Cập nhật: 22/10/2011 10:08:40 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ảnh vệ tinh là ảnh được chụp từ các vệ tinh quan sát Trái đất bằng quang học hay bằng ra-đa. Từ các vệ tinh bay trong không gian, người ta có thể nhận biết toàn cảnh đến chi tiết các vùng đồng bằng, rừng núi cho tới biển đảo, các hiện tượng thiên tai, lũ lụt, sóng thần... của bất cứ một quốc gia nào thông qua các hình ảnh chụp từ vệ tinh.

Ðã từ lâu, các nước phát triển, với sự tiến bộ không ngừng của công nghệ vũ trụ, đã sử dụng ảnh chụp từ vệ tinh phục vụ đắc lực cho xây dựng kinh tế và củng cố an ninh quốc phòng. Ở nước ta, việc sử dụng ảnh vệ tinh được triển khai cách đây hơn 20 năm. Tuy vậy, ảnh vệ tinh mới chỉ được ứng dụng ở phạm vi hẹp trong một số ít ngành và chủ yếu phải mua của nước ngoài với giá cao.

 

Nhằm khắc phục sự bị

 

động và thiết thực phục vụ sự nghiệp CNH, HÐH đất nước, năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 137/2006/QÐ-TTg (ngày 13-6-2006) phê duyệt "Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020", trong đó có đề ra mục tiêu Việt Nam tiến tới làm chủ về công nghệ vệ tinh quan sát Trái đất. Theo đó, năm 2010, Chính phủ đã giao cho Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam hợp tác với tổ chức EADSAstrium (Cộng hòa Pháp) triển khai thực hiện Dự án Vệ tinh nhỏ Việt Nam quan sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường và thiên tai (VNREDSat-1). Dự kiến đến cuối năm 2013 hoặc đầu năm 2014, VNREDSat-1 sẽ được phóng lên quỹ đạo. Hoạt động của vệ tinh này sẽ giúp chúng ta chụp ảnh ở kênh toàn sắc (PAN) và bốn kênh đa phổ (MS); với độ phân giải mặt đất là 2,5 m (PAN) và 10 m (MS); kích thước 1.000 mm x 600 mm x 600 mm (thời gian chụp lặp lại là ba ngày). Như vậy, vận hành và khai thác vệ tinh VNREDSat-1 sẽ cung cấp một số lượng lớn ảnh vệ tinh quang học có độ phân giải cao một cách chủ động, kịp thời và thường xuyên. Ðáp ứng nhu cầu trong nước về sử dụng ảnh viễn thám để giám sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường và thiên tai (lũ lụt, cháy rừng, nước biển dâng); góp phần phục vụ công cuộc phát triển kinh tế, giữ vững an ninh, quốc phòng và chủ quyền lãnh thổ...

 

Qua thực tế khảo sát, nắm bắt nhu cầu sử dụng ảnh vệ tinh của chương trình công nghệ vũ trụ (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) tại khu vực các tỉnh phía nam và Tây Nguyên trung tuần tháng 8 vừa qua, cho thấy phần lớn người dân (kể cả cán bộ, công chức nhà nước) còn thiếu sự hiểu biết về giá trị, ý nghĩa của việc sử dụng ảnh chụp qua vệ tinh. Có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính có lẽ đây là vấn đề khá mới mẻ ở nước ta, trong khi công tác tuyên truyền, phổ biến lĩnh vực này còn rất hạn chế. Ðiều đó đặt ra vấn đề, ngành chủ quản phối hợp cơ quan chức năng và các địa phương tổ chức nhiều hơn các hội thảo, lớp tập huấn có nội dung thiết thực và dễ hiểu; tích cực truyền thông giáo dục một cách sâu rộng hơn về công nghệ viễn thám, về ảnh vệ tinh và tác dụng to lớn của nó. Có như vậy mới mong việc khai thác và ứng dụng ảnh chụp từ vệ tinh được triển khai rộng rãi và đạt hiệu quả trong thời gian tới; góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng của đất nước ta.

 

 

 

Theo TRUNG CẦN/Nhandan Online

Tệp đính kèm