Theo các nhà khoa học, khả năng chống chịu ngập úng của cây trồng phụ thuộc vào 6 yếu tố: loại cây trồng (nhóm cây chịu ngập úng kém là đu đủ, cóc, sầu riêng, cam, quýt; nhóm cây chịu ngập úng trung bình là ổi, mận (gioi), dâu, vú sữa; nhóm cây chịu ngập úng khá: xoài, sapô (hồng xiêm), nhãn tiêu lá bầu, mãng cầu xiêm)
Thời gian ngập úng (ngập úng kéo dài cây sẽ chết); trạng thái nước (nước chảy cây chịu ngập hơn nước cầm, nước bị ô nhiễm làm hạn chế khả năng chống chịu ngập úng của cây trồng); tình trạng sinh trưởng của cây (cây còn nhỏ, cây đang ra đọt non, ra hoa, cây phát triển sum suê) khi ngập úng rất dễ bị chết; cây bị động gốc trong thời gian ngập nước (cây dễ bị chết khi bị động gốc); bón phân hữu cơ và làm sạch cỏ cũng góp phần làm cây bị chết nhanh trong khi ngập úng.
Các biện pháp hạn chế cây chết trong mùa lũ: không bón phân đạm; không xử lý ra hoa đậu trái; không làm sạch cỏ; không để đất bị đóng váng; không để cây bị động gốc; không bón phân chuồng chưa hoai; không cầm nước; không để nước bị ô nhiễm vào vườn cây; không để nấm cây gây hại cây trồng (bằng cách quét vôi thân cây từ mặt đất lên cao 1,5m).
Bà con có thể phòng trị bệnh nấm cho cây trong mùa lũ bằng các loại hoá chất. Nếu cây trồng bị các loại nấm phytophthora, Fusarium dùng Curzate, Ridomil, Aliette, metalaxyl hoặc thuốc gốc đồng như Coperzine, Coc85, Kocide, Champion, Funguran, Bordeaux... phun quanh gốc. Nếu cây còn nhỏ có thể dùng biện pháp che bớt nắng.
Khôi phục cây phát triển trở lại sau ngập úng:
- Cắt bỏ bớt cành lá để giảm khả năng quang hợp cho cây trồng.
- Khai thông cống rãnh để thoát nước nhanh, giảm thời gian ngập úng.
- Phá lớp váng đất bằng cào răng 3 chỉa để tạo điều kiện ôxy tiếp xúc với rễ cây.
- Quét vôi thân cây từ mặt đất lên cao 1, 5m để đề phòng nấm xâm nhập.
Bón hỗn hợp phân DAP (tỷ lệ 2DAP và 1 kali) hoặc dùng hỗn hợp 1kg urê + 4 kg lân đơn + 1kg kali để kích thích cây hồi phục và ra rễ mới. Bón vôi liều lượng thấp (từ 200g đến 400g/gốc) tuỳ thuộc tuổi cây. Cũng có thể bón phân chuồng ủ hoai hoặc tro, trấu để đất không bị đóng váng trở lại khi có mưa lớn. Nếu không có phân chuồng và tro thì có thể đậy mặt mô hoặc liếp sau khi phá váng và bón phân. Chỉ bón phân cho cây khi vườn không bị ngập nước trở lại và đã xử lý mầm bệnh.
Báo điện tử Kinh tế nông thôn