Vật liệu để chế ra điện thoại di động có nhiều “chủng loại. Trong đó có các hợp chất độc hại. Đó là các chất làm ra màn hình, pin, vỏ…nếu thu hồi điện thoại cũ, có thể “phân chất” được các vật liệu này thu gom lại, không để chúng phát tán ra môi trường.
"Nguồn hại" và nguồn lợi
Một viên pin điện thoại di động có thể ô nhiễm tới 60 nghìn lít nước. Những ô nhiễm khác chưa tính được. Vì thế thu gom để bảo vệ môi trường là mục tiêu số 1.
Còn một nguồn lợi khác là nếu thu gom, tận dụng lại, có một số linh kiện, mảng, mạch nâng cấp vẫn dùng tốt. Cực chẳng đã, phải bỏ máy cũ thì cũng thu được kim loại màu, trong đó có đồng, bạc và cả vàng.Theo một báo cáo gần đây cho thấy, cứ một tấn điện thoại di động hỏng có thể lấy ra 150gram vàng, 100 kg đồng và 3 kg bạcỞ Trung Quốc mỗi năm có thể thu về tới 1,5 tấn vàng gom từ số điện thoại di động hỏng. Hiện nay, trên thế giới có khoảng 400 triệu chiếc điện thoại di động bị vứt bỏ mỗi năm và khoảng 100 triệu chiếc trong số đó là từ người dùng ở Trung Quốc.
Theo thống kê tại Mỹ có khoảng 156 triệu người sử dụng điện thoại di động, bình quân 15 tháng họ sẽ thay điện thoại mới. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 3% lượng điện thoại cũ được thu hồi. Tại Anh có 15 triệu máy thải hồi, chỉ thu được 25%.
Thu gom là thượng sách
Một công ty kỹ thuật Mỹ đã nhìn thấy cơ hội kiếm tiền từ thị trường này.
Đó là công ty EcoATM ở bang California, đã phát minh ra máy thu hồi điện thoại di động cũ có tên EcoATM.
Máy có hình dáng giống máy rút tiền tự động ATM. Khi máy điện thoại cũ liên kết với EcoATM, EcoATM sẽ đoán được giá trị của điện thoại và trả tiền trực tiếp qua máy.Được biết, máy EcoATM có màn hình cảm ứng và “cổng kim loại”, ngoài điện thoại cũ, còn có thể thu hồi cả máy mp3.
Khi điện thoại cũ liên kết với EcoATM, máy sẽ tự động chụp vài bức ảnh, sau đó sẽ ước tính giá tiền tương ứng dựa trên thời gian còn sử dụng được của điện thoại. EcoATM lưu giữ hơn 4000 mẫu điện thoại trong kho dữ liệu, “cổng kim loại” sẽ đối chiếu giữa máy thật và hình ảnh trong kho dữ liệu, nhanh chóng xác định kiểu máy, đồng thời quét kiểm tra bên ngoài và kết cấu bên trong của máy để làm căn cứ ước đoán giá cho điện thoại.
Hiện có 50 máy EcoATM được đặt ở các trung tâm mua sắm lớn ở bang California Mỹ. Khi máy EcoATM báo giá xong, nếu khách hàng đồng ý để máy thu hồi điện thoại cũ thì máy sẽ trả tiền mặt hoặc phiếu chiết khấu có giá trị tương đuơng trực tiếp cho khách hàng.
Người phụ trách Quỹ Khoa học quốc gia Mỹ Glen Larsson cho hay, “Máy EcoATM là một dự án đầy tính sáng tạo, vừa tiện lợi, lại có thể trả tiền mặt trực tiếp, như thế sẽ động viên người dân tham gia vào việc thu hồi điện thoại cũ nhằm góp phần bảo vệ môi trường”.
Hiện công ty EcoATM đã thiết lập được 50 máy EcoATM tại Mỹ, trong đó đa số là đặt ở những trung tâm mua sắm lớn hoặc các cửa hàng bách hóa ở bang California. Dự tính đến cuối năm 2012, công ty EcoATM sẽ đặt khoảng 500 máy.
Theo Văn Minh/ khoahoc.com.vn