Theo Nghị định số 31/2011/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 2/8/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục do Thủ tướng Chính phủ mới ban hành, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đã chính thức được đưa vào Luật Giáo dục. Nghị định này chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2011.
Phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi đã chính thức được đưa vào Luật giáo dục
Cụ thể, Nghị định ghi rõ: Phổ cập giáo dục là quá trình tổ chức để mọi công dân đều được học tập và đạt tới một trình độ học vấn tối thiểu theo quy định của Nhà nước. Nhà nước thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục THCS.
UBND các cấp có trách nhiệm: Có kế hoạch và giải pháp thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; bảo đảm để mọi trẻ em 6 tuổi đều được vào lớp một; thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập THCS; củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu hcoj, THCS và chống mù chữ.
Nghị định mới sửa đổi bổ sung các khoản: 1,2 và 4 điều 2; khoản 1 điều 6; điều 8; khoản 1 điều 9; khoản 2 điều 16; khoản 2 điều 18; điều 20 và khoản 2, 3 điều 20; điều 22, 23; khoản 2,3 điều 27, điểm a khoản 4 điều 27; điều 30; khoản 2 điều 32; điểm 1 khoản 3, khoản 6 điều 33; điểm a khoản 1, khoản 2 điều 38; điểm b khoản 1, khoản 3 điều 39.
Hàng năm, cơ sở giáo dục và đơn vị hành chính đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục THCS phải tiến hành tự kiểm tra theo tiêu chuẩn quy định về phổ cập giáo dục, báo cáo bằng văn bản với cấp có thẩm quyền công nhận đạt chuẩn.
Cũng theo Nghị định này, cơ sở giáo dục khác thuộc hệ thống giáo dục quốc dân được sửa đổi bổ sung gồm 3 nhóm. Nhóm 1 là nhóm trẻ, nhà trẻ; các lớp độc lập gồm: lớp mẫu giáo, lớp xóa mù chữ, lớp ngoại ngữ, lớp tin học, lớp dành cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn không được đi học ở nhà trường, lớp dành cho trẻ tàn tật, khuyết tật, lớp dạy nghề và lớp trung cấp chuyên nghiệp được tổ chức tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Nhóm 2 là trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp; trung tâm dạy nghề; trung tâm giáo dục thường xuyên; trung tâm học tập cộng đồng; trung tâm ngoại ngữ, tin học. Nhóm 3 là các viện nghiên cứu khoa học được đào tạo trình độ tiến sĩ, phối hợp với trường đại học đào tạo trình độ thạc sĩ...
Về Sách giáo khoa, Nghị định sửa đổi bổ sung: Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; quyết định duyệt và chọn sách giáo khoa để sử dụng chính thức, ổn định, thống nhất trong giảng dạy, học tập ở các cơ sở giáo dục phổ thông, bao gồm cả sách giáo khoa bằng chữ nổi, bằng tiếng dân tộc và sách giáo khoa cho học sinh trường chuyên biệt trên cơ sở thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH theo thẩm quyền quy định việc biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng giáo trình giáo dục nghề nghiệp, giáo trình giáo dục đại học; quy định về giáo trình sử dụng chung, tổ chức biên soạn và duyệt các giáo trình này.
Hiệu trưởng trường trung cấp, trường CĐ, trường ĐH, giám đốc trung tâm dạy nghề tổ chức biên soạn giáo trình các môn học hoặc lựa chọn giáo trình tiên tiến, hiện đại trong nước và ngoài nước phù hợp với mục tiêu giáo dục, phù hợp với chương trình khung và nhiệm vụ đào tạo của trường; duyệt giáo trình trên cơ sở thẩm định của Hội đồng thẩm định giáo trình do hiệu trưởng nhà trường, giáo đốc trung tâm dạy nghề thành lập, bảo đảm có đủ giáo trình giảng dạy và học tập.
Theo GD&TĐ Online