Nhiều nội dung chất vấn của ĐBQH liên quan đến cấp học mầm non đã được Bộ GD&ĐT giải đáp.
Đồng chí Nguyễn Thành Tâm - Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh chất vấn:
Hiện nay, hệ thống giáo dục mầm non đang còn nhiều bất cập: thiếu trường lớp học, cả ở thành phố và khu vực nông thôn, chế độ giáo viên mầm non chưa phù hợp gây ra những bức xúc trong xã hội (chạy trường, giáo viên nghỉ việc...), đặc biệt ảnh hưởng đến quyền được chăm sóc, học tập của trẻ. Đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp để cải thiện tình hình?
Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:
1. Một số vấn đề còn bất cập đối với giáo dục mầm non hiện nay
a) Tình trạng thiếu trường lớp học
Trong năm học 2011-2012, cả nước có 12.976 trường mầm non, tăng 265 trường so với năm học trước. Trong đó, trường công lập: 9.742 trường, chiếm tỷ lệ 75,1%; trường ngoài công lập: 3.234 trường, chiếm tỷ lệ 24,9%.
Tổng số phòng học cho Giáo dục Mầm non là 138.843, trong đó có 65.629 phòng học kiên cố (chiếm tỷ lệ 48%). Trong năm học 2010 -2011, cả nước đã xây dựng mới 10.746 phòng học, 3.684 công trình nước sạch và 10.202 bệ, hố vệ sinh.
Mặc dù số lượng phòng học cho Giáo dục Mầm non đã tăng lên đáng kể, nhưng vẫn thiếu trầm trọng; Cả nước hiện vẫn thiếu 26.886 phòng học (tính theo quy định số lượng trẻ em/lớp của Điều lệ trường mầm non) so với nhu cầu.
Mặt khác, sự chênh lệch quá lớn về học phí, chất lượng giáo viên, cơ sở vật chất giữa các trường mầm non công lập và trường mầm non tư thục là nguyên nhân dẫn đến chạy trường, chạy lớp để trẻ được vào trường mầm non công lập, xảy ra tình trạng quá tải cho các trường mầm non này.
Để giải quyết tình trạng thiếu trường, lớp và tình trạng quá tải ở các trường mầm non tại các thành phố, đô thị lớn, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các địa phương đã và đang tập trung chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau:
- Tích cực tham mưu Chính phủ ban hành cơ chế chính sách phát triển giáo dục mầm non, phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội của từng giai đoạn. Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã chủ động ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về giáo dục mầm non.
- Chỉ đạo và hướng dẫn các Sở giáo dục và đào tạo các tỉnh, thành phố tham mưu với Ủy ban nhân dân các cấp tăng cường rà soát, quy hoạch mạng lưới, quy mô trường, lớp; dành diện tích xây dựng trường mầm non khi phê duyệt thành lập các khu dân cư mới, khu đô thị, khu chế xuất, khu công nghiệp; thúc đẩy tiến độ xây dựng các trường công lập ở những phường, xã chưa có trường mầm non; đầu tư, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất cho các trường công lập đang xuống cấp. Đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng hóa các loại hình trường, lớp mầm non, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách cho các tổ chức, cá nhân thành lập trường mầm non ngoài công lập ở những nơi điều kiện kinh tế xã hội phát triển.
- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho các bậc cha mẹ có con trong lứa tuổi mầm non, để họ có thể nuôi dạy con tốt tại gia đình, góp phần giảm tải cho các nhà trường.
- Chỉ đạo các địa phương tăng cường quản lý chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ trong các trường mầm non ngoài công lập, thu hẹp khoảng cách về chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ giữa trường mầm non công lập và ngoài công lập. Thực hiện công khai về tài chính, công khai công tác tuyển sinh, công khai về điều kiện đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất của nhà trường, để người dân có thể lựa chọn các cơ sở giáo dục mầm non phù hợp với điều kiện của gia đình và giám sát được hoạt động của nhà trường.
- Phối hợp các nguồn vốn của trung ương, địa phương, nguồn vốn của Chương trình kiên cố hóa trường học, Chương trình mục tiêu Quốc gia giáo dục đào tạo và nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của Chính phủ để đầu tư hoàn thiện mạng lưới trường lớp giáo dục mầm non.
b) Về chế độ cho giáo viên mầm non chưa phù hợp, đời sống khó khăn
Hiện nay, chủ yếu là giáo viên làm việc theo chế độ hợp đồng lao động (tức ngoài biên chế) trong các trường mầm non công lập, bán công và tư thục. Theo báo cáo của các tỉnh/thành phố, cả nước hiÖn có 196.639 giáo viên mầm non, trong đó: (trong biên chế 84.606 giáo viên, ngoài biên chế 112.033 giáo viên). Trên cả nước còn thiếu 22.811 giáo viên.
Số giáo viên ngoài biên chế hiện nay đã được các địa phương hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để có mức thu nhập bằng mức lương tối thiểu, được tham gia đóng Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Thực tế mức thu nhập của giáo viên ngoài biên chế hiện nay rất khác nhau đối với từng tỉnh. Trong năm 2010, bình quân thu nhập của giáo viên ngoài biên chế thấp nhất là 1.192.000đ/ tháng, cao nhất là 2.566.000đ/tháng. Tuy nhiên, có một số huyện thuộc một số tỉnh có mức thu nhập của giáo viên mầm non rất thấp như Bình Định, Phú Yên: 540.000đ, Hà Nam 800.000đ, Thanh Hóa từ 500.000đ - 800.000đ/tháng.
Các giải pháp trong thời gian tới:
- Chỉ đạo các địa phương thực hiện cơ chế học phí mới theo Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010, tăng nguồn thu hợp pháp ở những nơi thuận lợi, cha mẹ trẻ có khả năng chi trả để thực hiện chế độ, chính sách cho giáo viên mầm non, xây dựng Đề án thành lập các trường mầm non công lập chất lượng cao có mức học phí phù hợp với chất lượng giáo dục, tạo ra nhiều sự lựa chọn cho phụ huynh.
- Phối hợp với các bộ, ban, ngành hoàn thiện các văn bản về chế độ chính sách cho giáo viên mầm non và hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện Quyết định 60/2011/QĐ-TTg ngày 26/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2011 -2015, theo đó giáo viên làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ sở mầm non công lập, dân lập được nhà nước hỗ trợ ngân sách để các cơ sở giáo dục mầm non trả lương theo thang bảng lương của giáo viên mầm non, được nâng lương theo định kỳ, được tham gia đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chế độ chính sách khác như giáo viên mầm non trong công lập. Giáo viên mầm non công tác tại các cơ sở giáo dục mầm non tư thục được nhà nước hỗ trợ chi phí bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận và trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
- Xây dựng kế hoạch và giải pháp cụ thể để đào tạo và bồi dưỡng giáo viên mầm non còn thiếu và đạt trình độ chuẩn theo quy định, đảm bảo định mức giáo viên theo quy định hiện hành đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục mầm non
- Thực hiện đúng quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên mầm non tại Thông tư 48/2011/TT-BGD -ĐT ngày 25/10/2011 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Nghị Định 54/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo
Đồng chí Nguyễn Văn Pha - Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định chất vấn:
Trong đợt tiếp xúc cử tri vừa qua, nhiều cử tri phản ánh việc chuyển đổi trường mầm non bán công sang công lập ở một số địa phương chỉ là hình thức. Giáo viên mầm non ở những nơi được chuyển đổi nhiều người chưa được hưởng phụ cấp theo quy định.
Xin hỏi: Trách nhiệm giải quyết việc này là của Bộ Giáo dục và Đào tạo hay của Ủy ban nhân dân các cấp.
Nếu là của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì Bộ trưởng sẽ xử lý việc này như thế nào để đảm bảo quyền lợi cho giáo viên mầm non.
Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:
1. Căn cứ Nghị định số 75/2005/NĐ-CP ngày 02/8/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 11/2009/TT-BGDĐT ngày 08/5/2009 quy định về trình tự, thủ tục chuyển đổi cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông bán công, dân lập sang cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông tư thục; cơ sở giáo dục mầm non bán công sang cơ sở giáo dục mầm non dân lập; cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông bán công sang cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.
Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định chuyển đổi loại hình trường mầm non bán công sang loại hình trường mầm non công lập, đồng thời chịu trách nhiệm thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đối với nhà giáo trong diện chuyển đổi.
Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chuyển đổi các loại hình trường mầm non của các địa phương theo Thông tư nói trên để đảm bảo quyền lợi cho giáo viên mầm non.
Theo báo cáo của các địa phương, đến nay, đã có 32 tỉnh, thành phố có Đề án chuyển đổi các trường mầm non bán công sang công lập được phê duyệt, 18 tỉnh không có loại hình bán công nên không phải thực hiện chuyển đổi, còn 13 tỉnh thành đang trong quá trình phê duyệt Đề án. Tính đến tháng 10/2011, trong quá trình chuyển đổi trường mầm non bán công sang trường mầm non công lập, một số tỉnh, thành phố đã thực hiện khá tốt việc tuyển dụng người lao động ngoài biên chế vào biên chế nhà nước như: Thành phố Hà Nội đã tuyển dụng 5.835 giáo viên và 250 nhân viên; Tỉnh Phú Thọ đã tuyển dụng 1.193 giáo viên; Tỉnh Thái Nguyên đã tuyển dụng 1.850 giáo viên; Tỉnh Nghệ An đã tuyển dụng 5.864 giáo viên; Tỉnh Quảng Trị đang tuyển dụng theo lộ trình thực hiện phổ cập giáo dục, theo đó, năm 2011 dự kiến tuyển 210 biên chế.
Giáo viên và nhân viên được tuyển dụng vào biên chế nhà nước được hưởng mọi chế độ, chính sách theo quy định hiện hành của Nhà nước.
2. Hiện nay, số lượng giáo viên mầm non ngoài công lập khá lớn (toàn quốc còn trên 77.000 người), nên một số địa phương chưa thể tuyển dụng vào biên chế ngay tất cả giáo viên thuộc diện chuyển đổi.
Để giải quyết bất cập này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg ngày 26/10/2011 quy định một số chính sách phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2011-2015. Theo đó, đối với các giáo viên mầm non làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, dân lập, Nhà nước sẽ hỗ trợ ngân sách để các cơ sở giáo dục mầm non thực hiện trả lương theo thang bảng lương giáo viên mầm non, nâng lương định kỳ, thực hiện các chế độ chính sách khác như đối với giáo viên có cùng trình độ đào tạo đang làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập. Đối với giáo viên mầm non công tác tại các cơ sở giáo dục mầm non tư thục, Nhà nước sẽ hỗ trợ chi phí bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Đồng chí Đinh Thị Bạch Mai-Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh chất vấn:
Nuôi giữ, chăm sóc trẻ dưới 18 tháng tuổi góp phần bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực cho tương lai đất nước. Theo pháp luật về lao động, phụ nữ sinh con được nghỉ thai sản, nuôi con nhỏ 4 tháng. Trên thực tế, phần đông các trường mầm non không nhận nuôi giữ, chăm sóc trẻ dưới 18 tháng tuổi và đa số gia đình cũng không đủ thu nhập để thuê người trông giữ trẻ.
Đề nghị Bộ trưởng cho biết, Bộ trưởng có giải pháp gì trong thời gian tới để đảm bảo cho trẻ dưới 18 tháng tuổi được nuôi giữ, chăm sóc tốt hơn và giúp phụ nữ đi làm được yên tâm?
Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:
Điều lệ trường mầm non quy định: “Tổ chức thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ ba tháng đến sáu tuổi theo Chương trình giáo dục mầm non do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành; Đối với trẻ em từ ba tháng đến sáu tuổi, nếu không mắc bệnh truyền nhiễm, bệnh bẩm sinh nguy hiểm, được nhận vào các nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập”. Như vậy, về nguyên tắc, các trường, lớp mầm non phải có nghĩa vụ nhận các cháu ở các độ tuổi.
Trong thời gian qua, các địa phương trên cả nước đã tích cực củng cố, mở rộng mạng lưới trường, lớp mầm non ở tất cả các loại hình để thu nhận trẻ các độ tuổi vào học. Trên thực tế, đã có những trường mầm non (Ví dụ: Trường Mầm non 20-10, Quận Hoàn Kiếm, trường Mầm non Kim Liên, Quận Đống Đa, Hà Nội; Trường Mầm non Thu Hương, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang; trường Mầm non 19-5, Quận 1, trường Mầm non Thành phố, Quận 3, thành phố Hồ Chí Minh) đáp ứng đủ điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ, hiện đang nhận chăm sóc, giáo dục trẻ dưới 18 tháng tuổi.
Mặt khác, mặc dù đã được quan tâm đầu tư trong mấy năm gần đây, song, theo số liệu thống kê, bậc học mầm non vẫn thiếu 26.886 phòng (tính theo quy định số lượng trẻ em/lớp của Điều lệ trường mầm non) và thiếu 22.811 giáo viên so với nhu cầu. Tại nhiều địa phương, đặc biệt là các thành phố, thị xã, nơi đông dân cư, khu công nghiệp, do khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, thiếu phòng học và giáo viên, nên việc thu nhận trẻ nhỏ, đặc biệt trẻ dưới 18 tháng tuổi tại các trường công lập còn nhiều hạn chế. Bên cạnh việc đẩy mạnh triển khai thực hiện Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi, Bộ sẽ phối hợp với các địa phương, nhất là các tỉnh, thành phố có khu công nghiệp, đề xuất các biện pháp về xây dựng cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên... để tiếp nhận trẻ dưới 18 tháng tuổi.
Bộ Giáo dục và Đào tạo hết sức chia sẻ nhu cầu chính đáng của các bậc cha mẹ và đang tích cực tổ chức thực hiện những giải pháp để khắc phục, song vẫn chưa giải quyết ngay được vấn đề này.
Để từng bước khắc phục tình trạng trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg ngày 26/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định một số chính sách phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2011-2015. Trong đó, đặc biệt quan tâm trường, lớp để đón các cháu dưới 18 tháng tuổi ở các khu dân cư mới, khu công nghiệp; Tuyển dụng, hợp đồng giáo viên, nhân viên đối với các trường mầm non công lập để đáp ứng từng bước nhu cầu gửi trẻ dưới 18 tháng tuổi; Thực hiện các chế độ, chính sách đối với giáo viên mầm non làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, dân lập.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang chỉ đạo các địa phương thực hiện Nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục gắn với triển khai thực hiện Đề án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2006-2015; Thực hiện Chương trình Giáo dục Mầm non mới, trong đó quy định mục tiêu, nội dung, phương pháp chăm sóc giáo dục trẻ dưới 18 tháng tuổi; Chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho các bậc cha mẹ có con ở độ tuổi nhỏ, để các bậc phụ huynh có thể lựa chọn hình thức nuôi dạy con tại gia đình, góp phần giảm tải cho các nhà trường.
Đồng chí Trương Thị Ánh - Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh chất vấn:
1. Theo Điều lệ trường mầm non thì trường mầm non là nơi thu nhận các cháu từ 3 đến 72 tháng tuổi. Tuy nhiên, hiện nay các trường mầm non công lập chỉ nhận các cháu từ 12 tháng tuổi trở lên. Xin Bộ trưởng cho biết lý do vì sao không nhận các cháu đủ tháng tuổi theo quy định. Hướng sắp tới Bộ sẽ giải quyết như thế nào khi thực tế nhu cầu xã hội rất cần.
2. Theo phản ánh của các cô giáo trường mầm non, hiện nay, giáo viên mầm non vừa phải đứng lớp giảng dạy, vừa phải làm cả các công việc lao động phổ thông (vệ sinh, phục vụ...) nguyên nhân do các lớp không có chức danh bảo mẫu. Xin Bộ trưởng cho biết lý do vì sao không có chức danh trên, trong khi việc dạy học và chăm sóc các cháu là hai công đoạn quan trọng như nhau.
Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:
1. Về việc nhận nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em dưới 12 tháng tuổi tại các cơ sở giáo dục mầm non
Điều lệ trường mầm non quy định: “Tổ chức thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ ba tháng đến sáu tuổi theo Chương trình giáo dục mầm non do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành; Đối với trẻ em từ ba tháng đến sáu tuổi, nếu không mắc bệnh truyền nhiễm, bệnh bẩm sinh nguy hiểm, được nhận vào các nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập”. Như vậy, về nguyên tắc, các trường, lớp mầm non phải có nghĩa vụ nhận các cháu ở các độ tuổi.
Trong thời gian qua, các địa phương trên cả nước đã tích cực củng cố, mở rộng mạng lưới trường, lớp mầm non ở tất cả các loại hình để thu nhận trẻ các độ tuổi vào học. Trên thực tế, đã có những trường mầm non (Ví dụ: Trường Mầm non 20-10, Quận Hoàn Kiếm, trường Mầm non Kim Liên, Quận Đống Đa, Hà Nội; Trường Mầm non Thu Hương, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang; trường Mầm non 19-5, Quận 1, trường Mầm non Thành phố, Quận 3, thành phố Hồ Chí Minh) đáp ứng đủ điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ, hiện đang nhận chăm sóc, giáo dục trẻ dưới 12 tháng tuổi.
Mặt khác, mặc dù đã được quan tâm đầu tư trong mấy năm gần đây, song, theo số liệu thống kê, bậc học mầm non vẫn thiếu 26.886 phòng (tính theo quy định số lượng trẻ em/lớp của Điều lệ trường mầm non) và thiếu 22.811 giáo viên so với nhu cầu. Tại nhiều địa phương, đặc biệt là các thành phố, thị xã, nơi đông dân cư, khu công nghiệp, do khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, thiếu phòng học và giáo viên, nên việc thu nhận trẻ nhỏ, đặc biệt trẻ dưới 12 tháng tuổi tại các trường công lập còn nhiều hạn chế. Bên cạnh việc đẩy mạnh triển khai thực hiện Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi, Bộ sẽ phối hợp với các địa phương, nhất là các tỉnh, thành phố có khu công nghiệp, đề xuất các biện pháp về xây dựng cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên... để tiếp nhận trẻ dưới 12 tháng tuổi.
Bộ Giáo dục và Đào tạo hết sức chia sẻ nhu cầu chính đáng của các bậc cha mẹ và đang tích cực tổ chức thực hiện những giải pháp để khắc phục, song vẫn chưa giải quyết ngay được vấn đề này.
Để từng bước khắc phục tình trạng trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg ngày 26/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định một số chính sách phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2011-2015. Trong đó, đặc biệt quan tâm trường, lớp để đón các cháu dưới 12 tháng tuổi ở các khu dân cư mới, khu công nghiệp; Tuyển dụng, hợp đồng giáo viên, nhân viên đối với các trường mầm non công lập để đáp ứng từng bước nhu cầu gửi trẻ dưới 12 tháng tuổi; Thực hiện các chế độ, chính sách đối với giáo viên mầm non làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, dân lập.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang chỉ đạo các địa phương thực hiện Nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục gắn với triển khai thực hiện Đề án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2006-2015; Thực hiện Chương trình Giáo dục Mầm non mới, trong đó quy định mục tiêu, nội dung, phương pháp chăm sóc giáo dục trẻ dưới 12 tháng tuổi; Chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho các bậc cha mẹ có con ở độ tuổi nhỏ, để các bậc phụ huynh có thể lựa chọn hình thức nuôi dạy con tại gia đình, góp phần giảm tải cho các nhà trường.
2. Về việc các lớp mầm non không có chức danh bảo mẫu
Thông tư liên tịch số 71/2007/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 28/11/2007 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ quy định: Định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập bao gồm: cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên trong các nhà trẻ, trường mẫu giáo và trường mầm non công lập; không bao gồm các chức danh hợp đồng quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp.
Điều 1, Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ quy định thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc như bảo vệ, vệ sinh, công việc khác... trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp.
Trên thực tế, một số địa phương vận dụng thực hiện chế độ hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP với người lao động để làm công việc vệ sinh, phục vụ tại cơ sở giáo dục mầm non.
Giáo dục mầm non là một loại hình giáo dục đặc biệt, là sự chuẩn bị cho trẻ thơ những tiền đề quan trọng trước khi bước vào giáo dục nhà trường. Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã dành sự quan tâm, đầu tư và ban hành nhiều chính sách đối với giáo dục mầm non. Tuy nhiên, hiện nay, tốc độ tăng dân số cơ học ở các thành phố, đô thị lớn ngày càng nhanh cùng với sự phát triển ồ ạt của các khu công nghiệp, nên số lượng trẻ đến trường là tương đối lớn. Điều này cho thấy nhu cầu cấp bách về điều kiện chăm sóc giáo dục trẻ là rất lớn ngoài giáo viên dạy chuyên môn, cần có những người không chỉ lo chuyện ăn, uống, ngủ nghỉ của trẻ mà còn rèn kỹ năng tự phục vụ, văn hóa ăn uống, xếp hàng… trong việc phát triển nhân cách của trẻ.
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với Bộ Nội vụ hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư liên tịch số 71/2007/TTLT-BGĐĐT-BNV quy định định mức biên chế sự nghiệp các trường mầm non công lập, trong đó có nội dung điều chỉnh định mức biên chế cho cô nuôi (bảo mẫu) theo yêu cầu thực tế, dự kiến sẽ ban hành trong tháng 12/2011.
Theo GD&TĐ Online