Theo số liệu thống kê đất đai của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn: Từ năm 2001 đến hết năm 2007, diện tích đất nông nghiệp của nước ta có tới 500 nghìn ha bị thu hồi cho mục đích đô thị hoá và sử dụng vào các hoạt động phi nông nghiệp, riêng năm 2007 giảm 120 nghìn ha.
Các vùng đất nông nghiệp chuyển đổi nhiều nhất là đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long. Trong khi đất nông nghiệp giảm nhanh thì dân số hàng năm của cả nước vẫn tăng với tốc độ bình quân 1,2%/năm. Bình quân ruộng đất trên nhân khẩu giảm nhanh từ 1.100m2 năm 2001 xuống còn 900m2. Do đó, để góp phần thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn và nông dân Việt Nam phát triển bền vững, Bộ Khoa học và Công nghệ đã và đang triển khai nhiều hoạt động ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, bước đầu đã xuất hiện một số “điểm sáng” mang lại lợi ích kinh tế cao.
* Hiệu quả từ những dự án
Hoạt động chuyển giao công nghệ vào địa bàn nông thôn tập trung chủ yếu dựa vào hệ thống khuyến nông các địa phương; thông qua các chương trình dự án phát triển kinh tế xã hội; chương trình xây dựng mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ nông thôn và miền núi. Từ các chương trình này người dân đã biết áp dụng tiến bộ khoa học vào thực tế sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt là Chương trình trình “Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế xã hội nông thôn, miền núi giai đoạn 2004-2010”, góp phần nâng cao trình độ kỹ thuật sản xuất dân trí và cải thiện đời sống người dân. Hơn nữa, Chương trình còn đào tạo được đội ngũ cán bộ kỹ thuật nòng cốt tiếp tục phát huy kết quả sau khi dự án kết thúc. Sau hơn 3 năm, Chương trình thực hiện được 131 dự án tại 52 tỉnh, thành phố, trong đó có 76 dự án thuộc nhóm Trung ương quản lý; 55 dự án thuộc nhóm uỷ quyền địa phương quản lý; phân bố tại các vùng đồng bằng, trung du, miền núi, ven biển và hải đảo. Trong đó gần 50% số dự án đã triển khai tại các vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa. Chương trình đã huy động trên 1.100 lượt cán bộ khoa học từ 68 tổ chức khoa học và công nghệ của trung ương và địa phương trong cả nước về phục vụ tại địa bàn nông thôn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; 786 mô hình đã được xây dựng, 700 kỹ thuật viên cơ sở đã được đào tạo và trên 14.700 lượt nông dân được tập huấn công nghệ.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Văn Phong: Các dự án đã giúp cho các địa phương tiếp nhận và ứng dụng công nghệ để chủ động sản xuất giống cây trồng sạch bệnh, phát triển sản phẩm có lợi thế của địa phương, tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác. Các dự án đã hỗ trợ địa phương tạo thành những vùng chuyên canh sản xuất các sản phẩm hàng hoá có chất lượng cao. Điển hình là dự án “Xây dựng mô hình nhân giống và trồng hoa cúc, hồng tại Phú Yên” do Trung tâm ứng dụng và chuyển giao công nghệ Phú Yên thực hiện. Sau khi được chuyển giao công nghệ từ Viện Nghiên nghiên cứu Rau quả Trung ương, Trung tâm đã tiến hành thành công 24 giống hoa cúc các loại với tỷ lệ sống từ 90 - 95% cây phát triển tốt sau 2 đến 3 tuần sau khi trồng. Trong năm 2006 - 2007, Trung tâm đã sản xuất và cung ứng cho nông dân khoảng 830.000 cây giống và hiện đang sản xuất 700.000 cây giống theo đơn đặt hàng của nông dân trong vụ đông 2008 - 2009. Dự án” Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng để nâng cao chất lượng nông sản, tăng giá trị sản xuất trên một đơn vi diện tích canh tác” ở một số xã thuộc huyện Ninh Giang, Hải Dương. Dự án đã đạt kết quả vượt trội so với mục tiêu đặt ra, đem lại thu nhập cao cho các hộ nông dân. Năm 2006, Viện Nghiên cứu Rau quả Trung ương đã triển khai dự án" Xây dựng mô hình sản xuất hoa công nghệ cao tại huyện Bình Lục (Hà Nam)". Qua hai năm triển khai dự án đã thu hút được một lực lượng lớn lao động trong và ngoài vùng, tăng thu nhập cho người lao động và góp phần thực hiện kết quả chủ chương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của đảng và nhà nước. Đồng thời dự án đã nâng cao nhận thực về sản xuất nông nghiệp theo phương thức công nghiệp, giúp người dân nhanh chóng tiếp thu những tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến trong và ngoài nước. Dự án đã áp dụng các quy trình công nghệ cao, các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất nhằm hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, từ đó giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, ở các tỉnh Cao Bằng, Bình Phước, Nghệ An, các dự án thuộc lĩnh vực chế biến đã giúp các doanh nghiệp địa phương tiếp nhận và làm chủ trên 20 quy trình công về chế biến, bảo quản mặt hàng thuỷ hải sản khô và đông lạnh, công nghệ thu gom và chế biến sữa bò tươi. Trong lĩnh vực thuỷ sản, một số địa phương đã làm chủ được công nghệ sản xuất giống cua biển, ương giống một số loài cá biển có giá trị kinh tế cao, nhân giống và nuôi trai lấy ngọc, nuôi cá lồng trên biển. Cụ thể như dự án” Xây dựng trại sản xuất giống cua biển tại vùng đầm nước lợ xã Kim Đông” (Kim Sơn, Ninh Bình). Mô hình này đã cho cua sinh sản thành công và tỷ lệ sống ấu trùng cao, sản xuất được 1,5 triệu cua giống bước đầu đáp ứng một phần cua giống cho nhân dân trong vùng. Lĩnh vực công nghệ sinh học cũng có những đóng góp đáng kể trong việc phát triển nghệ sản xuất nấm tại một số tỉnh như Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Sơn La.. Dự án góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân và giải quyết việc làm trong thời gian nông nhàn.
*Hướng tới sản phẩm chất lượng cao
Trong thời gian qua, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương, tích cực tham gia vào các định chế kinh tế khu vực và quốc tế nên đã tạo ra những cơ hội thuận lợi để đưa hàng nông sản Việt Nam thâm nhập thị trường quốc tế, Chính quá trình này cũng đã tạo ra sức ép thúc đẩy việc đổi mới quá trình sản xuất ứng dụng những thành tựu mới của khoa học và công nghệ trong nông nghiệp để phát huy lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới, tài nguyên sinh học đa dạng và nguồn nhân lực dồi dào của nông thôn Việt Nam. Để khoa học và công nghệ trong xây dựng nông thôn đáp ứng mục tiêu chuyển nông nghiệp sang sản xuất hàng hoá, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và xuất khẩu, phát triển theo hướng thâm canh tăng năng suất, chất lượng nông sản bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thời gian tới, ngành khoa học công nghệ Việt Nam phải tập trung nghiên cứu xây dựng và triển khai các mô hình sử dụng hợp lý tài nguyên đất, nghiên cứu tuyển chọn lai tạo nhân giống các loại cây trồng có khả năng cho năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu được với các điều kiện khắc nghiệt; chọn lọc nhân giống các loại gia súc gia cầm có năng suất, hiệu quả kinh tế cao đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Các nhà khoa học cần tập trung; nghiên cứu các giải pháp khoa học và công nghệ sau thu hoạch để bảo quản rau quả tươi, các biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm trong bảo quản rau quả nhằm giảm tỷ lệ hao hụt, kéo dài thời gian sử dụng. Hơn nữa, nhà nước cần đổi mới cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng đầu tư cho khoa học công nghệ, quan tâm đúng mức đến sử dụng đất nông nghiệp, giải quyết đồng bộ vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái đồng thời tăng cường vai trò quản lý của nhà nước.
Theo TTXVN