Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, ngành Giáo dục nên đưa môn học này bắt đầu từ bậc mầm non cho đến đại học.
Dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, chiều 17/11, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (gồm 5 chương, 43 điều).
Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, hiện nay, tình trạng vi phạm pháp luật trong nhân dân, đặc biệt là giới trẻ có chiều hướng gia tăng. Vấn đề này đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân, làm mất trật tự an toàn xã hội và gia tăng số lượng tội phạm.
Để hạn chế tình trạng trên, đại biểu Nguyễn Xuân Trường (đoàn Hải Phòng) đề xuất: Nội dung phổ biến giáo dục pháp luật cần chú trọng đến trong giáo dục quốc dân, từ mầm non đến đại học với những mức độ, kiến thức khác nhau. Ngành Giáo dục cần đưa phổ biến, giáo dục pháp luật là một môn học trong chương trình từ bậc mầm non đến đại học.
Đồng ý với quan điểm trên, đại biểu Trịnh Ngọc Thạch (đoàn Hà Nội) đưa ra quan điểm: Dự án Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật nên quy định cụ thể giáo dục pháp luật trong nhà trường, coi đây là môn học bắt buộc để học sinh có ý thức và lối sống tuân theo pháp luật. Nhà trường cần phối hợp với gia đình, UBND khối phố thường xuyên kiểm tra ý thức chấp hành pháp luật của học sinh trong đời sống. Hàng năm, nên có một ngày về phổ biến, giáo dục pháp luật.
Đối tượng thanh thiếu niên và nhi đồng là những đối tượng dễ bị lôi kéo vào những hành vi vi phạm pháp luật nhất nên cần tăng cường giáo dục pháp luật cho họ. Theo đó, trong các trường học nên phổ biến giáo dục ý thức công dân, tinh thần yêu nước, dân tộc, có trách nhiệm đối với xã hội và gia đình cho những đối tượng này- đại biểu Phạm Trí Thức (đoàn Thanh Hóa) nêu ý kiến.
Để phổ biến, giáo dục pháp luật ở trong trường học phát huy hiệu quả, các cơ sở giáo dục cần bổ sung, nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên dạy giáo dục pháp luật - đại biểu Triệu Thị Thu Phương (đoàn Bắc Kạn) kiến nghị.
Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật ở vùng có dân trí thấp
Dự án Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật nên chú trọng đến tăng cường giáo dục pháp luật trong nhân dân, khu dân cư, vùng có dân trí thấp.
Đại biểu Nguyễn Xuân Trường (đoàn Hải Phòng) cho rằng, hiện nay, nhiều người dân ở những vùng khó khăn, người dân ít được tiếp xúc và tiếp cận với những thông tin phổ biến về giáo dục pháp luật. Vì thế, nên đưa ra những hình thức mở rộng và bổ sung cán bộ, tuyên truyền viên phổ biến giáo dục pháp luật ở những địa bàn này.
Những vụ vỡ nợ tín dụng đen hay những trường hợp cãi vã mất lịch sự trong các vụ tai nạn giao thông, ở nơi công cộng; bạo lực gia đình; bạo lực học đường; buôn bán người đã cho thấy, nhiều người chưa thực sự hiểu biết về ý thức pháp luật. Để hạn chế tình trạng này, cần tuyên truyền cho người dân hiểu biết những kiến thức pháp luật để tự bảo vệ bản thân, tài sản của mình cũng như kiềm chế những hành vi vi phạm pháp luật.
Mặt khác, tại các địa phương cần trích kinh phí để có chế độ bồi dưỡng cho những tuyên truyền viên ở khu dân cư khi hướng dẫn, phổ biển cho người dân về những kiến thức pháp luật - đại biểu Phạm Tất Thắng (đoàn Vĩnh Long) nêu quan điểm.
Ngoài việc hỗ trợ kinh phí cho các cán bộ, tuyên truyền viên, đại biểu Danh Út (đoàn Kiên Giang) kiến nghị, nên phát huy vai trò và thường xuyên tập huấn cho già làng, trưởng bản, báo cáo viên trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương mình./.
Theo Bích Lan-Mạnh Hưng /vovnews.vn