Cập nhật: 08/06/2012 14:50:21 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đầu thế kỷ 20, chiếc mũ bay chỉ dùng để bảo vệ đầu phi công tránh bị va đập khi máy bay nhào lộn và khi nhảy dù, về sau này có thêm micro và tai nghe để liên lạc với đội hình và mặt đất. Nhưng rồi càng ngày chiếc mũ bay càng được hoàn thiện nhằm trợ giúp đắc lực cho phi công.

Chiếc mũ bay của phi công giờ đây tích hợp rất nhiều tính năng, như quan sát, lựa chọn mục tiêu, chọn vũ khí thích hợp để bắn… Hầu hết các máy bay hiện đại của Nga, Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đều trang bị  mũ bay đa năng, gắn các thiết bị quang điện tương thích .

 

Khi tốc độ máy bay chiến đấu ngày càng tăng lên, phi công khi bay phải quan sát hàng chục đồng hồ bay trước mặt và thực hiện rất nhiều động tác, huy động giác quan cao độ, phân tích, chọn lựa vũ khí, thời cơ bắn… nên rất dễ quên-sai động tác, lỡ thời cơ chiến đấu. Vì vậy, họ cần được hỗ trợ.

 

Mũ bay của phi công giờ đã tích hợp màn hình nhỏ trên kính mũ. Nó hiển thị toàn bộ mục tiêu trong bán cầu trước máy bay. Ngay trên kính mũ, phi công biết rõ số mục tiêu trước mặt, cự li xa hay gần. Điều này giúp phi công có thể quyết đoán rất nhanh việc diệt tốp nào là hiệu quả nhất. Trên màn hình ở kính mũ, còn bảng chọn các loại vũ khí để phi công rất nhanh “tích” vào đó, chọn thời cơ bắn tốt nhất. Sau khi bắn tên lửa rồi, phi công cần … quay đầu để chỉnh dẫn tên lửa trùng với hướng mục tiêu.

 

Nói tóm lại, mũ bay tích hợp cho phép phi công có lợi thế để tác chiến nhiều tốp nhiều hướng.

 

 Mũ phi công tích hợp hiển thị quang điện (HMD) được chế tạo dựa trên công nghệ chủ yếu là việc nhận diện vị trí mục tiêu đối phương, tương quan với hướng nhìn của phi công, thông qua các cảm biến ra-đa, thiết bị quang học và thiết bị điện tử được lắp đặt xung quanh buồng lái, đưa tín hiệu lên mũ bằng cáp mềm.

 

Mũ phi công điều khiển tích hợp xuất hiện lần đầu tiên trong biên chế hải quân Mỹ và được các phi công Mỹ sử dụng trên các máy bay F-14, F-15 (sử dụng điều khiển với tên lửa tầm ngắn) giai đoạn 1974 tới 1978.

 

Năm 1985, mũ bay có chức năng tương tự được Không quân Xô Viết sử dụng trên máy bay Mig-29 (hỗ trợ điều khiển tên lửa tầm nhiệt).

 

Trong cuộc tập trận giữa Đức và Mỹ sau này, máy bay Mig-29(của Đức), phi công mang mũ bay HMD đã tỏ ra vượt trội  trong không chiến tầm ngắn với các máy bay F-16 của Mỹ. Khóa mục tiêu nhanh hơn, bắn cũng nhanh hơn hẳn.

 

Mũ phi công càng ngày càng hiện đại. Hiện nay, trên máy bay F-35 ứng dụng hệ thống nhìn vòng tròn, truyền hình ảnh lên màn hình trên mũ  từ 6 camera hồng ngoại. Hệ cảm biến đặc biệt xác định chuyển động quay của đầu phi công và bằng cách tương ứng dịch chuyển hình ảnh. Mũ bay F-35 cũng có cơ cấu dẫn vũ khí theo ánh mắt.  Nó còn  liên kết hệ thống camera DAS bên ngoài vỏ máy bay, cho phép phi công nhìn được cả 360 độ, biết rõ phía bên, phía sau. Tính năng này có lợi không chỉ trong chiến đấu mà còn hỗ trợ rất lớn việc cất/hạ cánh trên tàu sân bay.

 

 Hệ thống màn hình trên mũ bay mới ngày nay còn bao gồm một màn hiển thị Q-Sight, kính nhìn đêm, hệ thống quang học bán chuyển động để sử dụng vũ khí chính xác khi tác chiến ban đêm, trên biển, trên rừng núi.

 

Trên các HMD mới hiện nay, công nghệ nhận dạng điểm ảnh cũng được áp dụng để nâng cao độ nhậy, giảm sai sót.

 

Phi công bay thử nghiệm hàng đầu của nhiều nước thừa nhận mũ bay mới  mang lại  lợi thế đáng kể cho các phi công lái máy bay chiến đấu chiến đấu.

 

 

Theo Trần Văn/ Chinhphu.vn

Tệp đính kèm