Hôm nay (16/10), Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý cơ sở Giáo dục – Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị triển khai chương trình bồi dưỡng thường xuyên giáo viên mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên đến các đại biểu là lãnh đạo, chuyên viên các Vụ, Cục, các chương trình dự án của Bộ; đại diện đại biểu của các trường ĐH Sư phạm, Cao đẳng Sư phạm và đại biểu phòng tổ chức cán bộ giáo dục thường xuyên, giáo dục trung học của 63 tỉnh, thành trong cả nước.
Xuất phát từ thực tiễn khách quan cho thấy, công tác bồi dưỡng thường xuyên (BDTX) cho giáo viên là yêu cầu vừa có tính cấp bách, vừa có tính chiến lược lâu dài để đạt mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo.
Theo đó, Bộ GD&ĐT đã ban hành các Thông tư số: 30, 31, 32, 33 ngày 08/8/2011 và Thông tư số: 36/2011/TT-BGDĐT ngày 18/8/2011 về chương trình BDTX cho giáo viên. Các nội dung bồi dưỡng được xây dựng theo các yêu cầu, năng lực cần đáp ứng của giáo viên của chuẩn nghề nghiệp. Chương trình được thiết kế thành các mô đun để giáo viên tự chọn theo nhu cầu phát triển chuyên môn liên tục của giáo viên nhằm đáp ứng chuẩn nghề nghiệp và những đòi hỏi của thực tiễn giáo dục.
Để thực hiện hiệu quả chương trình BDTX theo hướng đổi mới nêu trên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ký ban hành Quy chế bồi dưỡng thường xuyên giáo viên mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên ban hành kèm theo Thông tư số: 26/2012/TT-BGDĐT ngày 10/7/2012 .Trong khuôn khổ của Hội nghị ngày hôm nay, các đại biểu sẽ được nghiên cứu chi tiết Quy chế này và hướng dẫn triển khai thực hiện chương trình BDTX cho giáo viên theo từng cấp học: Mầm non, tiểu học, THCS, THPT và Giáo dục thường xuyên.
Hội nghị cũng đã nhận được nhiều bài tham luận về việc triển khai thực hiện công tác BDTX cho giáo viên mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên ở cơ sở. Theo đó, nhiều kinh nghiệm đã được rút ra từ trong thực tiễn, đơn cử như Sở GD&ĐT Quảng Ngãi đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm trong công tác này. Đó là: Công tác chỉ đạo bồi dưỡng đội ngũ giáo viên là công việc cấp bách và rất thiết thực, yêu cầu người quản cán bộ quản lý phải có biện pháp quản lý và kế hoạch phù hợp. Người cán bộ quản lý phải là những người có tâm huyết và để tâm đặc biệt về công tác bồi dưỡng giáo viên nhằm củng cố và xây dựng đội ngũ giáo viên đủ đức, đủ tài đáp ứng được nhu cầu giáo dục trong giai đoạn hiện nay.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT cũng cần có quan niệm đúng đắn về công tác BDTX và lên kế hoạch sát, đúng để nâng cao chất lượng, hiệu quả về công tác này. Chú trọng vào công tác bồi dưỡng, tự bồi dưỡng đối với mỗi giáo viên là một việc làm thường xuyên, phát huy tối ưu các hoạt động sinh hoạt tổ, nhóm, chuyên đề về chuyên môn theo cụm, nhóm.
Cũng tại Hội nghị, hầu hết các đơn vị đều kiến nghị, đề xuất: Bộ GD&ĐT cần tổ chức các cuộc hội thảo, tập huấn cho đội ngũ hướng dẫn viên, báo cáo viên cốt cán việc triển khai thực hiện chu kỳ BDTX kế tiếp theo năm, từng giai đoạn để các nơi thực hiện có tính thống nhất…
Theo Sỹ Điền/GD và TĐ Online