Bốn sinh viên Trường đại học Bách khoa Ðà Nẵng gồm: Võ Thịnh Bảo, Lưu Quốc Kỳ, Ðặng Văn Tuấn, Nguyễn Minh Sang vừa xuất sắc giành giải nhất cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học đại học Ðà Nẵng lần thứ VIII năm 2012, với công trình nghiên cứu "xe lăn điện". Ðây là sáng kiến xe lăn điện với nhiều tính năng hữu ích phục vụ cho người khuyết tật, người già...
Cả bốn sinh viên nêu trên đều tham gia Dự án đào tạo kỹ sư chất lượng cao Việt - Pháp, Trường ÐH Bách khoa - ÐH Ðà Nẵng. Chia sẻ về ý tưởng sáng tạo của nhóm, Võ Thịnh Bảo cho biết: "Từ nhiều lần chạy thể dục buổi sáng, mình và Quốc Kỳ nhóm trưởng cứ day dứt mãi khi thấy nhiều người khuyết tật rất khó khăn trong việc di chuyển trên xe lăn... cho nên chúng tôi đã nảy ra ý tưởng "làm mới" những chiếc xe lăn này".
Ðể thực hiện và hoàn thành chiếc xe lăn điện thông minh, bốn bạn đã phải mất nhiều tháng nghiên cứu, tìm hiểu thêm về cách thiết kế... Tháng 8-2011, cả nhóm bắt đầu hình thành ý tưởng và đến tháng 2-2012 bắt đầu thực hiện. Ðến nay, cơ bản đã hoàn thành. Xe lăn điện thiết kế đáp ứng tối đa nhu cầu của đa số người khuyết tật mất khả năng đi lại và người cao tuổi nhờ sử dụng những tính năng đã được thiết kế sẵn. Cho đến khi hoàn thành, cả bốn bạn vẫn không ngờ mình có thể lắp ráp, chế tạo được một sản phẩm như vậy. Các cơ cấu chuyển động và điều khiển của xe lăn bảo đảm các yếu tố: tiện nghi, hiệu quả, an toàn và dễ sử dụng. Theo đó, khoảng cách từ mặt đất lên trục bánh xe khoảng 0,28 m đến 0,45 m, chiều cao phần gác tay so với mặt đất từ 0,67 m đến 0,72 m, chiều cao phần tựa lưng khoảng 0,99 m đến 1,08 m, chiều cao tổng thể cả phần tựa đầu từ 1,28 m đến 1,49 m. Các phần của khung có thể tháo lắp dễ dàng để điều chỉnh hoặc để sử dụng vào các mục đích khác khi xảy ra sự cố. Bộ ly hợp được thiết kế độc đáo nhằm giúp cho người sử dụng linh hoạt trong việc chuyển từ chế độ chạy bằng điện qua bằng tay khi hết điện hay người sử dụng muốn xe chạy ở chế độ bằng tay. Phần để chân cũng thiết kế phù hợp để người dùng có thể duỗi thẳng những lúc mỏi hay co lại. Xe còn có hai đèn chiếu sáng giúp người đi vẫn có thể thấy đường vào ban đêm; bốn đèn xi-nhan (hai xi-nhan trái, hai xi-nhan phải) và một còi giúp xe hoạt động như một phương tiện khi tham gia giao thông. Ngoài ra xe được thiết kế thêm bộ phận vệ sinh với phần ghế ngồi có cửa đóng, mở được điều khiển bằng điện hoặc bằng tay tăng tiện lợi khi sử dụng.
Theo PGS,TS Ðoàn Quang Vinh, giáo viên hướng dẫn của nhóm: "Ðây là một đề tài có ý nghĩa. Từ khi nghe nhóm đề xuất ý tưởng, tôi đã hy vọng rất nhiều về sự nỗ lực của các em. Hiện nay, các em đang cố gắng hoàn thiện tốt hơn để xe lăn có thể ứng dụng vào cuộc sống".
ÐỂ có được sản phẩm hoàn thiện, vượt qua 240 đề tài khác để xuất sắc giành giải nhất Cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học ÐH Ðà Nẵng lần thứ VIII năm 2012, nhóm sinh viên đam mê khoa học này đã vượt qua nhiều khó khăn về tài chính, sự nỗ lực cố gắng và không "nản chí" trong quá trình hoàn thiện tác phẩm. Hiện nay, cả nhóm đang thực hiện nghiên cứu và nâng cao hơn nữa khả năng và công dụng của xe lăn. Như xe có khả năng thu hồi năng lượng (chuyển đổi động năng khi xe chuyển động xuống dốc hoặc khi lăn bằng tay thành điện năng nạp cho ắc-quy). Xe có các công dụng như: gắn thêm hệ thống định vị GPS và màn hình LCD thể hiện thông số của xe; leo cầu thang; sử dụng giọng nói hoặc sóng não để điều khiển; xe có thể di chuyển mọi thời tiết...
Nói về ý định trong tương lai, nhóm trưởng Lưu Quốc Kỳ cho biết: "Chúng tôi đang hoàn thành báo cáo để tham gia Giải thưởng Khoa học Trẻ Việt Nam năm 2012 sẽ diễn ra vào tháng 12-2012. Tuy thành quả nghiên cứu của cả nhóm chưa hoàn toàn mới lạ, nhưng vẫn hy vọng mang lại những điều có ích cho nhiều người. Góp một phần sẻ chia với những mất mát, bất hạnh của người khuyết tật, giúp họ tự tin hòa nhập cộng đồng".
Theo Thanh Tâm/Nhandan Online