Những cảnh quay về thiên nhiên, con người, văn hóa Việt Nam kỹ lưỡng, tinh xảo, hình ảnh đẹp, âm thanh sống động, dòng phim Discovery nhãn hiệu Việt Nam đang mở ra chân trời nghệ thuật và tri thức cho các nhà đạo diễn, biên kịch yêu thích làm phim khoa học. Ai nấy đều kỳ vọng có thể đem lại những thước phim chất lượng nhằm quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới một cách tự nhiên.
Hầu hết khán giả Việt Nam, ai cũng ít nhất một lần được xem những bộ phim Discovery do nước ngoài thực hiện, thậm chí sau đó đam mê những thước phim này. Cảnh quay thiên nhiên sống động, những khám phá kỳ thú, kỹ thuật tinh xảo, tỉ mỉ bên cạnh việc áp dụng công nghệ cao đã cho ra những hình ảnh đẹp, hấp dẫn trong mỗi thước phim. Âm thanh của những bộ phim Discovery đặc biệt được chú ý và thể hiện một cách sống động. Khán giả khi xem những bộ phim này đều có cảm giác như được tận mắt ngắm nhìn cảnh tượng, tận tai nghe những tiếng động tự nhiên. Điều đó lôi cuốn hàng triệu trái tim yêu thích thế giới tự nhiên bao la rộng lớn trên khắp hành tinh, tạo ham muốn khám phá cuộc sống huyền bí.
Mê Kông ký sự - bộ phim ký sự "khám phá" do Hãng phim truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (TFS) sản xuất đã gây được sự chú ý ngay sau khi phát sóng. Mê Kông ký sự là bộ phim tài liệu chân thực, công phu giúp khán giả hình dung được lịch sử vĩ đại cùng những thăng trầm của con sông lớn thứ 6 trên trái đất. Con sông Mê Kông chảy dài qua nhiều quốc gia, bao thế kỷ trôi đi đã gắn bó và là niềm tự hào của mỗi dân tộc. 75 tập phim, mỗi tập có độ dài 20 phút, Mê Kông ký sự là bộ phim tài liệu dài tập nhất Việt Nam hiện nay. Dưới góc độ địa lý - nhân văn, các nhà làm phim cố gắng đem đến cho người xem một cảm nhận về sự hài hòa giữa yếu tố tự nhiên và yếu tố văn hóa bởi con sông Mê Kông không chỉ là một "dòng chảy" tự nhiên mà còn là một "dòng sông văn hóa". Dòng chảy văn hoá cứ theo chân mỗi thước phim, mỗi bước chân nhà khám phá để tìm tới những đất nước, những vùng văn hóa khác biệt. Đời sống các dân tộc của 6 quốc gia nằm dọc theo hai bờ sông Mê Kông lần lượt được thể hiện và gợi mở cho người xem qua những sinh hoạt thường ngày, những lễ hội văn hóa... được tích tụ từ ngàn xưa.
Mê Kông ký sự đã thổi một làn gió mới cho thể loại phim tài liệu từ lâu vốn khô khan, đồng thời, tạo cú hích cho dòng phim ký sự "khám phá" "made in Vietnam" nở rộ mạnh mẽ. Tiếp đó là những Hành trình theo chân Bác, Ký sự hỏa xa, Ký sự Amazon, Ký sự Tân Đảo, Huyền bí sông Hằng, Đi tìm dấu tích Ba Vua, Trở lại Volga, Bên dòng Mississippi... nối tiếp nhau ra đời càng làm tăng sự háo hức của người xem dành cho dòng phim thường được gọi là "Discovery" (Khám phá) do chính các hãng phim Việt Nam thực hiện. Và gần đây nhất, những bộ phim tài liệu - khoa học của nhóm làm phim trẻ thuộc Đài Truyền hình VN phát sóng trong chuyên mục "Những mảnh ghép của cuộc sống" (vào 21h30 trên VTV2, thứ hai, tư, sáu trong tuần) đã đánh dấu sự phát triển của dòng phim này tại nước nhà. Những tập phim đầu tiên được trình chiếu đã nhanh chóng chiếm được nhiều cảm tình và sự ủng hộ của người xem.
Trên thực tế, chuyên mục "Những mảnh ghép của cuộc sống" của Đài Truyền hình VN là theo phong cách phim của kênh truyền hình Discovery ("Khám phá"). Theo kế hoạch trong năm 2009, đoàn làm phim phải hoàn thiện 50 phim có chất lượng cao không thua kém phim của kênh truyền hình Discovery, Nationnal Geographic... Quả là một nhiệm vụ khó khăn, nhưng bằng niềm đam mê phim khoa học theo phong cách Discovery, các nhà làm phim trẻ ở Đài THVN đều hăng say, miệt mài đi tìm những mảnh ghép của cuộc sống trong thế giới muôn màu.
Không quản gian nan, đạo diễn Hồng Quảng “mon men” nhiều cánh rừng hàng tháng ròng trong những chuyến cùng các chuyên gia đi rừng xông pha trong Kon Ka Kinh (Gia Lai) làm phim về voọc chà vá chân xám: săn voọc mũi hếch ở rừng già Khau Cả (Hà Giang); đội nắng đội mưa, nhiều tuần lênh đênh trên biển đảo phục kích voọc Cát Bà ở Vườn quốc gia Cát Bà (Hải Phòng); ăn chực nằm chờ trên vách đá chon von ở khu đất ngập nước Vân Long và khu vực Cúc Phương (Ninh Bình)... Hay đạo diễn nữ Thanh Bình trong lần làm Chuyện loài rắn đã phải đối diện với những nguy hiểm, sợ hãi khi tiếp xúc với tất cả những loài rắn độc nhất Việt Nam và để có thể thả webcam xuống hang rắn sâu, thả chuột, cóc xuống đó, rồi ghi hình rắn săn mồi trong tư thế tự nhiên nhất ở hang ổ của chúng...
Tuy nhiên, theo các nhà làm phim, hiện tại dòng phim này ở nước ta còn khá nhiều khó khăn: Thứ nhất, do chưa có điều kiện đầu tư đủ với yêu cầu thực hiện những bộ phim có đòi hỏi cao về kỹ thuật như những thiết bị chuyên dụng: ống kính tele tiêu cự lớn, ống kính quay côn trùng, máy ghi tốc độ cao, máy quay nội soi...; Thứ hai, ở ta chưa hướng đến việc xây dựng rộng rãi tiêu chí làm phim khoa học (mục đích sử dụng ngoài xã hội); Thứ ba là chưa đào tạo tập trung và thống nhất việc sản xuất thể loại phim này; mặt khác, lực lượng người làm phim khoa học còn mỏng; việc hợp tác với nước ngoài còn lẻ tẻ nên nhiều lúc không bắt kịp tiêu chí và tính mục đích, phương pháp làm phim khoa học của quốc tế...
Nhưng đôi khi cái khó lại... ló cái khôn, dòng phim Discovery nhãn hiệu Việt Nam đang mở ra chân trời nghệ thuật và tri thức cho các nhà đạo diễn, biên kịch yêu thích làm phim khoa học. Ai nấy đều kỳ vọng có thể đem lại những thước phim về thiên nhiên, con người, văn hóa Việt Nam một cách chân thực, sinh động nhất. Từ đó, khán giả Việt sẽ thấy được hình ảnh đất nước Việt Nam, thấy được bóng dáng, suy nghĩ, hành động của chính họ trong đó. Mục đích cao cả nhất là quảng bá hình ảnh Việt Nam ra với thế giới một cách tự nhiên, bên cạnh các kênh truyền thông khác. Ngoài ra, các tập phim còn cho phép khán giả khám phá và thỏa mãn trí tò mò về thế giới bằng những cuộc phiêu lưu qua màn ảnh nhỏ...
Hy vọng rằng trong tương lai không xa, danh sách phim Discovery Việt Nam sẽ được nối dài thêm mỗi ngày. Hình ảnh về một đất nước Việt Nam giàu truyền thống văn hóa, văn vật, trong đó có thế giới thiên nhiên phong phú, đa dạng được quy tụ trên những thước phim khoa học nhằm quảng bá tới bạn bè khắp năm châu.
Khán giả trong nước trên những diễn đàn văn hóa, du lịch... có rất nhiều ý kiến về phim Discovery của Việt Nam. Họ cho rằng chương trình truyền hình của nước nhà còn quá thiếu những thước phim khám phá. Du lịch qua màn ảnh nhỏ không còn là nhu cầu của ít cá nhân bởi nó là một phần tất yếu của cuộc sống.
Theo SK & ĐS