Cập nhật: 26/03/2010 14:57:19 Article Rating
Xem cỡ chữ

Việt Nam có bờ biển dài, nguy cơ tổn thương do bão và sóng lớn sẽ xảy ra thường xuyên hơn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH). Những hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ gây ra những thảm họa khôn lường nếu không tích cực chủ động phòng chống.

TS Christopher Field, Giám đốc văn phòng Sinh thái toàn cầu, Viện nghiên cứu Carnegie cho biết tại buổi họp báo diễn ra sau Hội nghị quốc tế “Quản lý rủi ro các thiên tai và hiện tượng thời tiết cực đoan nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu” (SREX) do Ủy ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (International Panel on Climate Change - IPCC) phối hợp với ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức từ 22 đến 25-3.

 

“Những nơi được chọn tổ chức Hội nghị này là nơi có khả năng tổn thương vì hiện tượng thời tiết cực đoan bởi BĐKH, và Việt Nam là một nơi như vậy”, ông nói.

 

Ông Christopher Field đưa ra ba dự đoán về BĐKH đối với Việt Nam như sau: Thứ nhất, nước biển chắc chắn sẽ dâng vì Việt Nam có bờ biển dài. Dân cư và các ngành kinh tế quần tụ ven biển nhiều nên khi thủy triều dâng, bão lụt xảy ra, ảnh hưởng sẽ rất lớn.

 

Thứ hai, khi nước biển dâng, thời tiết sẽ ấm hơn, gây ra những đợt nắng nóng kéo dài, ảnh hưởng đến cây trồng và ô nhiễm không khí.

 

Thứ ba, ngoài những đợt nắng nóng khốc liệt và bão lụt gia tăng, sự tác động qua lại giữa hai hiện tượng này sẽ rất phức tạp, gây ra thời tiết cực đoan với thảm họa khôn lường.

 

Cũng tại buổi họp báo, PGS, TS Trần Thục, Viện trưởng Viện Khí tượng Thủy văn cho biết, trong năm 2010, Việt Nam đã xảy ra những hiện tượng thời tiết bất thường như lượng mưa thiếu hụt nghiêm trọng ở nhiều nơi, có nơi thiếu đến 80%, nước sông Hồng cạn kiệt. Năm nay, chúng ta đang phải chống chọi với hạn hán do hậu quả của hiện tượng El Nino, nhưng năm sau có thể sẽ mưa nhiều vì bão lụt do La Nila.

 

 

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Nguyễn Văn Đức cho biết, từ trước đến nay, thiên tai cực đoan thường xảy ra bất thường, không có quy luật nên ngoài dự báo phải thường xuyên cảnh giác để đối phó. Vì thế, Chính phủ Việt Nam đã có trách nhiệm trong phòng chống thiên tai, nâng cao chất lượng dự báo thời tiết, tuyên truyền người dân nâng cao nhận thức để phòng chống tốt hơn.

 

Năm 1988, IPCC được thành lập bởi Tổ chức khí tượng thế giới và Chương trình môi trường của Liên hợp quốc. Đây là cơ quan liên chính phủ với 194 quốc gia thành viên.

 

IPCC là cơ quan khoa học chịu trách nhiệm biên tập và soạn thảo các báo cáo đặc biệt với những thông tin về khoa học, công nghệ và kinh tế xã hội trên toàn thế giới, tập trung vào việc hạn chế các rủi ro thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan để tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Các báo cáo của IPCC được trích dẫn rộng rãi trong các cuộc tranh luận liên quan đến thay đổi khí hậu và được các quốc gia lấy làm căn cứ khoa học cho nhiều đối sách của mình.

 

Cuộc họp tại Hà Nội lần này là cuộc họp thứ hai trong chuỗi bốn cuộc họp giữa các tác giả chính tham gia viết báo cáo với gần 100 nhà khoa học hàng đầu đến từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham gia. TS Christopher Field cho biết, phiên bản chính thức của báo cáo dự kiến sẽ xuất bản vào tháng 11-2011.

 

 

Theo Nhândân Online

Tệp đính kèm