Trong bất kỳ thời đại nào người thầy cũng luôn luôn được nhân dân trên thế giới tôn kính, ngưỡng mộ, biết ơn và dành cho những lời đẹp nhất: “Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ, phải yêu lấy thầy”, “Không thầy đố mày làm nên”…Có người đã từng ví người thầy giống như một người chèo đò ngang vĩ đại nhất trên bến sông đời.
J. A. Comenski, nhà giáo dục Tiệp khắc vĩ đại đã viết: “Dưới ánh sáng mặt trời này không có nghề gì vinh quang hơn nghề dạy học”. Hơn nữa, thầy giáo là gạch nối giữa nền văn hóa dân tộc và nhân loại, như K.D. Usinski, người thầy của những người thầy khẳng định: “Thầy giáo - đó là người trung gian giữa những nhân vật cao thượng và vĩ đại của lịch sử và thế hệ mới, là người giữ gìn những lời di huấn thiêng liêng của những người đấu tranh cho chân lý và hạnh phúc. Người thầy giáo là cái khâu sống giữa quá khứ và tương lai. Sự nghiệp của người thầy giáo bề ngoài tuy bình thường, nhưng đó là sự nghiệp vĩ đại nhất trong lịch sử”.
Sinh thời, Chủ Tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hoá kiệt xuất của thế kỷ XX đã nói: “Không có thầy giáo thì không có giáo dục... Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế, văn hoá”.
Nhà văn Xuân Trình viết: “Tôi muốn nói với các em một điều: các em ngày mai lớn lên ai chẳng có một sự nghiệp? Và trong số các em sao lại chẳng có những anh hùng? Khi ấy, hãy nhìn lại mà xem; trong sự nghiệp mà chúng ta đã làm, đừng bao giờ quên một tia lửa hồng mà người thầy giáo thân yêu của chúng ta đã nhen lên trong lòng chúng ta ngay từ những ngày thơ ấu”. Và đang còn nữa, bao nhiều lời hay ý đẹp không phải chỉ của vĩ nhân, những người nổi tiếng.
Những ai có thể trở thành nhà giáo, người chèo đò vĩ đại và ai không thể? Đó là điều cũng cần phải suy nghĩ. Những nghiên cứu gần đây nhất của của các nhà tâm lý và giáo dục học Nga cho thấy, không phải tất cả mọi người đều có thể trở thành giáo viên. Người giáo viên phải được đào tạo, kết tinh được những phẩm chất và năng lực nhất định. Ai đó thiếu lý tưởng và niềm tin, ích kỷ và hẹp hòi; vô cảm và nhẫn tâm; trình độ phát triển trí tuệ thấp; thiếu nghị lực và khả năng kiềm chế; có dấu hiệu bệnh tâm thần; khuyết tật ngôn ngữ và thính lực, các tật vận động nặng, v.v… thì không nên theo nghề dạy học.
Trước hết, người thầy phải có lí tưởng nghề nghiệp; phải có tình cảm đạo đức trong sáng, yêu người, yêu nghề, bởi vì “Tình yêu là một tình cảm vĩ đại nhất, nó sáng tạo nên điều kỳ diệu, sáng tạo nên những con người mới, nó làm ra những giá trị vĩ đại nhất” (A.C. Makarenco), hay “Một nhà giáo dù có trình độ chuyên môn cao, có tay nghề vững, nhưng không yêu nghề thì bài giảng trở nên máy móc, khô cứng, ít truyền cảm, không phát huy được tay nghề của mình” (Vũ Dương); biết tự kiềm chế, cân bằng trong tình cảm, bình tĩnh trong xử sự. C. Marx nói: “Những sự nghiệp vĩ đại và đẹp đẽ nhất chỉ có thể phát sinh từ tính điềm đạm; nó là mảnh đất duy nhất mà trên đó có thể mọc lên những hoa thơm và trái ngọt”.
Lao động sư phạm là loại lao động trí óc chuyên nghiệp. Vì vậy, người giáo viên phải có sức khoẻ tốt GS.TSKH A.V. Mudris lưu ý: “Nếu bác sỹ kết luận rằng, thể chất của bạn không được tốt, thì tôi có lời khuyên chân thành: tốt hơn hết bạn không nên chọn nghề dạy học”. Điều 70 của Luật Giáo dục Việt Nam quy định: nhà giáo phải: “Đủ sức khoẻ theo yêu cầu nghề nghiệp”.
Muốn “thầy ra thầy”, nhà giáo phải có tri thức và tầm hiểu biết rộng. Điều đáng sợ nhất, bi kịch nhất đối với giáo viên là học sinh hoài nghi về vốn tri thức của bản thân, chính vì thế J. A. Comenski đã từng cảnh báo: “Những giáo viên giốt nát là những bóng ma không hồn, là đám mây không mang mưa, là dòng suối khô cạn, là ngọn đèn không ánh sáng và đương nhiên đó là những khoảng trống”.
Ngoài ra người thầy phải nắm vững hệ thống các kỹ năng nghề nghiệp như: giao tiếp và ứng xử khéo léo trong các tình huống giáo dục với mọi đối tượng. Tiến sỹ Nguyễn Thị Mỹ Lộc có nhận xét rất đúng: “Nghề thuật dạy học chính là cầu nối giữa “nghề” và “nghiệp” của giáo viên, là câu chuyện của trái tim”. Dạy học là một nghệ thuật, đòi hỏi tính linh hoạt, tính sáng tạo cao. “Nghề dạy học là nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo” (Phạm Văn Đồng). Các kỹ năng nghiên cứu khoa học, hoạt động xã hội...là những kỹ năng vô cùng quan trọng, thiếu chúng người giáo viên không thể thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Hơn ai hết, người thầy giáo phải là người không được bằng lòng với những gì mình có, mà phải học tập liên tục để hoàn thiện nhân cách bởi “Người giáo viên như đứng trước một dòng nước ngược, nếu không cẩn thận sẽ bị nước cuốn trôi” (K.D. Usinski).
Tóm lại, muốn được xã hội tôn trọng, đòi hỏi người thầy giáo phải gương mẫu, người hướng đạo trên đường đời, người có phẩm chất, lý tưởng, đạo đức trong sáng, không phân biệt thầy giáo tiểu học hay trung học, thầy giáo cao đẳng hay thầy giáo đại học, người còn trẻ hay đã già.
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, kính chúc các thầy cô giáo, sức khỏe, hạnh phúc, không ngừng phát huy tiềm năng sáng tạo.
Theo TS. Nguyễn Văn Tịnh/GD&TĐ Online