mất cân đối cung - cầu lao động và khi đã mất cân đối, rõ ràng sự phát triển kinh tế xã hội sẽ khó đồng bộ và phát triển bền vững. Thiếu hụt nguồn nhân lực trong lĩnh vực này dẫn tới không đủ các yếu tố cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Song song với lĩnh vực kinh tế, chắc chắn lĩnh vực khoa học xã hội sẽ phát sinh nhiều vấn đề và phải có nguồn nhân lực để bù đắp. Ví dụ như ngành tâm lý giáo dục: chúng ta cứ nghĩ ngành này không có nhiều việc làm nhưng hầu hết các trường phổ thông, các cơ sở dạy nghề hiện nay đang thiếu các chuyên gia, chuyên viên về tâm lý giáo dục để góp phần định hướng, làm công tác xã hội cho các em.
Cho nên vấn đề ở đây là cần xác định cho rõ nhu cầu nhân lực cho từng ngành nghề, lĩnh vực, cơ cấu nguồn nhân lực, trình độ cũng như chính sách và những biện pháp thúc đẩy, như vậy chúng ta sẽ giải quyết được sự mất cân đối cung cầu lao động hiện nay.
** Sự quá mất cân bằng trong đăng ký ngành học giữa các lĩnh vực cho thấy những bất cập nào trong công tác hướng nghiệp cho các em học sinh của các cơ quan chức năng, thưa ông?
Vấn đề quan trọng hiện nay là chúng ta chưa có một chính sách đồng bộ về phát triển nguồn nhân lực, biết rõ ngành nào thực sự thiếu, ngành nào đang cần để có chính sách thu hút. Hiện chúng ta đào tạo tương đối dàn trải.
Kết quả một cuộc khảo sát gần đây cho thấy, 60% số sinh viên đang học chọn sai ngành học; chỉ có 5% số sinh viên hiểu rõ ngành mình đang học; khoảng 20% hiểu được sơ bộ ngành mình đang học và yên tâm; trên 70% sinh viên hoàn toàn không hiểu ngành mình đang học và cũng không biết rằng khi học xong sẽ có em phải làm trái ngành hoặc phải đi học lại. Đây là một sự lãng phí trong xã hội, đòi hỏi công tác đào tạo gắn theo nhu cầu xã hội phải trở thành một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước.
** Là chuyên gia trong lĩnh vực này ông có những khuyến nghị gì để thu hẹp sự mất cân đối giữa các ngành học hiện nay?
Đối với ngành công tác xã hội, Nhà nước ta bắt đầu có những chính sách rõ rệt. Nhà nước xác định trong lộ trình từ nay đến năm 2020 cần bao nhiêu lực lượng lao động xã hội, còn các ngành đang sử dụng các chuyên ngành khoa học xã hội đưa ra quy hoạch nhân lực cụ thể, xác định nhu cầu của mình. Trên cơ sở đó để có những chính sách rõ ràng về ngành xã hội và bố trí phát triển ổn định tương lai nghề nghiệp cho các em, từ đó mới phát triển mạnh hệ thống hướng nghiệp, hệ thống thông tin thị trường lao động để định hướng cho các em. Bên cạnh đó, với những ngành khó tuyển, những ngành chưa thu hút được sinh viên vào học, sẽ có những chính sách ưu tiên phù hợp.
** Ông có thể cho một ví dụ về cách thu hút hiệu quả vào một ngành học mà trước đây không được chú ý nhưng nay đang được rất đông học sinh đăng ký dự thi?
Ví dụ như ngành sư phạm. Có một thời kỳ chúng ta thấy rất thiếu nhưng khi Nhà nước có chính sách hỗ trợ miễn giảm học phí cho học sinh học ngành sư phạm, tự nhiên chúng ta cũng góp phần cân đối được phần nào lực lượng lao động trong lĩnh vực sư phạm.
Cho nên, với những ngành đặc thù, những ngành chúng ta thấy được sự phát triển trong tương lai, chúng ta cần có quy hoạch nguồn nhân lực cụ thể và có thông tin rõ ràng, tôi tin rằng các em học sinh cũng sẽ xác định rõ để đăng ký học các ngành đó, để rồi sẽ tham gia vào thị trường lao động một cách hiệu quả.
** Trung tâm của ông đang có những hoạt động gì để tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên có những lựa chọn nghề nghiệp chính xác phục vụ cho tương lai của các em sau này?
Chúng tôi là một Trung tâm mới thành lập và đang cố gắng có những cơ sở để có thể xác định được nhu cầu phát triển về nguồn nhân lực của thành phố hiện nay và những năm sắp tới. Trên cơ sở đó, Trung tâm phối hợp với các trường, các cơ sở đào tạo có định hướng cho các em trong lựa chọn ngành nghề phù hợp.
Tất nhiên việc định hướng chưa thể hoàn thiện trong một vài năm, nhưng tôi tin nếu chúng ta làm một cách tận tâm, quy mô, việc định hướng sẽ có tác động mạnh vào xã hội. Đặc biệt qua theo dõi trong những năm gần đây, khi ngành giáo dục cũng như một số ngành khác đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, tuyên truyền, nhận thức của em bước đầu đã có sự chuyển đổi. Nhưng chúng ta vẫn phải thừa nhận rằng hiện cả nước chưa có một hệ thống hướng nghiệp rõ ràng, dài hạn để các em có một nhận thức sâu sắc về nghề nghiệp.
** Xin cảm ơn ông!./.
Theo vovnews.vn