Cập nhật: 31/03/2010 14:17:22 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hiện tượng El Nino sẽ tiếp tục ảnh hưởng mạnh cho đến hết tháng 4, trong các tháng 3-4/2010 lưu lượng dòng chảy trên các sông ở miền Bắc sẽ thấp hơn trung bình nhiều năm từ 30-60%. Do vậy, về lâu dài, để ứng phó với hiện tượng khô hạn, cần hướng tới việc xây dựng các mô hình chia sẻ tài nguyên nước...

Trong suốt tháng 1/2010, trên các hệ thống sông Hồng  và Thái Bình đã xảy ra tình trạng thiếu nước nghiêm trọng, nguồn nước các sông giảm nhanh và thấp hơn trung bình nhiều năm do hạn hán.

 

Nhiều nguyên nhân gây khô hạn

 

Theo phân tích của Phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương, bà Nguyễn Lan Châu, nguyên nhân cơ bản nhất là lượng mưa ở Bắc Bộ ít, nắng nóng kéo dài. Cuối tháng 10, đầu tháng 11 ở Bắc Bộ theo quy luật nhiều năm thường có mưa (có khi là mưa lớn), nên bổ sung được một lượng nước đáng kể cho các sông, suối. Tuy nhiên, cùng  thời điểm này năm 2009 hầu như không có mưa, do  không khí lạnh và rãnh áp thấp phía Tây hoạt động yếu.

 

Tổng lượng mưa từ tháng 8/2009 – 2/2010 đo được tại các trạm chính ở Bắc Bộ đều thiếu hụt rất nhiều so với trung bình nhiều năm. Thêm vào đó, lượng nước bốc hơi tăng mạnh do nền nhiệt độ rất cao, nắng nóng bất thường kéo dài.

 

Việc phát triển các hồ chứa thuỷ điện, thuỷ lợi nhỏ trên các sông nhánh ở thượng lưu, nguồn cung cấp nước cơ bản cho các sông chính ở hạ lưu vào mùa khô cũng là một nguyên nhân. Các hồ này thường tích nước sớm vào cuối mùa lũ và xả nước phát điện hạn chế vào mùa khô làm thay đổi cơ bản chế độ dòng chảy ở hạ lưu.

 

Ngoài ra, việc khai thác cát ở hạ lưu các sông khi mực nước thấp cũng khiến lòng sông bị khoét sâu xuống qua nhiều năm, làm năm sau cần lưu lượng nước lớn hơn năm trước. Ví dụ, ở mực nước 2,2m trên sông Hồng tại Hà Nội năm 2004 tương ứng với lưu lượng là 860m3/s, song đã tăng lên 1.140m3/s vào năm 2008.

 

Một nguyên nhân quan trọng nữa gây ra khô hạn là tác động của biến đổi khí hậu làm các trị số cực đoan xảy ra ở nhiều nơi, khó dự đoán. Trên sông Gâm, lưu lượng lớn nhất đến hồ Tuyên Quang đạt kỷ lục 7.900m3/s vào ngày 4/7/2009, sau đó từ tháng 10/2009 – 1/2010, lưu lượng nhỏ nhất đến hồ đều là các trị số nhỏ nhất trong lịch sử.

 

Tình trạng thiếu nước và khô hạn nghiêm trọng có nhiều khả năng kéo dài trên diện rộng ở khu Đông Bắc, vùng núi phía Bắc và Trung du Bắc Bộ.

 

Cần có nghiên cứu về quy hoạch sử dụng nước

 

Trong khi tài nguyên nước có hạn, nhu cầu sử dụng nước vẫn ngày càng gia tăng, do đó, ngoài việc cấp phép và kiểm tra việc sử dụng nước của các công trình thuỷ điện, thuỷ lợi, bơm nước, khai thác khoáng sản, tăng cường tính pháp lý, chế tài của các Ban Quản lý lưu vực sông, Cục Quản lý tài nguyên nước cần có nghiên cứu về quy hoạch sử dụng nước.

 

Trưởng Phòng Dự báo thuỷ văn Bắc Bộ (Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Trung ương) Đặng Ngọc Tĩnh đề xuất, có thể xây dựng các mô hình chia sẻ tài nguyên nước cho lưu vực sông Hồng để làm cơ sở xây dựng các quy trình vận hành liên hồ chứa, chia sẻ tài nguyên nước giữa những đối tượng sử dụng một cách hợp lý.

 

Theo đó, các hồ chứa thuỷ điện cần bổ sung, sửa đổi quy trình vận hành, điều tiết mùa cạn, trong đó cần tính tới nhu cầu dùng nước của các hộ sử dụng khác như nông nghiệp, giao thông thuỷ, cấp nước sinh hoạt… Các nhà máy thuỷ điện phải cung cấp thường xuyên kế hoạch phát điện, xả nước xuống hạ du cho các cơ quan quản lý nước ở địa phương và Trung ương.

 

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, từng vùng, từng địa phương cần chủ động có biện pháp quản lý tài nguyên nước hợp lý để khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất. Bởi theo các chuyên gia, hiện tượng El Nino tiếp tục ảnh hưởng mạnh cho đến hết tháng 4, trong tháng 3-4/2010 lưu lượng dòng chảy trên các sông từ thượng lưu cho tới hạ lưu tiếp tục thấp hơn trung bình nhiều năm từ 30-60% (ví dụ: lưu lượng dòng chảy trên sông Hồng tại Hà Nội từ tháng 3-4/2010 sẽ ở mức 600-650m3/s, trong khi trung bình nhiều năm là 930m3/s).

 

 

Theo  Chinhphu.vn

Tệp đính kèm