Từ nhiều năm qua, mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành nhiều văn bản quy định, hướng dẫn việc tăng cường khâu quản lý dạy thêm, học thêm (DTHT), nhưng DTHT vẫn là vấn đề nóng, gây bức xúc cho dư luận xã hội. Điều đáng quan tâm hơn cả là Thông tư số 17/2012 của Bộ quy định về DTHT có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2012, với rất nhiều điểm mới, có tính khả thi (trên cơ sở tập hợp ý kiến rộng rãi của các thầy cô giáo, của các em HS và nhân dân), cho tới nay, có địa phương, đơn vị đã nhanh chóng cụ thể hóa Thông tư 17 chủ động đề ra những quy định phù hợp, nhằm đẩy lùi tiêu cực từ DTHT; nhưng vẫn còn không ít nơi “án binh bất động” hoặc là ì cạch về tiến độ triển khai.
Sau 3 thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng là địa phương có tỷ lệ học sinh tham gia các lớp học thêm ngoài buổi học trên lớp cao, sự “vỡ” lớp bán trú ở các trường tiểu học thực hiện học 2 buổi/ngày năm học này đã tạo điều kiện cho các Trung tâm lưu trú tư nhân tại Đà Nẵng đua nhau mọc lên, dưới hình thức kèm cặp văn hóa cho học sinh, nhưng thực chất là một kiểu biến tướng của DTHT, rất khó kiểm soát để xử lý. Cho đến thời điểm này, Sở Giáo dục và Đào tạo vẫn còn đang trông chờ ở văn bản quy định chính thức của UBND thành phố.
Được biết, mới đây, kỳ họp thứ 5 của HĐND TP Đà Nẵng khóa VIII đã đề ra nghị quyết: Tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động DTHT, các trung tâm quản lý HS tiểu học buổi thứ 2 trên địa bàn TP. UBND TP ban hành quy định về DTHT. Trong đó quy định không được DT ngoài nhà trường đối với HS đang dạy chính khóa. Ngoài ra, HĐND TP Đà Nẵng cũng đưa thực trạng DTHT vào chương trình giám sát trong năm 2013.
Tại Quảng Ngãi, hầu hết các hiệu trưởng cho biết, Sở cũng chỉ mới có quy định tạm thời đưa 50% số lớp DTHT vào trường để quản lý chứ chưa có văn bản chính thức nào của UBND tỉnh.
Vào đầu năm học này, các Sở GD&ĐT Quảng Nam, Thừa Thiên Huế cũng đã ra văn bản tạm dừng việc DTHT trên địa bàn tỉnh, trong khi chờ đợi UBND tỉnh lấy ý kiến của các ban, ngành để UBND tỉnh ra quyết định chính thức. Trưởng phòng và Hiệu trường ở các địa phương này cũng đã quán triệt chủ trương của Sở, yêu cầu các CB, GV đơn vị mình nghiêm túc thực hiện. Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng “yên ổn”, nhiều GV dạy thêm lại bắt đầu “lén lút” tổ chức DTHT bằng nhiều hình thức…
Hầu hết các địa phương đều đang tìm giải pháp để tháo gỡ thực trạng: Thông tư 17/2012 của Bộ quy định không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà GV đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý GV đó. Quy định này xuất phát từ thực trạng GV ép học sinh đi học thêm bằng điểm, chừa kiến thức trên lớp để dạy thêm khá phổ biến những năm qua. Vậy, các địa phương sẽ phải xử lý như thế nào đối với trường hợp GV chuyển qua dạy ở các trung tâm dạy thêm ngoài nhà trường mà ở đó có HS của mình tới học? Hiện tại, khá đông CB, GV và cả phụ huynh ở Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế đều tỏ ra bức xúc trước việc, HS bị cấm đi học thêm ở nhà các thầy cô giáo đang dạy trên lớp, nhưng khi tới trung tâm để học thì mức học phí lại không hề giảm, không những thế, phải nộp thêm tiền trông giữ xe; mà không đi học thêm thì sợ thua bè, kém bạn, vì các thầy cô giáo vẫn chừa kiến thức trên lớp để “đem đến” trung tâm dạy.
Để câu chuyện dài kỳ về DTHT chấm dứt, các địa phương, đơn vị cần nêu cao tính chủ động, sáng tạo trong việc cụ thể hóa Thông tư 17, tìm ra những giải pháp tối ưu nhất, sát với thực tiễn địa phương, đơn vị mình.
Đã tới lúc phải chấm dứt việc nói chung chung, làm chung chung, đánh đồng giữa nơi làm tốt và nơi làm chưa tốt. Rất nên biểu dương thành tích của những địa phương, đơn vị tiên phong, gương mẫu trong thực hiện và có nhiều sáng kiến hay. Chẳng hạn như việc chính quyền cơ sở ở Đăk Lăk đã vào cuộc, giám sát và xử lý khá hiệu quả việc DTHT; UBND tỉnh Kon Tum ngay từ tháng 10 đã yêu cầu Sở GD-ĐT, Sở Tài chính, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị có liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp tổ chức DTHT không đúng qui định, tổ chức lạm thu trong các cơ sở GD-ĐT; đối với những trường hợp được báo chí phản ánh cần xác minh cụ thể từng đơn vị, trường học, tổ chức, cá nhân vi phạm… trả lời kịp thời cho báo chí và thông báo kết quả về Bộ GD-ĐT.
Ở đơn vị trường học, cũng có rất nhiều nơi tuy UBND tỉnh chưa có văn bản quy định chính thức nhưng đã chủ động đề ra những biện pháp tốt trong ngăn chặn tình trạng DTHT tràn lan, kém hiệu quả. Điển hình như Trường THPT Phan Bội Châu-Huyện Hoài Nhơn-Bình Định, hay Trường PTTH số 3 An Nhơn (Bình Định). Song song với đó là việc tuyên truyền trong nhân dân ý thức phát hiện phản ánh những hiện tượng tiêu cực trong DTHT để cơ quan chức năng có biện pháp kịp thời ngăn chặn, xử lý.
Theo Hồng Thúy/GD&TĐ Online