Trong mỗi giai đoạn lịch sử, ở bất kỳ ở một quốc gia nào, giáo dục - đào tạo luôn đóng một vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của mỗi cá nhân, tập thể, cộng đồng, dân tộc.
Ph.Ănghen đã nói: “Một dân tộc muốn đứng lên trên đỉnh cao của nền văn minh nhân loại, dân tộc ấy phải có trí thức”. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ vấn đề then chốt có ý nghĩa quyết định chất lượng giáo dục là phải xây dựng được một đội ngũ đông đảo người làm công tác giáo dục thực sự yêu nghề, yêu người, hết lòng chăm sóc, giáo dục học sinh, không ngừng trau dồi đạo đức, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, xứng đáng là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Trong thư gửi Hội nghị giáo dục toàn quốc (3/1965), Người nêu: “Trách nhiệm nặng nề và vẻ vang của người dạy học là: Chăm lo dạy dỗ con em của nhân dân thành người công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sĩ tốt, người cán bộ tốt của nước nhà”. Người khẳng định sự nghiệp “Trồng người” là rất lâu dài, khó khăn và rất quan trọng và căn dặn “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây; vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”[1] .
Không chỉ Việt Nam, nhiều nước trên thế giới đã nhận ra rằng giáo dục và đào tạo là chìa khoá, là động lực để phát triển xã hội. Sứ mệnh giáo dục ở Việt Nam là “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” trên nền tảng nhân cách tốt đẹp. Trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo là phải đảm đương sứ mệnh của giáo dục của nước nhà. Hiện nay, giáo dục của nước ta đang đứng trước những yêu cầu mới, đòi hỏi giáo viên phải thay đổi để thích ứng với hoàn cảnh mới. Việc truyền thụ kiến thức của nhà giáo cho người học vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng, nhưng vai trò hướng dẫn, tổ chức, tư vấn cho người học để họ tự nhận thức và phát triển kỹ năng, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống còn quan trọng hơn. Sứ mệnh của nhà giáo là dạy dỗ và truyền đạt kiến thức cho người khác. Vì vậy, nhà giáo phải có năng lực dạy học, năng lực cảm hóa, giúp người học hình thành và phát triển cảm xúc, thái độ, hành vi đúng đắn trong các mối tương tác đa dạng với con người, xã hội và tự nhiên. Nhà giáo không chỉ đóng vai trò quan trọng trong định hướng, tư vấn hoạt động, mà quan trọng hơn là hình thành và phát triển nhân cách người học. Thông qua việc dạy học mà giáo viên “nhân mầm” những phẩm chất tốt đẹp, tạo dựng cho người học thái độ và năng lực nghề nghiệp cần thiết, giúp họ trở thành người có ích cho xã hội. Chất lượng của đội ngũ nhà giáo được đánh giá thông qua phẩm chất (đức) và năng lực (tài), đó là hai thành tố quan trọng về nhân cách của nhà giáo. Phẩm chất của nhà giáo thể hiện thông qua lòng thương yêu học trò. Năng lực của nhà giáo thể hiện qua trình độ chuyên môn; năng lực dạy học; năng lực tổ chức; năng lực thực hiện; năng lực giao tiếp; năng lực kiểm tra, đánh giá; năng lực giáo dục, cảm hóa. Phẩm chất và năng lực nêu trên quyết định chất lượng của đội ngũ nhà giáo, là nhân tố tạo nên chất lượng giáo dục, vì vậy phải chăm lo nâng cao chất lượng nhà giáo ngay từ khi còn là sinh viên sư phạm và kéo dài suốt cuộc đời làm nghề.
Trong giáo dục hiện đại, việc dạy học về thực chất đã trở thành việc dạy cho người học biết cách học, biết cách tìm kiếm và sử dụng tri thức, qua đó mà phát triển các năng lực cần thiết để tồn tại và phát triển. Vì vậy, yêu cầu đối với nhà giáo không chỉ là người giỏi về chuyên môn, mà còn phải là người có năng lực sư phạm, có hiểu biết sâu rộng và có khả năng cập nhật thông tin mới nhất trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng về khoa học, công nghệ. Ngoài ra, nhà giáo phải là người có khả năng thích ứng nhanh với những thay đổi trong xã hội. Có như vậy, nhà giáo mới có thể phát huy được vai trò và ảnh hưởng của mình đối với người học trong quá trình dạy học.
Từ xưa đến nay, nghề dạy học luôn được coi là một nghề đặc biệt, bởi vì sản phẩm của giáo dục là con người. Nói đúng hơn, đó là nhân cách của người học - yếu tố quyết định cho sự phát triển xã hội, cho sự tiến bộ và thành công của mỗi con người và mở rộng ra là toàn xã hội. Lao động của nhà giáo là quá trình tương tác giữa người dạy và người học bằng chính nhân cách của mình để hình thành và phát triển nhân cách của người học. Từ đặc điểm của nghề dạy học mà đặt ra yêu cầu về nhân cách nhà giáo là rất cao. Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, Đảng ta đã đề ra nhiệm vụ phải “đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam”, thì vấn đề phát triển đội ngũ nhà giáo chính là khâu then chốt và vô cùng cấp thiết.
Nhìn lại thành tựu về giáo dục của nước ta trong những năm qua chúng ta vô cùng tự hào, nước ta đã xây dựng được một đội ngũ nhà giáo ngày càng đông đảo, phần lớn nhà giáo có phẩm chất đạo đức và ý thức chính trị tốt, đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng trong giáo dục. Đa số nhà giáo tận tụy với nghề, vượt lên khó khăn, gian khổ, hết lòng vì học sinh thân yêu. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đại đa số nhà giáo ngày càng được nâng cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của giáo dục[2] . Cơ cấu giáo viên ở các vùng miền đã hợp lý hơn. Năng lực sư phạm của các nhà giáo ngày càng đáp ứng yêu cầu đổi mới nội dung, phương pháp dạy học. Công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đã được quan tâm, nội dung và hình thức tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đã có sự đổi mới theo hướng cập nhật kiến thức, phát triển kĩ năng dạy học, kĩ năng tổ chức và điều hành các hoạt động giáo dục. Đội ngũ nhà giáo đã có những đóng góp xứng đáng trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.
Tuy nhiên, trước những yêu cầu mới của sự phát triển giáo dục trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đội ngũ nhà giáo vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập: số lượng giáo viên vừa thiếu, vừa thừa cục bộ, nhất là thiếu hụt ở các vùng núi, vùng khó khăn. Đáng chú ý, nhiều địa phương, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn đào tạo cao nhưng chưa tương xứng với bằng cấp. Chất lượng chuyên môn ở một bộ phận nhà giáo có mặt chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và phát triển xã hội. Phương pháp giảng dạy chậm được đổi mới, không phù hợp đặc điểm lứa tuổi của học sinh. Một bộ phận nhỏ nhà giáo thiếu gương mẫu trong đạo đức, lối sống, nhân cách. Chất lượng một bộ phận giáo viên giáo dục nghề nghiệp và giảng viên các trường cao đẳng chưa đáp ứng yêu cầu. Tình trạng thiếu giảng viên đại học, cao đẳng có trình độ cao chưa được khắc phục; nhất là các chuyên ngành đào tạo mới, môn học mới. Công tác dự báo và quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nhà giáo ở các cấp chưa được chú trọng đúng mức, dẫn đến tình trạng thừa tổng thể, thiếu cục bộ, hụt hẫng giữa các thế hệ. Hệ thống các trường, các khoa, các cơ sở đào tạo sư phạm chưa được quan tâm đầu tư, quy hoạch để bảo đảm các điều kiện tối thiểu cho công tác đào tạo, một số loại hình đào tạo giáo viên phổ thông ngoài trường sư phạm phát triển nhanh, các loại hình tại chức, từ xa, liên thông khá ồ ạt, thiếu kiểm soát, dẫn đến không bảo đảm chất lượng. Chế độ chính sách đối với nhà giáo còn một số điểm bất hợp lý, chưa thu học sinh giỏi vào trường sư phạm, nhiều nhà giáo chưa thực sự yên tâm với nghề.
Để thực hiện nhiệm vụ “Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo”, ngành giáo dục cần tăng cường xây dựng đội ngũ nhà giáo viên theo hướng chuẩn hóa, bảo đảm chất lượng, đủ số lượng, đồng bộ về cơ cấu. Cần chú trọng hơn nữa việc nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất, lối sống, lương tâm, nghiệp vụ sư phạm của nhà giáo. Để phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ và giải pháp sau đây:
Một là, đổi mới toàn diện hoạt động đào tạo giáo viên ở các trường và cơ sở sư phạm, từ hệ thống, mục tiêu, nội dung, phương thức, phương pháp, cho đến các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo. Đổi mới sâu sắc phương thức đào tạo sinh viên sư phạm theo hướng dạy cho nhà giáo tương lai biết cách tự học, tự nghiên cứu, tìm kiếm kiến thức, rèn kỹ năng sư phạm, không ngừng tu dưỡng phẩm chất đạo đức nghề giáo, có khả năng thích ứng với thực tiễn giáo dục.
Tổng kết sâu sắc, toàn diện mô hình đào tạo trong các trường, các khoa sư phạm, đồng thời đánh giá, rút kinh nghiệm về một số mô hình đào tạo khác. Đưa hệ thống các trường sư phạm đi đầu trong sự nghiệp đổi mới giáo dục.
Hai là, tiến hành rà soát, sắp xếp lại đội ngũ nhà giáo, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng bảo đảm đủ số lượng và cân đối về cơ cấu. Chú ý đào tạo giáo viên cho các môn học, cấp học còn thiếu; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức cho đội ngũ nhà giáo. Ngành giáo dục cần tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch đào tạo tổng thể, trên cơ sở đó bồi dưỡng và bố trí sắp xếp đội ngũ nhà giáo phù hợp tình hình thực tế của ngành, của từng địa phương. Cần có tầm nhìn dài hạn cho nhiều năm tiếp theo trên cơ sở sắp xếp, bố trí hợp lý đội ngũ nhà giáo hiện có, bảo đảm cơ cấu các ngạch giáo viên các cấp tại các cơ sở giáo dục một cách hợp lý. Các cấp ủy Đảng và cán bộ quản lý giáo dục từng cấp, phải tự rà soát và đánh giá đúng thực trạng đội ngũ nhà giáo một cách toàn diện, từ tư tưởng chính trị đến đạo đức, chuyên môn, nghiệp vụ, trên cơ sở đó phân loại giáo viên để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng lại, hoặc luân chuyển công tác khác, giải quyết chế độ hợp lý cho giáo viên.
Ba là, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quản lý đội ngũ nhà giáo. Xây dựng bộ tiêu chuẩn nghề nghiệp của giáo viên. Rà soát và hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với nhà giáo và sinh viên học tại các trường sư phạm, theo hướng tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm; quản lý chặt chẽ các loại hình đào tạo, kiên quyết xóa nạn văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp và không đúng thực chất; giải quyết những vấn đề bức xúc về giáo dục đang đặt ra và đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực trong giáo dục; tạo sự hấp dẫn để những người giỏi mong muốn được vào ngành giáo dục. Tập trung kiểm tra, chấn chỉnh những hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo. Đối với các trường hợp vi phạm đạo đức nhà giáo, lãnh đạo các cấp quản lý, các cơ sở giáo dục phải có biện pháp xử lý nghiêm minh, kịp thời, theo đúng quy định của nội quy, quy chế, pháp luật và nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của lãnh đạo đơn vị, các đoàn thể nơi có nhà giáo, cán bộ quản lý vi phạm đạo đức cao quý của nhà giáo.
Bốn là, xây dựng và hoàn thiện một số chính sách, chế độ đối với đội ngũ nhà giáo. Bổ sung và hoàn thiện các quy định, chính sách, chế độ về bổ nhiệm, sử dụng, đãi ngộ, kiểm tra, đánh giá đối với các nhà giáo, nhằm tạo động lực thu hút, động viên đội ngũ nhà giáo toàn tâm, toàn ý phục vụ sự nghiệp giáo dục. Sửa đổi và thực thi chính sách, tăng cường cường tuyên truyền nhằm khôi phục vị thế cao quý trong xã hội của nhà giáo. Xây dựng chế độ lương và phụ cấp ưu đãi cho nhà giáo đúng với tính chất đặc thù lao động của họ; tạo điều kiện cho giáo viên phát triển chuyên môn; rèn luyện phẩm chất. Tăng cường kiểm tra đánh giá chất lượng nhà giáo một cách chính xác; công khai minh bạch việc tổ chức đánh giá, kiểm định chất lượng; nhà giáo đạt trình độ đào tạo và đủ chất lượng về chuyên môn ở mức nào thì được hưởng ngạch, bậc lương của trình độ đào tạo đó. Đổi mới tuyển dụng giáo viên, giảng viên phù hợp từng cấp, bậc học, sát thực tế vùng, miền, địa phương. Hoàn thiện cơ chế kết hợp biên chế và hợp đồng trong các trường theo hướng mở rộng diện tuyển giáo viên, giảng viên theo chế độ hợp đồng. Xây dựng chế độ đãi ngộ hợp lý cho giáo viên, giảng viên kiêm nhiệm, hợp đồng để khắc phục những bất cập hiện nay về số lượng, chất lượng và cơ cấu đội ngũ. Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách nhằm thu hút đội ngũ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, sinh viên các lớp cử nhân tài năng, kỹ sư chất lượng cao làm giáo viên đại học, cao đẳng; xây dựng chính sách thu hút cán bộ khoa học có trình độ chuyên môn cao ở trong và ngoài nước tham gia giảng dạy ở Việt Nam.
Đổi mới quy trình bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh Giáo sư, Phó giáo sư theo hướng ngày càng nâng cao chất lượng, sát với tiêu chuẩn quốc tế; tăng cường kiểm tra, giám sát việc bổ nhiệm và miễn nhiệm các chức danh, bảo đảm công khai, công bằng, chính xác, kịp thời. Bảo đảm các điều kiện tối thiểu cho nhà giáo hoàn thành tốt nhiệm vụ. Xây nhà công vụ cho một bộ phận nhà giáo mới ra trường, nhất là ở những vùng khó khăn, để các nhà giáo yên tâm công tác.
Năm là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo. Các cấp ủy Đảng phải tăng cường lãnh đạo hệ thống chính trị ở từng cấp trong việc tuyên truyền, giáo dục làm cho nhân dân và toàn xã hội nhận thức rõ hơn vai trò và tầm quan trọng hàng đầu của đội ngũ nhà giáo trong sự nghiệp nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phục vụ cho sự phát triển đất nước và từng địa phương. Từ đó, nâng cao trách nhiệm của mọi người dân góp phần xây dựng một nền giáo dục phát triển lành mạnh, tiên tiến và hiệu quả cao.
Theo TS. Nguyễn Đắc Hưng
Báo điện tử ĐCSVN