Mừng cho trẻ chỉ cần mang ý nghĩa tượng trưng, cái chính là mang đến niềm vui cho con trẻ, làm cho trẻ cảm nhận được những nét đẹp truyền thống trong phong tục lì xì.
Ngày nay, trẻ em biết được giá trị của đồng tiền là khá sớm cũng bởi do trẻ nhỏ thời nay ngày càng được tiếp xúc nhiều với đồng tiền hơn như bố mẹ cho trẻ tiền ăn quà sáng, tiền mua truyện sách, tiền lì xì… Ngay cả những đứa trẻ mới được 3,4 tuổi cũng đã biết: “Cháu thích tờ polyme hơn.” hoặc cũng không ít những đứa trẻ bóc phong bao lì xì ra khi thì với vẻ mặt vui mừng, phấn khởi vì được mừng đồng tiền to, lúc thì bóc lì xì ra và thái độ không hồ hởi, tiu nghỉu với món tiền mừng tuổi đó.
Việc dạy trẻ hiểu được giá trị của đồng tiền và cách tiêu tiền sao cho có ích vô cùng cần thiết, trong có có việc dạy cho trẻ nhận thức được ý nghĩa của phong tục mừng tuổi (lì xì) đầu năm.
Lì xì là một tên gọi của tục lệ mừng tuổi trẻ em trong dịp Tết Nguyên đán ở Việt Nam, phong tục này bắt nguồn từ Trung Quốc. Đó là lệ đặt tiền vào chiếc phong bì nhỏ có trang trí màu vàng son rực rỡ để mừng tuổi trẻ em. Điều này khiến cho mỗi dịp Tết về là thêm một niềm hân hoan, háo hức cho trẻ nhỏ mỗi khi được người lớn mừng tuổi.
Dạy trẻ cách nhận tiền lì xì
Mừng tuổi cho trẻ lâu nay trở thành lệ với ý nghĩa chúc cho đứa trẻ hay ăn chóng lớn, ngoan ngoãn, học giỏi, gặp nhiều điều lành, điều may nhân dịp đầu xuân năm mới… nhưng nhiều khi lại trở thành phương tiện để người lớn viện vào thực hiện những mục đích khác qua phong bao lì xì, xem đó là cơ hội “biếu xén” cho bố mẹ khiến cho việc mừng tuổi cho trẻ nhỏ bị biến tướng, mất hết ý nghĩa, bản chất của tục lệ lì xì đầu năm.
Lì xì cho con trẻ là chuyện không hề nhỏ bởi tất cả những ứng xử của người lớn đều ảnh hưởng đến trẻ. Thực chất, thái độ, hành vi của một đứa trẻ khi nhận tiền lì xì ra sao phản ảnh được những gì chúng đã được tiếp thu, được dạy dỗ từ gia đình và nền tảng giáo dục con cái chính là sự nêu gương của cha mẹ. Một đứa trẻ 3,4 tuổi biết chọn đồng tiền to, tiền nhỏ để đòi hỏi không phải do chúng biết được giá trị thực của đồng tiền mà điều đó phần lớn do bố mẹ nhiều khi chỉ nghĩ là trêu đùa nhưng đã vô tình dạy đứa trẻ. Đơn giản như khi cha mẹ nói vui, tán tếu: “Con bảo chú là cháu thích tờ kia cơ”, “Con chọn tờ màu xanh đi”… thế là lần sau nếu ai đưa tiền, đứa bé đều chọn tờ tiền đó.
Để dạy trẻ hiểu ý nghĩa của việc nhận tiền lì xì đầu năm phải bắt đầu từ cả 2 phía, người cho và người nhận.
Hiện nay, rất nhiều người lớn quan niệm rằng lì xì cho trẻ được vài nghìn thì rất “ngượng” với bố mẹ chúng, cứ phải vài chục, có khi lên đến cả trăm nghìn mừng tuổi. Nhiều khi, họ mừng tuổi theo kiểu phong trào, nhà kia mừng thế nào mình cũng phải mừng lại thế thậm chí phải mừng nhiều hơn mới “oai”. Vì thế, ngay người mừng tuổi phải thay đổi quan niệm, phải nhận thức rằng việc mừng tuổi là một phong tục truyền thống của dân tộc ta từ xa xưa. Bên phía người nhận là trẻ em nhưng thực chất chính là bố mẹ bởi trẻ nhỏ chưa được tiêu tiền nên phần lớn số tiền mừng tuổi của trẻ đều do cha mẹ cất giữ. Song nhiều nhà khi con nhận được lì xì thì ngay lập tức hỏi xem con được lì xì bao nhiêu, có khi họ thẳng thừng nói trước mặt con “nhà này kiệt, giàu thế mà mừng tuổi rõ ít”… vậy là đứa trẻ đã có khái niệm không hay về ít và nhiều. Vì vậy, bản thân bố mẹ, ông bà cần tránh bàn luận việc phong bao lì xì có bao nhiêu tiền mà cần giáo dục trẻ thái độ vui vẻ khi được nhận lì xì và định hướng cho con biết sử dụng những đồng tiền lì xì ấy có nhiều ý nghĩa.
Đồng tiền mừng cho trẻ chỉ cần mang ý nghĩa tượng trưng, cái chính là mang đến niềm vui cho con trẻ, làm cho trẻ cảm nhận được những nét đẹp truyền thống trong phong tục lì xì.
Khi trẻ nhận phong bao lì xì, cha mẹ cần dạy con có thái độ trân trọng, biết nói lời cảm ơn và chúc Tết. Cần để trẻ hiểu rằng, mỗi một phong bao lì xì là một lời chúc năm mới đến trẻ chứ không phải việc đánh giá tiền ít, hay tiền nhiều trong mỗi phong bao.
Dạy trẻ cách tiêu những đồng tiền được lì xì sao cho có ích.
Dạy trẻ cách tiêu tiền không bao giờ là sớm. Theo các nhà giáo dục học, cha mẹ nên dạy trẻ tiêu tiền cũng như hiểu được giá trị của tiền ngay từ khi trẻ biết cầm những đồng tiền đầu tiên trong đời.
Sau khi nhận được tiền lì xì, rất nhiều trẻ nhỏ đã dùng nó vào những việc vô bổ như chơi điện tử, mua đồ chơi, tiêu phung phí và những đồng tiền lì xì khi đó lại có thể làm hư trẻ. Bởi vậy, với số tiền lì xì mà trẻ nhận được cha mẹ cần dạy cho trẻ cách tiêu những đồng tiền ấy cho có ích, tiết kiệm nhất và cần để mắt đến việc tiêu tiền của con. Giáo dục trẻ cách tiêu tiền cũng chính là nền tảng của giáo dục gia đình mà cha mẹ cần phải là tấm gương.
Việc cha mẹ quản lý số tiền mừng tuổi cho trẻ là cần thiết nhưng cần thiết phải có sự thoả thuận, đồng ý từ trẻ. Cha mẹ phải hướng dẫn trẻ tiêu tiền vào những việc phục vụ cho học tập hoặc những mục đích chính đáng cho trẻ. Qua việc giáo dục trẻ cách tiêu tiền, cha mẹ có thể dạy dỗ con cái biết quí trọng đồng tiền được làm ra từ sức lao động, biết trân trọng những giá trị tinh thần từ phong tục mừng tuổi đầu năm. Cha mẹ nên khuyến khích trẻ để giành tiền
Theo aFamily