Một trong những điểm mới của kỳ tuyển sinh 2012 là Bộ GD&ĐT cho phép các trường xét tuyển nhiều lần, chỉ ra hạn cuối xét tuyển; đồng thời có thể nhận giấy chứng nhận kết quả thi bản gốc hoặc bản sao.
Tuy nhiên, thí sinh phải hết sức lưu ý trước khi nộp hồ sơ vì không phải trường nào cũng kết thúc xét tuyển theo đúng hạn cuối Bộ GD&ĐT quy định hay chấp nhận giấy chứng nhận kết quả thi bản sao.
Nhiều trường kết thúc xét tuyển sớm
Từ năm 2012, căn cứ điểm sàn và chỉ tiêu tuyển sinh đã xác định, các trường tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong xét tuyển, không hạn chế số đợt xét tuyển, không qui định điểm trúng tuyển đợt sau cao hơn điểm trúng tuyển đợt trước, trên nguyên tắc: điểm trúng tuyển không thấp hơn điểm sàn (điểm sàn không nhân hệ số); bảo đảm chỉ tiêu đã xác định và thời hạn kết thúc xét tuyển là ngày 30/11 hằng năm.
Tuy nhiên, thông tin từ nhiều trường ĐH cho biết sẽ kết thúc việc xét tuyển sớm hơn nhiều so với hạn cuối của Bộ GD&ĐT nhằm đảm bảo kế hoạch học tập, đồng thời khẳng định, nhiều lắm cũng chỉ xét đến 2 lần.
PGS.TS Lương Khắc Hiếu - Quyền Giám đốc Học viện Báo chí và tuyên truyền cho biết, năm nào trường cũng dành một số chỉ tiêu xét tuyển NV2 cho một số ngành ít thí sinh dự thi và điểm thấp. Tuy nhiên, chỉ tiêu cho nguyện vọng này không nhiều và thường chỉ lấy 1 đợt là đủ. Chính vì vậy, việc xét tuyển của trường sẽ kết thúc sớm, chỉ trong tháng 9 là hoàn thành.
Theo PGS.TS.Nguyễn Thị Tĩnh – Phó hiệu trưởng trường ĐHSP Hà Nội, nhiều khả năng năm nay trường sẽ xét tuyển NV2 một số ngành. Thông tin này sẽ được nhà trường cập nhật thường xuyên trên website với đầy đủ thông tin về số lượng thí sinh nộp hồ sơ. Năm nay, dù chưa chốt hạn xét tuyển cuối cùng nhưng chắc trường sẽ làm nhanh. Nếu để đến 30/11 mới kết thúc sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch học tập, sinh viên sẽ không theo kịp chương trình. “Thường, sinh viên nhập học trong tháng 9 thì khoảng trong tháng này cũng sẽ kết thúc xét tuyển” – cô Tĩnh cho hay.
Tương tự, Trưởng phòng Công tác chính trị học sinh sinh viên trường ĐH Giao thông Vận tải Lê Hoài Đức cũng cho rằng, để không ảnh hưởng đến thời gian học tập thì việc xét tuyển NV2 nếu có cũng chỉ chậm hơn thời gian nhập học khoảng 1 tháng. Tuy nhiên, cũng theo anh Đức, chưa chắc năm nay trường đã xét tuyển NV2.
Cũng dự kiến kết thúc xét tuyển trong tháng 9, theo ông Vũ Ngọc Phương – Phó hiệu trưởng trường CĐSP Hà Nội, mọi năm, trường đều xét tuyển NV2 và hầu như ngành nào cũng phải xét tuyển. Trường sẽ hoàn thành công tác chấm thi vào cuối tháng 7, sau đó sẽ công bố điểm trên website của trường.
Không nhận bản sao giấy báo điểm
Từ năm nay, thí sinh được cấp 2 giấy chứng nhận kết quả thi có đóng dấu đỏ của trường. Thí sinh sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi có đóng dấu đỏ của trường tổ chức thi hoặc bản sao có công chứng (theo quy định của từng trường) để tham gia đăng ký xét tuyển vào các trường còn chỉ tiêu, cùng khối thi và trong vùng tuyển của trường.
Tuy nhiên, trước khi nộp hồ sơ xét tuyển, thí sinh nên tìm hiểu kỹ quy định của từng trường vì hiện khá nhiều trường khẳng định sẽ không nhận giấy báo điểm bản sao.
Ông Trần Đức Quý – Hiệu trưởng trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cho biết, trường sẽ cố gắng chỉ gọi 1 lần, cùng lắm là đến lần thứ 2, tuy nhiên, năm nay, chưa chắc trường đã xét tuyển NV2. Việc cho phép thí sinh được nộp giấy báo điểm bản sao, theo ông Quý sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, giúp các em tăng cơ hội trúng tuyển vào ĐH. Tuy nhiên, nếu có xét tuyển NV2, trường sẽ không nhận giấy báo điểm bản sao vì làm vậy sẽ tăng số hồ sơ ảo, khó cho trường. “Gọi nhiều quá thì Bộ phê bình, nếu gọi đúng mà thí sinh không đến thì không đủ chỉ tiêu. Nhận giấy báo điểm bản sao, tỷ lệ thí sinh đến trường sẽ không thể kiểm soát được” – ông Quý cho biết.
Với quan điểm được nộp giấy báo điểm bảo sao cũng như cho mỗi em xếp gạch nhiều nơi, tỷ số ảo nhiều sẽ khiến trường gặp khó khăn, Phó hiệu trưởng trường ĐHSP Hà Nội Nguyễn Thị Tĩnh cho biết, trường không nhận giấy báo điểm bản sao vì muốn giảm tỷ số ảo đến mức tối đa có thể được.
Cũng với quan điểm tránh ảo, nhiều trường cho biết dự kiến sẽ không nhận giấy báo điểm bản sao như CĐSP Hà Nội, CĐ Điện tử - điện lạnh; ĐH Sư phạm TP.HCM; ĐH Luật TP.HCM ...
Bên cạnh việc tìm hiểu kỹ quy định cụ thể từng trường trước khi nộp hồ sơ xét tuyển, thí sinh cũng lưu ý, khi trúng tuyển và làm thủ tục nhập học sẽ phải nộp bản gốc có dấu đỏ của trường tổ chức thi. Vì vậy, hãy cân nhắc thật kỹ trường nào mình thực sự có nhu cầu học để nộp bản chính giấy chứng nhận khi nộp hồ sơ xét tuyển.
Theo Hiếu Nguyễn GD&TĐ Online