Cập nhật: 06/06/2011 17:40:27 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tháng 3 năm 2011, chúng tôi đã có dịp đi thăm và làm việc tại Malaysia và Philippines về Giáo dục mầm non (GDMN).

Chúng tôi đã đến thăm một số trường phổ thông có lớp mẫu giáo tại thủ đô Kuala Lampur và bang Negeri Sembilan, thăm khoa Đào tạo giáo viên mầm non thuộc Học viện đào tạo giáo viên (Malaysia); thăm một số trường tại thủ đô Manila và bang Cavite (Philippines).

Một vài cảm nhận từ chuyến đi cho kinh nghiệm về GDMN nước ta…

 

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Việt Nam Nguyễn Thị Nghĩa  làm việc tại Bộ Giáo dục Philippines.

 

Malaysia và Philippines đều là các nước thuộc khu vực Đông Nam Á. Malaysia là một quốc gia đa dân tộc (Mã Lai, Trung Quốc, Ấn Độ và một số ít dân tộc khác, trong đó người Trung Quốc chiếm 20%, Ấn Độ 10%); dân số hiện nay là 28,3 triệu người. Nền kinh tế chủ yếu dựa vào xuất khẩu dầu mỏ và cọ. Thu nhập bình quân đầu người là 7.000USD/năm và phấn đấu đạt 15.000USD vào năm 2020. Nếu thiên nhiên luôn ưu đãi cho Malaysia thì Philippines lại là một quốc đảo có điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Dân số hiện nay của Philippines hơn 90 triệu người. Nền kinh tế nước này chủ yếu dựa vào xuất khẩu lao động; thu nhập bình quân đầu người 2.000USD/năm.

 

Mục tiêu GDMN của hai nước là đều hướng đến việc chuẩn bị nền tảng cho trẻ vào học lớp 1, xem đây là một giải pháp hữu hiệu để đạt tỷ lệ nhập học lớp 1 cao.

 

Về cơ cấu tổ chức quản lí GDMN, ở Philippines, GDMN do Bộ Giáo dục quản lí (thông qua Vụ GDMN). Ở Malaysia, ngoài Bộ Giáo dục quản lí GDMN còn có các Bộ, ngành khác. Ở các địa phương có các sở giáo dục, các phòng giáo dục và các bộ phận quản lí các cụm trường.

 

Về mạng lưới GDMN, cả hai nước đều có 2 loại hình trường: công lập và tư thục, tỷ lệ trường công cao hơn trường tư. Malaysia có khoảng 21.300 cơ sở giáo dục, chăm sóc trẻ từ 4- 6 tuổi (tư thục chiếm 26%).

 

Philippines có khoảng 64.264 trường công lập và 20.794 trung tâm mẫu giáo (tư thục chiếm 25%).

 

Hai nước không có trường mầm non độc lập mà chỉ có lớp mẫu giáo 5, 6 tuổi gắn với trường tiểu học (công lập). Hệ tư thục có các trung tâm chăm sóc trẻ, trong đó có các lớp mẫu giáo 5, 6 tuổi.

 

Hiện nay, tỷ lệ trẻ 5-6 tuổi đến lớp mẫu giáo của Philippines đạt 79%, Malaysia là 67%.

 

Tỷ lệ trẻ/lớp là 25 trẻ/2 giáo viên (Malaysia) và 30 trẻ/lớp/2 giáo viên (Philippines). Lớp học chỉ tổ chức 1 buổi/ngày.

 

Cả hai nước đều có chính sách miễn học phí và hỗ trợ bữa ăn trưa tại trường đối với trẻ mẫu giáo học tại các trường công lập. Riêng Malaysia, trường công ưu tiên con em gia đình có thu nhập thấp.

 

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa  thăm một lớp mẫu giáo của Malaysia

 

Cả hai nước đang hướng tới phổ cập giáo dục trẻ 5- 6 tuổi. Malaysia phấn đấu đến năm 2012 sẽ thu hút 87% trẻ 6 tuổi đến lớp mẫu giáo. Philippines phấn đấu 2015 sẽ thu hút 100% trẻ 5 tuổi đến trường.

 

Malaysia đã đưa ra 7 giải pháp nhằm tăng cường số lượng trẻ đến trường và nâng cao chất lượng giáo dục: (1) Thành lập một Hội đồng quốc gia trong Bộ Giáo dục để giám sát hoạt động của tất cả các trường; (2) Phổ biến chuẩn chương trình GDMN mới được xây dựng năm 2010; (3) Hỗ trợ công bằng đối với tất các các trẻ: trẻ tại bán đảo được Chính phủ hỗ trợ 1,8 R/ngày; Trẻ ở vùng đảo: 2,05 R/ngày; (4) Tăng cường số lượng và chất lượng đào tạo giáo viên; (5) Tăng cường số lượng lớp mầm non cho trẻ 4 tuổi (10.000 lớp); (6) Tăng cường phối hợp giữa trường công và trường tư để tăng số lượng trẻ đến trường: mỗi đơn vị mở trường được cấp 10.000 R; cấp 150R/tháng/trẻ trong 10 tháng; cung cấp khóa học đào tạo miễn phí cho giáo viên và cán bộ quản lí trường tư thục. (7) Phát triển hệ thống thông tin quốc gia: đưa vào hệ thống quốc gia các thông tin như địa điểm trường, lớp, học sinh, nhân sự của trường…

 

TT Nghĩa với trẻ em mầm non Malaysia

 

Về các điều kiện đảm bảo chất lượng GDMN, đối với trường công lập, Nhà nước đảm bảo đầu tư đầy đủ phòng học, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, học liệu. Các lớp mẫu giáo công lập đều nằm trong trường phổ thông. Ngân sách chi cho giáo dục của Malaysia đứng thứ 2, sau quốc phòng.

 

Chương trình giáo dục mẫu giáo do Bộ Giáo dục xây dựng và là chương trình quốc gia. Chương trình quốc gia của Philippines là chương trình khung. Các sở có trách nhiệm tự xây dựng chương trình chi tiết và triển khai trên địa bàn mình quản lí. Môi trường giáo dục đầy đủ các phương tiện học tập, vui chơi và có phân chia các góc hoạt động. Trẻ hoạt động và học tập tập trung vào phát triển các kĩ năng nhận biết chữ cái, đọc viết các chữ cái và các từ đơn giản quen thuộc, khả năng tính toán trong phạm vi 20 (Ở Việt Nam trẻ học tính toán đơn giản trong phạm vi 10).

 

Trong lớp mẫu giáo của Malaysia.

 

Yêu cầu về trình độ giáo viên trong các trường công lập là cử nhân. Sau đó, họ học tiếp 1 năm để có chứng chỉ sư phạm về tâm lý giáo dục trẻ em để dạy mầm non và tiểu học (Malaysia) hoặc học thêm 18 đơn vị học trình về chuyên ngành mầm non (Philippines) (ở Việt Nam trình độ chuẩn là trung cấp). Giáo viên được đào tạo và bồi dưỡng miễn phí và đảm bảo có việc làm trong các trường công lập. Nhà nước hỗ trợ các trường tư thục đào tạo và bồi dưỡng giáo viên.

 

Mỗi lớp học mẫu giáo bố trí 2 giáo viên (1 giáo viên chính và 1 trợ giảng). Ở Malaysia tuyển giáo viên trợ giảng có bằng tốt nghiệp phổ thông hoặc cao đẳng, sau đó được bồi dưỡng 4 kỳ (2 kỳ/năm, 2 tuần/kỳ). Giống như Việt Nam, giáo viên mẫu giáo chủ yếu là nữ.

 

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Việt Nam Nguyễn Thị Nghĩa thăm trường Kebangsaan Puteri Malaysia

 

Lương giáo viên khởi điểm ở Malaysia là 2.500 R/tháng (khoảng hơn 800 USD); Mức lương trung bình là 5.000 R/tháng. Ở Philippines, lương của giáo viên là 3.000 P/tháng (khoảng hơn 75 USD). Chế độ làm việc của giáo viên từ 3,5- 4h/ngày. Định kì tăng lương mỗi năm 1 lần.

 

Không có chế độ riêng cho giáo viên mầm non; Chưa có chuẩn riêng đánh giá giáo viên mầm non. Việc đánh giá giáo viên thực hiện theo đánh giá công chức. Hiện nay, Bộ Giáo dục Malaysia đang xây dựng quy trình đánh giá giáo viên chuẩn của tất cả các cấp học.

 

Có thể thấy rằng, giáo dục mầm non Malaysia và PhiLippines đều tập trung ưu tiên miễn phí cho trẻ 5, 6 tuổi, chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1. Vấn đề này được nhiều bộ, ngành quan tâm. Tuy nhiên, cả hai nước đều chưa quan tâm việc giáo dục, chăm sóc trẻ dưới 5 tuổi và việc mở trường ở những khu công nghiệp, chế xuất có nhiều công nhân nữ. Giống như Việt Nam, cả 2 nước đều có 2 loại hình giáo dục mầm non là công lập và tư thục. Tại Malaysia, trường công ưu tiên con em gia đình có thu nhập thấp. Đây là một vấn đề cần suy ngẫm. Chương trình học của trẻ mẫu giáo là 1 buổi/ngày. (Chương trình GDMN của Việt Nam học hai buổi/ngày). Chương trình GDMN của hai nước đều được thực hiện dựa trên việc tổ chức các hoạt động giáo dục theo hướng tích hợp chủ đề. Chương trình quan tâm tới việc làm quen với chữ, kĩ năng tiền đọc, viết và tính toán. Một đặc điểm của hai nước mà chúng tôi nhận thấy là nhà trường luôn coi trọng tiếng Anh. Ở Malaysia, tiếng Anh là một môn học và một số môn học được dạy bằng Tiếng Anh.

 

Ở Philippines, tiếng Anh được xem là tiếng phổ thông trong trường học. Cả hai nước đều dạy tiếng Anh cho trẻ từ lứa tuổi mầm non. Trình độ đào tạo chuẩn của giáo viên mầm non là cử nhân, được học qua chương trình sư phạm; Việc đào tạo giáo viên thực hiện miễn phí. Tại Philippines, các trường học cũng đang thực hiện việc xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực.

 

 

Theo gdtd online

Tệp đính kèm