Sáng nay (18/6), Hội nghị giao ban GD Vùng I đã diễn ra tại tỉnh Phú Thọ do Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển chủ trì. Dự hội nghị còn có ông Hà Kế San, phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, lãnh đạo CĐGDVN, các vụ, cục chức năng Bộ GD-ĐT, 15 Sở GD-ĐT trong vùng.
Với cương vị trưởng Vùng I, GĐ Sở GD-ĐT Điện Biên Lê Văn Qúy cho biết: Toàn vùng có 9195 trường, tăng thêm 187 trường so với năm trước. Trong đó riêng MN có 2807, tăng 125 trường. Các tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng, hiện đại hóa hệ thống trường THPT chuyên. Tính đến hết tháng 5 năm 2012, Vùng I có 2567/9302 trường mầm non và phổ thông đạt chuẩn quốc gia (chiếm 25,37%), tăng 353 trường so với năm học trước. Trong đó, tỷ lệ trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia tăng cao nhất: 1271/3166, chiếm 40.15%. Bắc Giang và Thái Nguyên có tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia trên 50%.
Các tỉnh tiếp tục tăng cường các biện pháp khắc phục tình trạng ngồi nhầm lớp, chỉ đạo các cơ sở GD tăng cường sử dụng TBDH; Đẩy mạnh việc bồi dưỡng đội ngũ GV, tập trung vào ĐMPP dạy học. Nhiều đơn vị quyết tâm nâng cao chất lượng toàn diện, phấn đấu giảm tối đa tỷ lệ HS học yếu kém, nâng tỷ lệ khá, giỏi bằng cách đẩy mạnh công tác phụ đạo. Nhờ thế, năm qua tổng số HS bỏ học trong vùng là 10.072 em, chiếm 0,52% (Giảm 0,02% so với năm học trước). Tiêu biểu, một số tỉnh có tỷ lệ HS bỏ học giảm nhiều như Phú Thọ, Điện Biên, Thái Nguyên. 12/15 tỉnh có số HS bỏ học giảm.
Các Sở đã có nhiều biện pháp, thực hiện tốt các chính sách nhằm động viên, khuyến khích HS dân tộc đến trường, góp phần nâng cao chất lượng GD toàn diện, phổ cập GD tiểu học, THCS, xóa mù chữ, nâng cao dân trí và phát triển nguồn nhân lực cho địa phương. GDMN tích cực triển khai thực hiện Đề án PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi, tiếp tục triển khai Chương trình mới, nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ, lộ trình đến năm 2015 đạt chuẩn phổ cập mẫu giáo 05 tuổi.
Giáo dục phổ thông: Ở cấp TH, HS được xếp loại giỏi môn Toán chiếm 36.95% (tăng 1,36% so với năm học trước)còn môn Tiếng Việt, là 26,34% (tăng 3,47% so với năm học trước). Tỷ lệ HS THCS xếp loại học lực giỏi chiếm 6,38% (tăng 1,64% so với năm học trước). Trong đó, một số tỉnh đã nâng được tỉ lệ HSG như Điện Biên (tăng 2,11%). Thái Nguyên (tăng 2,16%), Lạng Sơn (tăng 1,58%). HS học lực yếu và kém chiếm 6.25% (giảm 0,47% so với năm học trước).
Tỷ lệ HS THPT học lực giỏi chiếm 2,57% (tăng 0,79% so với năm học trước). Một số tỉnh tỷ lệ HSG đạt trên 5%: Phú Thọ, Quảng Ninh; trên 3%: Điện Biên, Thái Nguyên, Lào Cai. Các tỉnh đều có tỷ lệ học sinh xếp loại học lực giỏi tăng so với năm học trước, tăng trên 1%: Lạng Sơn, Thái Nguyên, Quảng Ninh.
Hiệu quả GD-ĐT trong Vùng I được nâng cao thể hiện qua kết quả thi tốt nghiệp THPT và GDTX. Bằng nhiều giải pháp quyết liệt, chất lượng thi tốt nghiệp THPT năm 2012 đã được nâng cao đáng kể, phản ánh sự quyết tâm, nỗ lực cố gắng của các Sở. Tỉ lệ tốt nghiệp THPT các tỉnh đều tăng so với năm học trước. Trong đó, dẫn đầu là tỉnh Phú Thọ 99,21% (THPT).
Là Vùng còn nhiều khó khăn nhưng bên cạnh công tác GD đại trà, việc đào tạo mũi nhọn được chú trọng. 15/15 tỉnh đều có HS đoạt giải. Toàn Vùng có 353 HS đoạt giải (5 giải nhất, 38 giải nhì, 125 giải ba và 185 giải khuyến khích). Đây là một sự nỗ lực rất lớn trong công tác chỉ đạo của các Sở trong Vùng về công tác phát hiện và bồi dưỡng HSG. Các tỉnh Phú Thọ, Thái Nguyên là những tỉnh đoạt trên 50 giải. Các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang đoạt trên 40 giải. Tỉnh Hòa Bình trên 30 giải. Đặc biệt tỉnh Sơn La năm nay có HSG dự thi Vật lý Olympic châu Á- Thái Bình Dương.
Những kiến nghị, đề xuất
Theo kế hoạch, năm 2012 tỉnh Điện Biên sẽ chia tách và thành lập mới 01 huyện nên cần phải thành lập mới 01 trường Phổ thông DTNT, 01 trung tâm GDTX và một trường THPT tại huyện này. Vì vậy, mong muốn Bộ xem xét bổ sung danh mục đầu tư xây dựng mới 01 trường phổ thông Dân tộc nội trú vào Đề án Củng cố và phát triển hệ thống trường phổ thông DTNT giai đoạn 2011-2015 và hỗ trợ chương trình mục tiêu để xây dựng trường THPT.
Đồng thời, mong muốn Bộ hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng công trình trường THPT chất lượng cao Lương Thế Vinh, tiếp tục giao chỉ tiêu đào tạo SV ĐH hệ chính quy, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Tỉnh Điên Biên và tạo điều kiện cho tỉnh Điện Biên được thành lập trường ĐH Điện Biên.
Sở Giáo GD-ĐT Yên Bái: Đề nghị Bộ bổ sung nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để giúp tỉnh Yên Bái xây dựng nhà công vụ cho GV. Vì đến thời điểm hiện tại Yên Bái mới thực hiện được 50% số phòng học và 26% số phòng công vụ. Cho phép Đại học Thái Nguyên xây dựng phân hiệu tại tỉnh Yên Bái trong năm 2012…vv.
Tại Hội nghị giao ban Vùng I, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phát biểu: Năm học vừa qua vùng I được Chính phủ phê duyệt Đề án Củng cố, phát triển hệ thống trường PTDTNT và PTDTBT. Các tỉnh thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ chính sách ưu tiên cho GD vùng dân tộc, HS dân tộc…vv, từng bước đáp ứng yêu cầu của GD dân tộc, đào tạo nguồn nhân lực cho miền núi, vùng dân tộc, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn. Đồng thời, đã triển khai nhiều Đề án quan trọng như: Đề án Ngoại ngữ, PCMN 5 tuổi. Năm học 2011-2012 cũng là năm kết thúc chương trình KCH trường, lớp học bằng nguồn trái phiếu Chính phủ và là năm thứ 4 triển khai phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực”; Bộ và Công đoàn ngành cũng đang chuẩn bị tổng kết cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”.
“Tôi rất mừng vì các tỉnh trong vùng đã triển khai nhiệm vụ năm học của Bộ đề ra với nhiều cố gắng. Về thi tốt nghiệp, Bộ đang có hướng đổi mới dần. Tôi chúc mừng Sơn La có HSG dự thi quốc tế, hy vọng em HS này đạt giải trong kỳ thi sắp tới. Về triển khai xây dựng hệ thống trường chuyên, Bộ đang trình Chính phủ hỗ trợ một số tỉnh miền núi khó khăn. Đề nghị các tỉnh triển khai kế hoạch năm học mới như: PCMN 5 tuổi, Đề án Ngoại ngữ, phát triển trường chuyên…vv ”, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh.
Theo Việt Hoa- Bá Hải/GD&TĐ Online