Cập nhật: 28/02/2013 16:00:28 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sau hơn bốn năm triển khai thí điểm tại Việt Nam, chương trình điều trị bằng Methadone cho người nghiện ma túy đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, chất lượng cuộc sống của người nghiện ma túy đã dần cải thiện; tỷ lệ người sử dụng ma túy giảm từ 100% xuống còn 15,9%.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, điều trị cai nghiện ma túy  thay thế bằng Methadone là một cách hiệu quả góp phần quan trọng cắt đứt đường lây nhiễm HIV do tiêm chích ma túy không an toàn, giảm tử vong do bị sốc ma túy quá liều, an toàn cho người nghiện khi mang thai... Sau một thời gian điều trị kiên trì và đủ liều, người nghiện sẽ phục hồi sức khỏe, phục hồi ý thức, tâm thần, có thể lao động, học tập bình thường.

Ðiều trị bằng Methadone  được triển khai  tại Việt Nam từ tháng 5-2008 với sáu trung tâm tại Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh. Tính đến cuối năm 2009, chương trình đã cung cấp dịch vụ cho 1.735 người, vượt mục tiêu điều trị ban đầu đề ra là cai nghiện cho 1.500 người. Số liệu của Bộ Y tế cho thấy, chỉ sau chín tháng điều trị ban đầu, tỷ lệ duy trì điều trị là 96,5%. Trong hai năm 2010 và 2011, chương trình đã được mở rộng đến 11 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thái Nguyên, Ðiện Biên... tại 41 trung tâm với tổng số người được điều trị lên đến 6.931 người, và tỷ lệ duy trì điều trị là 95%. Trong hai năm đó, chương trình đã đạt được kết quả tích cực với  tỷ lệ người sử dụng ma túy giảm từ 100% tại thời điểm ban đầu xuống 15,9%. Chất lượng cuộc sống của những người nghiện đã được cải thiện, với tỷ lệ thất nghiệp, các vụ tội phạm, tệ nạn xã hội liên quan tới ma túy giảm từ 35,96% xuống 24,1%, điểm đánh giá sức khỏe thể chất tăng từ 68 đến 75 và sức khỏe tinh thần tăng từ 56 lên 70. Theo kế hoạch, dự kiến đến năm 2015, sẽ nâng số lượng trung tâm điều trị  lên 245 tại 30 tỉnh, thành phố và sẽ có khoảng 80  nghìn người được điều trị bằng phương pháp này.

Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Xuân Trường (tỉnh Nam Ðịnh) bác sĩ Trần Huy Phương cho biết, theo chỉ tiêu giao, hết năm 2012 tiếp nhận 250 người bệnh, tuy nhiên đến tháng 6-2012, Trung tâm đã tiếp nhận 273 người bệnh. Nhu cầu của địa phương hiện nay đang rất lớn, số người đăng ký điều trị còn nhiều, tuy nhiên chưa được tiếp nhận điều trị. Anh N.M.H, phường Cẩm Thạch, TP Cẩm Phả đã nghiện ma túy 20 năm nay, đã cai nghiện nhiều lần nhưng không được. May mắn khi anh H là một trong những trường hợp đầu tiên được điều trị Methadone tại cơ sở điều trị Methadone ở phường Cẩm Trung, TP Cẩm Phả (Quảng Ninh).  Anh H  cho biết: "Tôi đã bỏ hẳn không chích hê-rô-in nữa mà chỉ đến uống Methadone vào buổi sáng hằng ngày. Sau một năm điều trị, đến nay sức khỏe tôi tốt hơn. Không còn mất tiền vào chích hút, tôi có điều kiện lo cho vợ con, bố mẹ hơn". Tại cơ sở điều trị Methadone ở Thanh Hóa, bệnh nhân P.V.Q (50 tuổi, ở Sầm Sơn) nghiện ma túy từ năm 1994 cho biết: Anh đã hai lần tái nghiện, sau khi trở về từ các trung tâm cai nghiện bắt buộc. Ðiều đó khiến mọi người trong gia đình  nghĩ rằng, anh không thể sống thiếu hê-rô-in. Vậy mà, như một phép nhiệm màu, cuối năm 2011, sau bốn tháng được điều trị bằng Methadone, anh  Q đã đoạn tuyệt với ma túy, tăng hơn 10kg và hăng say lao động, làm kinh tế, giúp gia đình những công việc hằng ngày. Ngoài việc uống thuốc, chúng tôi được bác sĩ tư vấn, điều trị về tâm lý. Tôi cũng đã giới thiệu cho những người bạn nghiện khác để họ có thể cai nghiện và có được cuộc sống gia đình ổn định".

Phó Cục trưởng Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) Chu Quốc Ân cho biết: Mặc dù đạt được kết quả như vậy nhưng việc triển khai chương trình cũng gặp không ít khó khăn. Theo quy định của Luật Phòng, chống HIV/AIDS, các biện pháp can thiệp giảm tác hại được phép triển khai. Tuy nhiên vẫn còn thiếu thống nhất giữa quy định của Luật này với các văn bản pháp luật khác nên nhiều người nghiện chích ma túy chưa dám lộ diện để tiếp cận với chương trình. Bên cạnh đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy quy định cụ thể các biện pháp can thiệp giảm tác hại của nghiện ma túy và tổ chức thực hiện các biện pháp này nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể.  Cùng với đó, việc mở rộng phạm vi hoạt động của chương trình cũng còn nhiều hạn chế. Tiếp cận các dịch vụ HIV tại trung tâm chữa bệnh giáo dục lao động xã hội và các trại giam, trại tạm giam vẫn là một thách thức. Phạm vi hoạt động của các chương trình điều trị chưa đáp ứng được nhu cầu, chưa kể tới thủ tục đăng ký tham gia chương trình còn khá phức tạp. Chính điều này đã tạo ra rào cản đối với việc tiếp cận các dịch vụ phòng, chống lây nhiễm, khiến HIV bị quy kết là tệ nạn xã hội.

Giải pháp thay thế các chất gây nghiện bằng Methadone là bước tiến mới trong việc giảm thiểu lây nhiễm HIV, điều trị nghiện ma túy và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Vì vậy  cần xóa bỏ những rào cản về mặt chính sách, pháp luật cũng như sự kỳ thị, phân biệt sẽ phần nào giúp người nghiện chích ma túy hòa nhập cộng đồng, tạo động lực để chương trình được triển khai có hiệu quả trong thời gian tới.

 

Theo Nhân dân điện tử

Tệp đính kèm