Cập nhật: 24/12/2011 10:23:48 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hôm nay, ngày 23/12, tại Hà Nội, Câu lạc bộ Nhà báo Khoa học và Công nghệ (Hội Nhà báo Việt Nam) chính thức công bố kết quả cuộc bình chọn 10 sự kiện khoa học và công nghệ nổi bật năm 2011.

Cuộc bình chọn nhằm động viên, ghi nhận và tôn vinh những cống hiến của các nhà khoa học, tập thể các nhà khoa học đối với sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước trong năm 2011 trên các lĩnh vực: Khoa học xã hội và nhân văn, cơ chế chính sách, tôn vinh nhà khoa học, hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ...

 

10 sự kiện khoa học và công nghệ nổi bật năm 2011 bao gồm:

 

 * Lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn:

 

 1. Đề án “Quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Nam Bộ”: Đề án do GS.VS Phan Huy Lê làm Chủ nhiệm. Đề án gồm 11 đề tài. Kết quả nghiên cứu của Đề án đã xác lập được các vấn đề có tính phương pháp luận trong tiếp cận nghiên cứu vùng đất Nam Bộ; làm rõ được quá trình lịch sử, các đặc trưng kinh tế, xã hội, văn hoá và thiết chế quản lý phục vụ các nhiệm vụ phát triển, bảo đảm an ninh - quốc phòng ở vùng đất Nam Bộ; xây dựng cơ sở khoa học; làm rõ và khẳng định cơ sở pháp lý chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam ở vùng đất Nam Bộ phù hợp với thông lệ quốc tế; bước đầu làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến kết quả nghiên cứu đến cán bộ, nhân dân địa phương và nhân dân cả nước.

 

* Lĩnh vực cơ chế chính sách:

 

2. Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia: Với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng được cấp từ ngân sách nhà nước về hoạt động khoa học - công nghệ, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia là tổ chức tài chính Nhà nước, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, có chức năng cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh để vay vốn, hỗ trợ vốn cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu, chuyển giao, đổi mới và hoàn thiện công nghệ.

 

3. Dành kinh phí lớn nhất cho Dự án khoa học và công nghệ (Dự án thiết kế và chế tạo chíp, thẻ và đầu đọc được đầu tư 145,7 tỷ đồng): Đây là số vốn lớn nhất từ trước đến nay dành cho một dự án khoa học - công nghệ. Trong đó, vốn từ ngân sách 124,8 tỉ đồng, phần còn lại là đóng góp của Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn.

 

* Lĩnh vực tôn vinh nhà khoa học:

 

4. Giáo sư Hoàng Tụy được tặng giải thưởng toán học “Constantin Caratheodory Prize”: Giải thưởng Constantin Caratheodory được đặt theo tên nhà toán học lừng danh người Hy Lạp (1873-1950) để vinh danh những cống hiến xuất sắc đã được thử thách qua thời gian. Đại hội thế giới về tối ưu hóa toàn cầu lần thứ hai được tổ chức ở Hy Lạp từ ngày 3 đến 7-7, đã quyết định trao tặng giải thưởng cho giáo sư Hoàng Tụy, người có đóng góp tiên phong cho tối ưu hóa toàn cục. GS Hoàng Tụy sinh năm 1927, là tiến sĩ về toán học, nghiên cứu hàm thực, lý thuyết tối ưu, giải tích lồi, toán kinh tế. Ông từng là Viện trưởng Viện Toán học, giáo sư thỉnh giảng của nhiều đại học trên thế giới.

 

5. Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt được khởi động trở lại bình thường bởi chính các nhà khoa học Việt Nam: Trong gần 50 năm qua, lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt đã thực hiện ba lần khởi động có tầm quan trọng đặc biệt. Lần đầu tiên vào năm 1963, lần thứ hai vào đầu năm 1984. Lần khởi động lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt ngày 30-10-2011 vừa qua được xem là lần quan trọng thứ ba trong lịch sử. Từ thời điểm này, hoạt động của lò phản ứng được duy trì bằng toàn bộ các bó nhiên liệu độ giàu thấp chứa hàm lượng U-235 dưới 20%. Sự kiện này còn đánh dấu một trong những điểm mốc quan trọng trên con đường phát triển của ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam.

 

* Lĩnh vực hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ:

 

6. Hội nghị Bộ trưởng các nước ASEAN về khoa học và công nghệ: Từ ngày 21 đến 26-11, Việt Nam đã tổ chức và chủ trì thành công Hội nghị Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ ASEAN lần thứ 14 (AMMST-14) và Hội nghị Ủy ban Khoa học và Công nghệ ASEAN lần thứ 62 (COST-62) tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ ASEAN, là cơ hội để tiếp tục khẳng định vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế sau khi đã thể hiện thành công vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2010.

 

* Lĩnh vực ứng dụng công nghệ:

 

7. Giàn khoan tự nâng 90m nước: Đây là Dự án khoa học - công nghệ về cơ khí có số vốn lớn nhất tại Việt Nam hiện nay. Đây là công trình cơ khí trọng điểm quốc gia lần đầu tiên được thiết kế chi tiết và lắp dựng tại Việt Nam. Nước ta đã trở thành 1 trong 3 nước Châu Á và 1 trong 10 nước trên thế giới thiết kế chi tiết và lắp dựng giàn khoan tự nâng đạt tiêu chuẩn quốc tế. Từ nay, nước ta chủ động lắp dựng giàn khoan tự nâng mà không phải nhập khẩu như trước nữa.

 

8. Máy soi cắt lớp điện toán trong công nghiệp: Vượt qua nhiều khó khăn, các nhà khoa học Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp (thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) đã thiết kế chế tạo thành công máy soi cắt lớp điện toán trong công nghiệp. Đây là loại máy do các nhà khoa học trong nước viết phần mềm và chế tạo bằng 100% các thiết bị của Việt Nam.

 

9. Vận hành dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử viễn thông hiện đại nhất Đông Nam Á: Trung tâm sản xuất điện tử Viettel vừa chính thức đưa vào vận hành dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử viễn thông có công nghệ hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á. Dây chuyền có tổng giá trị đầu tư hơn 200 tỷ đồng. Việc đưa dây chuyền nói trên chính thức đi vào hoạt động sau một năm triển khai, không chỉ hiện thực hóa chiến lược sản xuất thiết bị điện tử viễn thông phù hợp với quá trình phát triển thị trường trong và ngoài nước của Viettel, mà còn là một thí dụ điển hình về việc xã hội hóa nguồn vốn đầu tư cho hoạt động chuyển giao công nghệ hiện đại vào sản xuất.

 

10. Phẫu thuật nội soi cắt khối tá – tụy tại Bệnh viện 103 : Tháng 10 -2011, các bác sĩ Khoa Ngoại Bụng (B2) – Bệnh viện 103 (Hà Nội) đã phẫu thuật nội soi thành công cắt khối tá - tụy. Đây là loại phẫu thuật khó nhất, phức tạp nhất, là kỹ thuật đỉnh cao trong các phẫu thuật ở ổ bụng. Thành công của ca phẫu thuật đã mở ra một hướng nghiên cứu mới rất khả quan, không chỉ để chứng minh cho tính hiệu quả và an toàn của phẫu thuật nội soi ổ bụng mà còn mở ra khả năng ứng dụng rộng rãi của phương pháp nói trên, kể cả đối với những trường hợp bệnh lý phức tạp.

 

 

Theo Phạm Hằng/ Báo điện tử ĐCSVN

Tệp đính kèm