Các nhà khoa học Nhật Bản cho biết họ tìm được cách để “đọc” giấc mơ của con người, sử dụng thiết bị quét MRI để mở khóa một vài bí mật của tiềm thức.
Các nhà nghiên cứu đã đưa ra được cái họ gọi là “cách giải mã đầu tiên trên thế giới” về cái nhìn trong mơ, chủ đề của những nghiên cứu kéo dài hàng thế kỷ đã thu hút sự quan tâm của nhân loại kể từ thời cổ đại.
Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí uy tin Science, các nhà nghiên cứu tại phòng thí nghiệm thần kinh ATR ở Kyodo đã sử dụng máy quét hình ảnh cộng hưởng từ (MRI) để xác định chính xác vị trí của phần não đã hoạt động trong những khoảnh khắc đầu tiên của giấc ngủ.
Các nhà khoa học sau đó đã đánh thức những người đang ngủ mơ và hỏi họ về những hình ảnh họ nhìn thấy, một tiến trình được lặp lại 200 lần.
Những câu trả lời này được so sánh với sơ đồ bộ não do máy quét MRI đưa ra, sau đó các nhà khoa học xây dựng cơ sở dữ liệu dựa trên những kết quả đó.
Với những nỗ lực tiếp theo, họ đã có thể đoán được những hình ảnh mà các tình nguyện viên nhìn thấy với tỷ lệ chính xác là 60%, tăng thêm trên 70% với khoảng 15 biểu tượng cụ thể bao gồm con người, từ ngữ và sách báo.
“Chúng tôi đã kết luận rằng mình đã thành công trong việc giải mã một vài kiểu giấc mơ với tỷ lệ thành công cao,” Yukiyasu Kamitani, nhà nghiên cứu cấp cao tại phòng thí nghiệm và là người đứng đầu đội nghiên cứu cho biết.
“Những giấc mơ đã quyến rũ con người từ thời xa xưa, nhưng tính năng và ý nghĩa của nó vẫn còn bị đóng kín,” Kamitani cho AFP biết, “Tôi tin tưởng rằng kết quả này sẽ là một bước tiến quan trọng để đọc giấc mơ được chính xác hơn.”
Nhóm của ông hiện đang cố gắng để dự đoán những trải nghiệm khác của giấc mơ như mùi vị, màu sắc và cảm xúc, cũng như toàn bộ những câu chuyện trong giấc mơ con người.”
“Chúng tôi muốn giới thiệu một phương pháp chính xác để chúng ta có thể mường tượng lại các giấc mơ,” ông nói.
Tuy nhiên, Kamitani thừa nhận rằng vẫn còn một quãng đường dài cần phải đi trước khi họ tiến gần tới mức có thể hiểu được toàn bộ giấc mơ.
Ông nói rằng các mô hình giải mã khác nhau đối với mỗi cá nhân và cơ sở dữ liệu họ đang phát triển không thể áp dụng một cách chung chung, mà là được tạo ra cho mỗi người.
Thí nghiệm này cũng sử dụng những hình ảnh được thấy ngay trước khi họ tỉnh giấc. Giấc ngủ sâu, khi con người có những giấc mơ sống động hơn, vẫn còn là một bí ẩn.
“Còn rất nhiều điều chưa được biết tới,” ông cho biết thêm.
Thí nghiệm của Kamitani là chương trình nghiên cứu mới nhất về não bộ do chính phủ tổ chức, nhằm mục đích áp dụng khoa học vào các dịch vụ y tế và phúc lợi.
“Chúng tôi kỳ vọng rất lớn vào việc nghiên cứu giấc mơ,” một nhân viên của chương trình xúc tiến nghiên cứu về não bộ của Bộ Khoa học và Kỹ thuật cho biết.
Bộ này đã dành khoảng 3,4 tỷ yen (35 triệu USD) vào việc nghiên cứu giấc mơ và những nghiên cứu khác về thần kinh trong năm tài chính kết thúc vào ngày 31/3.
“Kỹ thuật này có thể giúp những người khuyết tật có thể di chuyển bằng chân tay giả nhờ bộ não của họ, hay có thể dẫn tới một phương pháp khắc phục sự sa sút trí tuệ hay các bệnh về não khác trong tương lai,”nhân viên này cho biết.
“Nhưng chúng tôi đang nhìn nhận cẩn thận về khía cạnh đạo đức của công nghệ này, vì trong tương lai nó có thể cho phép một người thứ ba có thể nhìn vào suy nghĩ của người khác,” bà cho biết.
Trong năm 2011, một nhóm những nhà nghiên cứu tại Đại học California, Berkeley, đã sử dụng thiết bị MRI để chụp những hình ảnh từ bộ não của con người khi được đánh thức và sau đó xây dựng lại chúng dưới dạng video clip./.
Theo Vietnam+