Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm lâu nay đã trở thành vấn đề mà tại các nước đang phát triển nói chung và Việt Nam nói riêng luôn quan tâm. Việc bảo quản thực phẩm, kéo dài thời hạn sử dụng bằng các chất phụ gia… đang khiến cho vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng phát sinh nhiều bất cập. Và công nghệ tiệt trùng UHT sẽ là một trong những bước đột phá của khoa học trong thế kỷ XX.
Công nghệ tiệt trùng UHT- Chìa khóa của vệ sinh và an toàn thực phẩm là chủ đề thu hút sự chú ý của hơn 100 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, giáo sư, các chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế. Hội thảo do Bộ Công thương và Công ty Tetra Park Việt Nam phối hợp vừa tổ chức tại Hà Nội cho thấy, con người luôn quan tâm đến việc bảo quản thực phẩm, kéo dài thời hạn sử dụng. Hiện nay, vệ sinh an toàn thực phẩm, các chất bảo quản, phụ gia thực thẩm... là vấn đề gây nhức nhối tại các nước đang phát triển nói chung và Việt Nam nói riêng. Vì thế, việc công nghệ tiệt trùng UHT ra đời và ứng dụng vào ngành chế biến thực phẩm là phát minh quan trọng, một trong những bước đột phá của khoa học.
Tại nước ta, Phó cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nguyễn Hùng Long cho biết, từ năm 2006 - 2010, bình quân mỗi năm có 189 vụ ngộ độc, với 6.600 người mắc và làm 59 người chết. Riêng từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã xảy ra hơn 45 vụ ngộ độc thực phẩm khiến hơn 2.500 người mắc, trong đó có 7 trường hợp tử vong. Ông Nguyễn Hùng Long khẳng định, nguyên nhân chính gây ngộ độc tập thể là do thực phẩm nhiễm vi sinh; còn lại là do các độc chất tự nhiên trong cá nóc, vài loại mực, khoai mì, khoai lang, nghêu sò; do thực phẩm chiên xào sinh ra chất acrylamid; do hải sản, ngũ cốc, hạt có dầu bảo quản không kỹ sinh ra các độc chất; do hóa chất bị nhà sản xuất lạm dụng trong chế biến thực phẩm. Tuy nhiên, việc phân tích nguy cơ và cảnh báo nguy cơ thực phẩm mất vệ sinh còn yếu, có 1% số cảnh báo xuất phát từ dịch đã xảy ra, 4% cảnh báo từ người tiêu dùng khiếu nại, 6% cảnh báo do doanh nghiệp tự kiểm tra.
Việt Nam là nước nhiệt đới nóng ẩm, đường xá đi lại còn khó khăn, việc vận chuyển, bảo quản thực phẩm còn nhiều bất cập. Chính nhờ công nghệ tiệt trùng UHT mà hàng triệu người dân Việt Nam được tiếp cận nguồn thực phẩm tươi ngon, an toàn. Chuyên gia về lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm tại Tập đoàn Tetra Pak Anna Bergonzini đã khẳng định, nếu việc chế biến, đóng gói và bảo quản không đúng quy cách và đạt chuẩn sẽ khiến thực phẩm dễ bị biến chất, hư hỏng, thậm chí gây ngộ độc. Nguy cơ ngộ độc sẽ bị đẩy cao nếu thực phẩm bị nhiễm khuẩn và sử dụng các chất phụ gia, bảo quản… nhiều. Những nhân tố này có thể tìm thấy dễ dàng ở các quốc gia đang phát triển và trong đó có Việt Nam.
Theo công nghệ tiệt trùng UHT, thực phẩm, đồ uống chế biến sẽ được xử lý ở nhiệt độ cao từ 136 - 1400C trong thời gian cực ngắn, làm nguội nhanh ở 250C, giúp tiêu diệt hết vi khuẩn có hại và giữ lại tối đa dưỡng chất. Còn bao bì giấy tiệt trùng là sản phẩm được tạo thành từ 6 lớp nguyên liệu đa dạng, kết hợp các đặc tính tốt nhất của giấy, nhôm và nhựa. Mỗi lớp đều có chức năng bảo vệ riêng gồm 70% lớp giấy giúp tạo độ cứng, độ bền và giữ cho hộp giấy có hình viên gạch, với 24% lớp nhựa chia thành hai lớp mỏng, lớp nằm trong cùng có nhiệm vụ tạo thành lớp vỏ bọc cho thực phẩm. Lớp nhựa ngoài cùng là lớp áo bảo vệ cho bao bì không thấm nước và tạo thành bề mặt in ấn độc đáo, cung cấp thông tin và hình ảnh của sản phẩm. Ngoài ra, lớp nhôm có nhiệm vụ ngăn cản ánh nắng và quá trình ôxy hóa, giúp sản phẩm vẫn tươi ngon trong trong thời gian 6 tháng mà không cần đến tủ lạnh hay chất bảo quản thực phẩm.
Được biết, năm 2010, gần 160 tỷ sản phẩm được chế biến theo công nghệ tiệt trùng UHT được tung ra trên thị trường thế giới. Công nghệ này cũng được đưa vào ứng dụng tại Việt Nam từ năm 1994 tại các công ty sữa và ngày nay được ứng dụng tại tất cả các công ty sản xuất sữa bò, sữa đậu nành và nước trái cây nguyên chất. Tại nước ta, rất nhiều nhà máy sữa, nhà máy sản xuất đồ uống… dùng công nghệ hiện đại này trong dây chuyền sản xuất. Đây cũng là xu thế chung của các nhà máy trong ngành thực phẩm với mục tiêu vì an toàn sức khỏe của cộng đồng. Phó cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nguyễn Hùng Long tin tưởng, công nghệ tiệt trùng UHT được kỳ vọng sẽ giúp ngành sữa Việt Nam nâng mức tiêu thụ sữa của người dân trong nước lên 27-28 lít/người/năm vào năm 2020.
Theo Tiến Xuân/Báo điện tử ĐBND