Cập nhật: 04/05/2012 15:42:15 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ngay sau khi  6 môn thi tốt nghiệp THPT năm nay được Bộ GD&ĐT công bố, các trường THPT ở Nghệ An đã tăng tốc trong việc tổ chức ôn tập cho học sinh. Hầu hết các trường đã tăng tiết ôn tập, ưu tiên dành nhiều thời lượng và miễn phí học thêm buổi cho học sinh yếu.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, Trường THPT Dân tộc nội trú Quỳ Hợp (huyện Quỳ Hợp) có 324 em đăng ký dự thi. Trong đó, 80% số học sinh là người dân tộc thiểu số. Các em hầu hết trọ học xa nhà, không có cha mẹ, anh chị quản lý, đôn đốc việc tự học. Mấy năm nay, Chi đoàn giáo viên đã tự nguyện mở các lớp dạy thêm ban đêm cho học sinh nội trú, trong đó ưu tiên học sinh khối 12.

 

Sau khi biết các môn thi tốt nghiệp, Trường đã giao cho các giáo viên bộ môn lên kế hoạch ôn tập cụ thể với định mức 15 tiết/môn. Riêng bộ môn Tiếng Anh được tăng lên 25 tiết, vì trong 6 môn thi tốt nghiệp, học sinh của Trường học yếu tiếng Anh hơn cả. Song song với đó, Đoàn trường và các tổ chuyên môn còn đăng tải các nội dung hệ thống hóa kiến thức của các môn tự nhiên, các dạng đề thi,… lên bảng tin của Trường. Một đề thi được đưa ra, học sinh tham gia giải và tìm cách giải hay nhất. Cách làm này đã thu hút nhiều học sinh tham gia và hiệu quả đem lại rất lớn.

 

Em Lương Anh Tài, học sinh lớp 12 cho biết: “Vào giờ ra chơi, chúng em thường tập trung ở bảng tin để xem cách giải Toán, đố nhau những câu đố vui lên quan đến bài học, giúp các em dễ nhớ, lại không mất nhiều thời gian. Đặc biệt, bảng tin của Trường còn có các “chuyên mục” như: Ăn uống đúng cách để tăng cường trí nhớ trong những ngày ôn thi; Ôn thi thế nào cho có hiệu quả,... rất bổ ích”.

 

Trung tâm Giáo dục thường xuyên Đô Lương (huyện Đô Lương) đã có quá trình tổ chức ôn tập bài bản cho học sinh. Ông Phạm Đình Bưởi, Giám đốc Trung tâm cho biết: “Năm nay, Trung tâm có 307 học sinh khối 12. Theo chương trình của Bộ, đến 15/5 mới kết thúc chương trình. Nhưng từ cuối tháng Tư vừa rồi, Trung tâm đã tập trung ôn thi tốt nghiệp cho học sinh khối 12. Song đây chỉ là giai đoạn “tăng tốc” để “về đích” thôi, còn Trung tâm đã khởi động việc ôn tập, hệ thống hóa kiến thức cho các em ngay từ lớp 10”.

 

Bắt đầu từ năm học 2002-2003 đến nay, Trung tâm duy trì có hiệu quả 3 phòng thi “hai không”. Trung tâm xây dựng 3 phòng, trang bị đầy đủ bàn ghế, điện chiếu sáng, quạt. Đối với tất cả các bộ môn, khi có kiểm tra từ 1 tiết trở lên sẽ được bố trí ở 3 phòng này. Các em được sắp xếp ngồi theo số báo danh, được coi và chấm điểm chặt chẽ, nghiêm túc.

 

Từ cách làm này, Trung tâm nắm được lực học thực chất của từng học sinh, biết các em yếu môn nào, phần nào để phụ đạo lấp chỗ hổng phần đó. Nhờ vậy nên từ khi thực hiện cuộc vận động “Hai không” cho đến nay, năm nào tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp của Trung tâm cũng ở mức cao: năm 2007 đạt 30% (cả tỉnh 7%); năm 2008: 62%; năm 2009: 62%; năm 2010: 97% và năm 2011 vừa qua đạt 99,6%.

 

Thầy Lương Văn Nghệ, Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú Kỳ Sơn, một trường vùng cao có đến 97% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số cho biết: “Trường tách riêng học sinh yếu để ôn tập tối đa nhằm nâng cao tỷ lệ đậu tốt nghiệp. Hiện tại, nhà trường đang tổ chức ôn thi cho các em theo từng chủ đề. Tất cả giáo viên đều soạn đề cương bám sát cấu trúc đề thi tốt nghiệp. Chúng tôi thường xuyên động viên tinh thần các thầy, cô giáo để cố gắng ôn tập cho các em đạt kết quả cao nhất.

 

Nhà trường đã tổ chức thi thử lần 1 cho các em, kết quả có khoảng 50% học sinh đạt điểm từ trung bình trở lên. Đối với các em học sinh thuộc diện 30a thì kết quả của kỳ thi tốt nghiệp rất quan trọng, bởi theo quy chế tuyển sinh mới, học sinh của các huyện nghèo sau khi đậu tốt nghiệp sẽ được các trường đại học, cao đẳng tuyển thẳng vào học dự bị.

 

Đối với các trường ngoài công lập, cố gắng để có số thí sinh trượt ít nhất chính là mục tiêu mà hầu hết các trường nhắm tới. Hiện các trường đang cố gắng hoàn thành sớm chương trình để dành thời gian cho học sinh ôn tập. Học sinh của các trường: THPT: Lê Doãn Nhã (huyện Yên Thành), Nguyễn Trãi (thành phố Vinh), Sào Nam (huyện Nam Đàn), khi được hỏi đều cho biết, các em thường xuyên được giáo viên kiểm tra định kỳ để phát hiện các lỗ hổng kiến thức, kịp thời củng cố kiến thức trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.

 

Bình Định: Tổ chức HN triển khai xét tốt nghiệp THCS, thi tốt nghiệp THPT năm học 2011-2012

 

Ngày 3.5, Sở GD-ĐT Bình Định đã tổ chức Hội nghị triển khai xét tốt nghiệp THCS, thi tốt nghiệp THPT năm học 2011-2012 cho cán bộ quản lý các phòng GD-ĐT, lãnh đạo 50 trường THPT, Trung tâm GDTX tỉnh và 11 trung tâm GDTX-HN trên địa bàn tỉnh.

 

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2011-2012 toàn tỉnh có 31 cụm thi, 50 hội đồng coi thi, 978 phòng thi với 23.002 thí sinh dự thi. Trong đó, 22.521 thí sinh hệ giáo dục THPT sẽ dự thi 6 môn: Ngữ văn, Hóa học, Địa lý, Lịch sử, Toán, tiếng Anh (Hóa học và tiếng Anh thi trắc nghiệm, các môn còn lại thi tự luận).

 

Hội nghị đã quán triệt toàn bộ nội dung liên quan và lưu ý một số nét mới theo Thông tư số 10 do Bộ GD-ĐT ban hành về Quy chế thi tốt nghiệp THPT. Các phương án về bảo vệ, trật tự cho kỳ thi; tổ chức hội đồng coi thi.... đã được các thành viên tham dự hội nghị đưa ra thảo luận để tìm ra phương án tối ưu nhất trong chỉ đạo, điều hành, hướng đến một kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.

 

Hiệu trưởng Đoàn Văn Nam – Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Bến Tre) cho biết, với 7 lớp khối 12, lãnh đạo nhà trường đã quán triệt đến các giáo viên chủ nhiệm, bám lớp, tổ chức tự quản, tự học, phối hợp giáo viên bộ môn để phân nhóm học sinh lớp mình theo khả năng nhận thức,  kiểm tra, chăm lo, giúp đỡ việc học tập, ôn luyện của học sinh thường xuyên...

 

Nhà trường cũng đã chọn cử những giáo viên có khả năng, kinh nghiệm, nhiệt tình để hỗ trợ giáo viên chủ nhiệm và hướng dẫn lớp ôn tập. Các tổ chuyên môn và giáo viên bộ môn cũng được yêu cầu chủ động xây dựng kế hoạch, nội dung ôn tập; chú ý đến các nội dung kiến thức của chương trình đã được điều chỉnh giảm tải, biên soạn hệ thống câu hỏi và bài tập phù hợp có hướng dẫn gợi ý trả lời, tổ chức tốt việc ôn tập cho học sinh theo từng chủ đề...

 

Tại Trường THPT Bảo Lâm (Lâm Đồng), để đảm bảo chất lượng ôn thi tốt nghiệp, nhà trường yêu cầu giáo viên bộ môn soạn giáo án trình BGH duyệt. Theo ông ông Võ Nhật Trí Hiệu trưởng nhà trường, giáo án phải có ngày soạn, yêu cầu kĩ năng kiến thức, phương pháp, dụng cụ thiết bị hỗ trợ,  nội dung phải rõ ràng phần nào truyền đạt trên lớp, phần nào học sinh về nhà làm, phần dặn dò phải chi tiết cụ thể các yêu cầu cho học sinh không dặn dò chung chung ...

 

Đối với các sở GD&ĐT, đây cũng là giai đoạn dồn mọi nguồn lực để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp sắp tới. Ông Nguyễn Ngọc Lương – Phó Trưởng phòng KT&QLCLGD – Sở GD&ĐT Hòa Bình cho biết, cùng với việc có kế hoạch chuẩn bị cho việc tổ chức thi tốt nghiệp, sở cũng đề xuất với các cấp chính quyền những công việc phải giải quyết để đảm bảo điều kiện an toàn cho kỳ thi; tổ chức tập huấn kỹ cho cán bộ, giáo viên về quy chế thi, nghiệp vụ làm thi, về ý thức trách nhiệm, tính nghiêm túc trong khi làm thi, chú trọng khâu coi thi và trách nhiệm của Hội đồng coi thi. Cùng với đó, tổ chức tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức về công tác thi, quán triệt sâu sắc cho học sinh để các em có được tâm thế tốt nhất khi bước vào kỳ thi và thực hiện tốt quy chế thi và chấp hành kỷ luật trong các kỳ thi; giới thiệu cán bộ, giáo viên, nhân viên có đủ năng lực, nghiệp vụ và có tinh thần trách nhiệm của đơn vị tham gia các công tác thi.

 

Tại Cao Bằng, các trường THPT, các Trung tâm KTTH-HN, GDTX được yêu cầu chỉ đạo các tổ chuyên môn, giáo viên dạy các môn thi tốt nghiệp THPT chủ động xây dựng tốt kế hoạch, nội dung ôn tập, chú ý đến các nội dung kiến thức của chương trình đã được điều chỉnh. Cùng với đó, tổ chức việc ôn tập đảm bảo thời gian, tập trung vào những yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục cấp THPT, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, quan tâm việc giúp học sinh học tập ở các mức độ nhận biết, thông hiểu và vận dụng kiến thức. Theo ông Trịnh Hữu Khang, Giám đốc Sở GD&ĐT Cao Bằng, các trường THPT, các Trung tâm KTTH-HN, GDTX và giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn phải thống nhất với học sinh và cha mẹ học sinh để sắp xếp thời gian ôn tập hợp lý, đảm bảo sức khỏe của học sinh, ôn tập có hiệu quả nhưng không gây quá tải.

 

Sở GD&ĐT Nam Định cho biết đã yêu cầu các trường chuẩn bị chu đáo, cẩn thận, tỷ mỷ và toàn diện cho kỳ thi. Các trường có đặt hội đồng coi thi chịu trách nhiệm lên các phương án đảm bảo điều kiện làm việc, CSVC, phục vụ và bảo vệ cho các Hội đồng thi; cùng với đó, hiệp y với Công an huyện, thành phố có văn bản lực lượng công an tham gia hội đồng thi, lập danh sách lực lượng công an, bảo vệ và nhân viên phục vụ nộp về hội đồng coi thi; tham mưu với UBND huyện, thành phố họp với các ngành hữu quan và chính quyền địa phương để bàn xây dựng phương án tổ chức, bảo vệ kỳ thi một cách chu đáo, hiệu quả cao. Sở cũng đặc biệt chú ý vấn đề an toàn trong việc bảo quản đề thi, bài thi, an toàn cho cán bộ, giáo viên làm công tác thi, an toàn cho học sinh dự thi.

 

 

Theo GD&TĐ Online

Tệp đính kèm