Các chuyên gia giáo dục đã chỉ ra rằng, khó khăn của trẻ khi vào lớp 1 không phải là học chữ, học tính, học đọc, học viết... mà là học cách hòa nhập với môi trường mới, hoạt động mới - môi trường hoạt động học tập là chủ đạo.
Chuyển môi trường học tập cũng đồng thời trẻ phải đối mặt với hàng loạt những thói quen sinh hoạt mới. Ngoài những quy định về nền nếp ở lớp, trẻ còn phải học bài và sinh hoạt trong một khung cảnh của trường học, mối quan hệ giữa cô giáo, thầy giáo với trẻ em là mối quan hệ giữa người dạy và người học.
Nếu không chuẩn bị cho trẻ thích ứng, không chỉ việc học tập không đạt kết quả mà cuộc sống của trẻ sẽ trở nên nặng nề, trong nhiều trường hợp trẻ bị rơi vào tình trạng khủng hoảng, gây nên nhiều bất lợi trong những chặng đường phát triển tiếp theo.
Vai trò quan trọng của phụ huynh
Khi trẻ vào lớp 1, chuyển từ môi trường vừa chơi vừa học vào môi trường học tập theo một thời khóa biểu chặt chẽ. Do đó chuẩn bị tâm lý cho trẻ vào lớp 1, ngoài nhiệm vụ của trường mầm non thì vai trò của phụ huynh hết sức quan trọng. Phụ huynh nên trò chuyện với con để chuẩn bị tâm lý cho con bớt bỡ ngỡ khi vào môi trường mới. Phụ huynh nên đưa con đến thăm trường tiểu học và trao đổi với những người bạn học lớp trên...
Một trong những yêu cầu quan trọng để giúp trẻ vào học tốt chương trình tiểu học, các bậc cha mẹ cần chuẩn bị cho trẻ các điều kiện về thể chất, trí tuệ, tình cảm - xã hội, ngôn ngữ, một số kỹ năng cần thiết cho hoạt động học tập.
Dạy các bé biết cách ứng xử với mọi người xung quanh, lễ phép, kính trọng người lớn để trẻ thích ứng với những quan hệ xã hội ở nhà trường. Ngay khi trẻ còn học mầm non, cha mẹ cần kết hợp với giáo viên để biết cách dạy trẻ làm quen với các con số và chữ cái.
Tạo cho trẻ một góc học tập gọn gàng, đẹp mắt, phù hợp với điều kiện sẵn có của mình nhằm giúp trẻ thích thú đối với việc ngồi vào bàn học. Giúp trẻ chọn lựa sách, đọc sách cho trẻ nghe và trẻ có thể “đọc vẹt” sách, nhưng việc đọc như thế có một ý nghĩa quan trọng và rất cần thiết cho việc học đọc sau này. Giúp trẻ diễn đạt điều mình muốn nói một cách mạch lạc, rõ ràng.
Phụ huynh cũng cần tạo cho trẻ thói quen tự lập bằng cách khuyến khích trẻ thực hiện trọn vẹn vài việc nhà đơn giản, tự tạo thời gian biểu học tập, vui chơi và nghiêm túc thực hiện thời gian biểu ấy. Có thể dẫn trẻ đến thăm trường tiểu học và chỉ cho trẻ biết các phòng, lớp học, sân chơi; nói cho trẻ những điều mới lạ sẽ được học ở đó để trẻ có mong muốn được đi học...
Những ngày đầu, khi trẻ từ trường về, cha mẹ nên hỏi trẻ những câu hỏi như: Hôm nay ở trường (lớp) con có gì vui nào, kể mẹ nghe được không? Bạn nào được cô khen?... Không nên hỏi: Hôm nay con được điểm mấy? Mỗi buổi tối, cha mẹ cần dành thời gian hướng dẫn trẻ cách sắp xếp sách vở, đồ dùng học tập cho buổi học ngày mai, hướng dẫn trẻ cách học ở nhà để từng bước xây dựng thói quen học tập tự giác, đặc biệt là biết cách tự học.
Chị Bích Hợp, phụ huynh của bé Duy (HS lớp 2) chia sẻ, thời gian đầu khi cháu vào lớp 1, gia đình tôi dành nhiều nhất thời gian có thể để hỏi han, trò chuyện, chăm sóc mỗi khi đón cháu về nhà. Có lẽ nhờ vậy mà cháu nhanh chóng hòa nhập vào môi trường mới. Chính vì vậy, cháu vượt qua thời gian bỡ ngỡ ban đầu rất nhanh và hòa nhập tốt với môi trường học tập mới.
Nhiệm vụ của trường mầm non
Nếu trẻ đã theo học trường mầm non thì nhà trường đã chuẩn bị một số kỹ năng cần thiết để trẻ có hành trang vào lớp 1 như: làm quen với chữ cái, số, các kỹ năng tự phục vụ... Trước khi vào lớp 1, trường mầm non cần dạy cho trẻ cách phát âm 29 chữ cái trong chương trình mẫu giáo, làm quen với các mẫu chữ in thường, viết thường, in hoa.
Ở tuổi mẫu giáo, nếu trẻ được chăm sóc, giáo dục phát triển toàn diện về thể chất, tâm lý, xã hội thì việc trẻ vào lớp 1 là điều tự nhiên, các bậc phụ huynh không cần phải băn khoăn, lo lắng.
Trường mầm non với nhiệm vụ chuẩn bị cho trẻ về mặt nhận thức, trí tuệ, kỹ năng học tập, giao tiếp xã hội, động cơ và hứng thú học tập… Đối với trẻ 5 tuổi, hoạt động vui chơi đang giữ vai trò chủ đạo. Chơi là một hoạt động có tính chất thoải mái, không bắt buộc. Nhưng khi vào lớp 1, trẻ phải làm nhiệm vụ của một học sinh. Hoạt động chủ yếu là học tập, lại mang tính chất bắt buộc, có tổ chức chặt chẽ, mục đích, kế hoạch.
Vai trò của giáo viên lớp 1
Với các em nhỏ, ấn tượng của “ngày đầu tiên đi học” là vô cùng quan trọng. Và giáo viên là người có vai trò quan trọng bậc nhất trong buổi đầu trẻ vào lớp 1. Trẻ có ấn tượng tốt đẹp, tâm lý thoải mái, hòa nhập… hay không, tất cả là do phương pháp sư phạm, giáo dục của giáo viên. “Giáo viên không gây áp lực đối với trẻ, có thái độ nhẹ nhàng, ân cần đối với trẻ. Lớp học nên trang trí những hình ảnh vui tươi và gần gũi đối với trẻ, tạo cho trẻ tâm lý mỗi ngày đến trường là một niềm vui…” - cô Thắm, giáo viên trường Tiểu học Hồng Thái (tỉnh Thái Bình), chia sẻ với kinh nghiệm gần 20 năm với nhiệm vụ đón trẻ vào lớp 1.
Với trẻ, đôi khi chỉ một lời khen, khuyến khích đúng lúc có tác dụng rất tích cực, giúp trẻ tự tin hơn và hứng thú đến trường. “Giáo viên hãy kiên nhẫn, đừng vội chê trách, la mắng mà hãy nhắc nhở trẻ và khuyên trẻ cố gắng thực hiện nội quy. Cần có những lời động viên, khen thưởng các trẻ trong quá trình học, tổ chức các trò chơi học tập để thu hút trẻ cùng tham gia” - cô Thắm chia sẻ.
Cần sự chuẩn bị toàn diện từ trường mầm non, gia đình và trường tiểu học mới có thể giúp trẻ có một tâm thế tốt khi bước vào các lớp đầu cấp là ý kiến của nhiều giáo viên đã và đang làm công tác đón trẻ vào lớp học lớp đầu tiên của bậc tiểu học.
Các chuyên gia giáo dục khuyên rằng, ngoài công tác chuyên môn, các trường mầm non có thể tổ chức mời giáo viên và hiệu trưởng các trường tiểu học đến nói chuyện với các bậc phụ huynh để họ có thể chuẩn bị cho con mình sẵn sàng với những thay đổi mới. Bên cạnh đó, giáo viên tiểu học cũng cần nghiên cứu, tìm hiểu kỹ đặc điểm tâm sinh lý khi trẻ vào lớp 1 để có giải pháp sư phạm phù hợp giúp các em hòa nhập vào một môi trường mới dễ dàng. Đặc biệt, về phía gia đình nên có sự chuẩn bị trước tâm lý sẵn sàng đi học cho các em.
Theo Bảo Minh/GD&TĐ Online