Với sự tiến bộ của khoa học ngày nay, các nhà nghiên cứu đã có nhiều khám phá mới về bản chất và cơ chế gây cảm giác đau để từ đó tìm ra những cách điều trị đau hiệu quả và an toàn hơn nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho con người.
Ngày 16 tháng 10 năm 1846 được coi là một cái mốc đánh dấu quan trọng trong lịch sử ngành y. Một người thợ in ở thành phốBoston Mỹ tên là Girbert Abbott đã được nhà phẫu thuật John ColinsWarren ở bệnh viện đa khoa Massachusetts tiến hành mổ để cắt bỏ một khối u mà không phải chịu sự đau đớn nhờ đã được ngửi một chất hoá học bí ẩn có tên gọi là ether. Đó là ca phẫu thuật được gây mê đầu tiên trên thế giới. Tiến bộ này đã mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành ngoại khoa thế giới. Vào thời gian đó, có một tờ báo đã đưa tin trên với hàng tiêu đề “Chúng ta đã chế ngự được cảm giác đau”.
Thế nhưng vấn đề không phải là đơn giản như vậy. Tuy rằng những bệnh nhân phẫu thuật không còn phải chịu đau như trước, nhưng những cơn đau vẫn ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của bao người dưới nhiều hình thức như đau đầu, thấp khớp, đau lưng… và dẫn đến những hậu quả về tinh thần cũng rất lớn như: âu lo, bệnh trầm cảm và mất ngủ.
Nhờ có những bước phát triển mới trong việc nghiên cứu não người và những tiến bộ về giải mã bộ gene người, các nhà khoa học đang làm rõ dần đến cấp độ phân tử về hệ thống gây cản giác đau của cơ thể. Các nhà khoa học đã xác định được những gene có liên quan đến cảm giác đau, khám phá ra ảnh hưởng của cảm xúc và giới tính đối với cảm giác này.
Thế nhưng, ở một chừng mực nào đó, cảm giác đau lại có tác dụng tốt và không thể thiếu đối với cơ thể chúng ta. Điển hình nhất phải kể đến là trường hợp những người bị mắc căn bệnh có tên là congenital analgesia. Những bệnh nhân này từ khi mới sinh ra đã không hề biết cảm giác đau. Do không có cảm giác đau nên cuộc sống của họ luôn bị đe doạ bởi những tổn thương do các vết thương và vết bỏng, thậm chí là cả bệnh đau ruột thừa gây ra mà không biết.
Tuy nhiên, những cơn đau mãn tính kéo dài nhiều tháng, nhiều năm hay thậm chí cả đời người thì vấn đề lại hoàn toàn khác. Theo tiến sĩ Scott Fishman, người lãnh đạo ban nghiên cứu cảm giác đau thuộc Đại học California, đau là một cảm giác có cơ chế rất phức tạp, không chỉ liên quan tới những giác quan cảm nhận cảm giác đau mà còn cả cảm xúc, ký ức và các hormone. Cảm giác đau bắt đầu từ những tế bào mang tên Nociceptor, những tế bào này phản ứng với nơi bị tổn thương bằng cách gửi những xung điện tới một khu vực ở thần kinh cột sống, sau đó những tín hiệu này được chuyển tiếp đến não. Khi nhận được tín hiệu, bộ não liền phản ứng bằng cách tung ra một loại chất giảm đau có tên gọi là Endorphin và một số chất khác để làm dịu vết đau.
Tác dụng của những chất giảm đau nói trên không chỉ phụ thuộc vào mức độ tổn thương mà còn phụ thuộc vào tâm trạng của ta lúc đó. Ví dụ, khi ta bị tổn thương, khi đang đá bóng thì bộ não sẽ ra lệnh tung ra những chất giảm đau cũng dịu đi nhanh hơn.
Tuy rằng cơ thể của tất cả chúng ta đều có cấu trúc não và thần kinh giống nhau nhưng cách phản ứng của mỗi người đối với những tổn thương lại khác nhau, tuỳ thuộc vào trạng thái của cơ thể, giới tính và yếu tố di truyền. Có người có thể ngâm tay trong nước đá khá lâu, trong khi người khác chỉ có thể làm việc đó trong thời gian vài giây đã phải rút tay ra. Tâm trạng của con người lúc bị đau cũng có vai trò quan trọng. Một đứa trẻ bị ngã sẽ cảm thấy chỗ đau của nó dịu đi đáng kể khi được người lớn dỗ dành bằng một cái kẹo. Cảm giác đau của con người cũng sẽ dịu đi khi được nghe những bản nhạc êm dịu hoặc ngửi những hương thơm dễ chịu phù hợp với sở thích của mỗi người.
Giới tính cũng ảnh hưởng không nhỏ đến cảm giác đau. Nhìn chung, phụ nữ có xu hướng cảm thấy đau lâu hơn và nghiêm trọng hơn so với nam giới khi bị cùng một tổn thương. Tiến sĩ Jhon Kar Zubieta ở trường đại học Michigan cho biết phụ nữ thường cảm thấy vết đau nghiêm trọng hơn vào thời kỳ đầu của chu kỳ kinh nguyệt. Ở giai đoạn cuối của chu kỳ kinh nguyệt, khi lượng hormone estrogen trong cơ thể tăng lên thì khả năng giảm đau của phụ nữ cũng tốt hơn và vết đau sẽ dịu đi đáng kể ở giai đoạn này.
Về yếu tố di truyền, gần đây nhà khoa học Jeffrey Mogil một chuyên gia nghiên cứu đau ở Đại học Mc Gill, Canađa cho biết bà đã tìm được một gene có tên gọi melanocortin-1 có tác dụng làm tăng khả năng của loại chất giảm đau Kappa opioid trong cơ thể. Nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Zubieta đã khám phá ra một gene mang tên COMT, là gene tham gia vào quá trình tạo ra chất dopamine và chất noradrenaline có tác dụng giảm đau và giúp cơ thể chịu đau tốt hơn.
Việc xác định được những gene liên quan đến quá trình tạo ra cảm giác đau và giảm đau đã đem lại nhiều hiểu biết mới về cách phản ứng riêng của mỗi người đối với cảm giác đau và mở ra triển vọng sản xuất được nhiều loại thuốc giảm đau mới. Các công ty công nghệ sinh học đang ra sức chạy đua trong việc khai thác những khám phá trên để tạo ra những loại thuốc tác động đặc biệt đối với từng quá trình sinh hoá tạo cảm giác đau riêng thay cho những loại thuốc có tác dụng chung toàn thân như hiện nay. Các nhà nghiên cứu cho biết trong tương lai không xa chế độ điều trị đau sẽ được thay đổi, điều chỉnh linh hoạt sao cho phù hợp nhất với những đặc điểm riêng của cơ thể mỗi người và sẽ đạt hiệu quả cao hơn nhiều so với hiện nay, như ý kiến của tiến sĩ Christian Stohler ở Đại học Maryland “Khoảng 10 năm nữa, các bác sĩ sẽ xét nghiệm gene của bạn trước khi kê một đơn thuốc điều trị đau phù hợp riêng cho bạn và giới tính của bạn”.
Và với sự phát triển nhanh chóng của khoa học ngày nay, chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng một ngày nào đó cảm giác đau sẽ được khống chế hoàn toàn. Cùng với điều đó, những cơn đau sẽ không còn là một bóng ma ghê sợ ám ảnh cuộc sống của bao người và thời gian sống vui vẻ, hạnh phúc trong cuộc đời mỗi chúng ta sẽ ngày càng nhiều thêm.
Theo GD & ĐT Online