Cập nhật: 04/05/2011 16:23:41 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đó là kết luận của đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương tại Hội nghị giao ban Văn hóa - Văn nghệ quý I-2011 khu vực miền núi phía Bắc do Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Hà Giang phối hợp tổ chức tại thành phố Hà Giang trong 2 ngày 27-28/4/2011 vừa qua.

Tại Hội nghị, Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao những kết quả đã đạt được trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ (VHVN) trong 3 tháng đầu năm 2011 của các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc. Điểm nổi bật có thể thấy là hoạt động VHVN đã phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị của đất nước, cũng như địa phương và mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc sống khu vực miền núi phía Bắc.

 

Trong những tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội có nhiều diễn biến phức tạp, chỉ số giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tăng cao ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống cán bộ, công chức, viên chức, lao động và nhân dân, nhưng các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc đã bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, tổ chức nhiều hoạt động VHVN phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của đất nước, như: Kỷ niệm 81 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Mừng Đảng, Mừng Xuân, đón Tết Tân Mão 2011, Hội chợ Xuân, Hội Báo xuân, chào mừng thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh…

 

Các hoạt động VHVN được đổi mới về nội dung, phong phú hình thức thể hiện, phù hợp với điều kiện ở địa phương đã tạo không khí vui tươi, phấn khởi, cổ vũ động viên nhân dân đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hoá được duy trì và phát triển; chú trọng đầu tư kinh phí tu bổ di tích, bảo tồn các lễ hội truyền thống. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” tiếp tục được mở rộng có chiều sâu và chất lượng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng. Chương trình thí điểm xây dựng nông thôn mới thực hiện tại 11 xã trong cả nước, trong đó khu vực miền núi phía Bắc có 2 xã: Thanh Chăn (Điện Biên), Tân Thịnh (Bắc Giang)...

 

Thực hiện Kết luận 51-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) về “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội” và công điện của Thủ tướng Chính phủ, Ban Tuyên giáo tỉnh uỷ các tỉnh miền núi phía Bắc đã tham mưu, định hướng tuyên truyền, chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường việc tổ chức quản lý lễ hội; tổ chức các đoàn công tác nắm tình hình tổ chức và quản lý lễ hội; kiểm tra và xử lý nghiêm những sai phạm, ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực trong lễ hội như: mê tín dị đoan, đốt đồ mã, đặt hòm công đức, đặt lễ, đặt "tiền giọt dầu" tùy tiện, lưu hành văn hóa phẩm trái phép, nâng giá, ép giá dịch vụ...

 

Hoạt động văn học, nghệ thuật (VHNT) đã có nhiều chuyển biến mới. Chất lượng tác phẩm VHNT ngày càng cao, phục vụ tốt nhu cầu hưởng thụ của nhân dân. Hoạt động VHNT duy trì và phát triển bằng nhiều hình thức như: đi thực tế sáng tác, phát động cuộc thi, đầu tư sáng tác, tổ chức tốt Ngày Thơ Việt Nam với hình thức sinh động, chủ đề phong phú ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước. Hà Giang, Tuyên Quang tổ chức thành công Đại hội VHNT. Phú Thọ tổ chức triển lãm tranh cổ động về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và tham gia các hoạt động phục vụ giỗ Tổ Hùng Vương 2011. Lào Cai tăng cường hoạt động giao lưu, trao đổi, giới thiệu những giá trị VHNT Lào Cai đến các Hội VHNT trong nước và bạn bè quốc tế (xây dựng mối quan hệ với Hội VHNT châu Hồng Hà của Vân Nam, Trung Quốc)...

 

Công tác tổng kết 3 năm Cuộc vận động (CVĐ) sáng tác, quảng bá các tác phẩm VHNT và báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo văn nghệ sĩ, nhà báo và công chúng với nhiều thể loại khác nhau; các tác phẩm VHNT và báo chí đã có những đóng góp hết sức quan trọng trong công tác tuyên truyền, cổ vũ, động viên quần chúng nhân dân tự giác học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Công tác tổng kết được tiến hành khẩn trương, tiến hành tổng hợp và xét chọn những tác phẩm xuất sắc gửi về Ban Tổ chức đề nghị xem xét và trao thưởng. Việc xét thưởng được tiến hành công khai, dân chủ, bám sát thể lệ CVĐ.

 

Sau khi ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục phát triển văn học - nghệ thuật trong tình hình mới”, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể nhận thức đầy đủ hơn về mối quan hệ giữa VHNT đối với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, trân trọng hoạt động sáng tạo của văn nghệ sĩ, thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện cho VHNT phát triển theo đúng tinh thần của Nghị quyết. Ban Tuyên giáo tỉnh ủy đã chủ động chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW. Công tác lý luận, phê bình VHNT được triển khai thực hiện thường xuyên, hiệu quả. Nghị quyết được triển khai bằng nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể, phù hợp với đặc thù của từng địa phương. Việc tổ chức đi thực tế sáng tác, mở trại sáng tác văn học, hội thảo, hỗ trợ sáng tạo VHNT... cho đội ngũ văn nghệ sỹ được thực hiện nghiêm túc, góp phần kịp thời động viên phát huy hoạt động sáng tạo.

 

Các tỉnh trong khu vực chú trọng việc nâng cao chất lượng các chương trình VHVN trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bắc Giang thử nghiệm Tạp chí Sông Thương điện tử. Tạp chí VHNT Tuyên Quang, Thái Nguyên tăng kỳ phát hành từ một số/tháng lên 2 số/tháng. Lào Cai đã mở nhiều chuyên trang, chuyên mục về VHNT nhằm tuyên truyền quảng bá những tác phẩm VHNT đến nhân dân các dân tộc. Phú Thọ thành lập Website VHNT...

 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nổi bật trên hoạt động VHVN vẫn còn nhiều hạn chế cần phải khắc phục kịp thời:

 

Hoạt động của các thiết chế văn hoá (nhà văn hóa, bảo tàng…) chưa phát huy hiệu quả đáp ứng nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa của nhân dân; thư viện cấp tỉnh, tủ sách cơ sở nghèo nàn; Đội thông tin lưu động gặp khó khăn do kinh phí hạn chế. Có biểu hiện “thành tích” trong xét công nhận các danh hiệu gia đình văn hoá, ấp văn hoá...

 

Việc triển khai nội dung Kết luận số 51-KL/TW có nơi chưa đạt so với Kế hoạch. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có nhiều lãnh đạo ở các cấp thiếu gương mẫu trong thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội. Chưa xây dựng được mô hình cưới, tang chuẩn để tuyên truyền cho nhân dân thực hiện. Các chế tài xử lý vi phạm trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội và lĩnh vực tâm linh còn thiếu và chưa hiệu quả. Những địa phương có nhiều dân tộc anh em sinh sống có nhiều phong tục tập quán khác nhau, nên xây dựng hương ước, quy ước của từng dân tộc trong cưới, tang thực hiện nếp sống mới gặp nhiều khó khăn. Việc tuyên truyền, phổ biến Kết luận 51 đối với nhân dân ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người còn rất hạn chế. Báo chí chưa có nhiều bài phản ánh các cá nhân, tập thể điển hình trong việc thực hiện Kết luận 51.

 

Việc cưới có sự pha trộn các yếu tố mới – cũ, lai căng, phô trương, rườm rà, lãng phí. Tình trạng tổ chức đám cưới mời tràn lan đã xuất hiện trở lại ở khu vực đô thị và trong cán bộ, công chức. Tình trạng cưới tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, thách cưới cao ở vùng đồng dân tộc thiểu số vẫn còn tồn tại. Việc xây dựng mô hình “Lễ cưới văn minh, tiết kiệm” còn chậm, chưa có sức thuyết phục; tổ chức trao giấy đăng ký kết hôn ở một số địa phương còn hình thức chưa tạo ấn tượng; chưa chú trọng sinh hoạt văn hóa, văn nghệ trong đám cưới; vai trò của Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ tham gia vận động thực hiện lễ cưới theo nếp sống văn minh còn hạn chế; hình thức báo hỷ chưa được hưởng ứng rộng rãi.

 

Hiện tượng tổ chức đám tang có tính phô trương trục lợi, kéo dài ngày, lãng phí vẫn tồn tại trong cán bộ quan chức và những người có điều kiện ở một số địa phương; còn nhiều hủ tục lạc hậu, nghi lễ rườm rà trong tang ma (quản linh cữu dài ngày, để người chết ngoài áo quan, thầy Tào chi phối chủ yếu hoạt động tang lễ). Nhạc tang còn quá giờ, ồn ào; tổ chức nghi lễ 49 ngày, 100 ngày tốn phí, rải vàng mã, vệ sinh môi trường chưa bảo đảm. Có nơi giết mổ nhiều gia súc, gia cầm để làm ma gây tốn kém, nợ nần cho gia chủ. Nhiều địa phương chưa xây dựng được nhà tang lễ, chưa có quy hoạch nghĩa trang nhân dân, hoặc có quy hoạch nhưng lại chưa hợp lý (địa điểm, mặt bằng, bố trí phần mộ)….

 

Vẫn tồn tại những hiện tượng tiêu cực ở một số lễ hội, như: thương mại hóa, lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình (quay số lồng đặt tiền trực tiếp, quay bóng đèn điện tử, xóc thẻ…); hoạt động dịch vụ ở một số lễ hội chưa được tổ chức, sắp xếp ngăn nắp để bảo đảm an ninh trật tự, tăng giá thu phí trông xe máy và ô tô; tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm, xả rác bừa bãi, thắp hương tuỳ tiện gây ô nhiễm môi trường; ách tắc giao thông; chưa chú ý giáo dục văn hóa lễ hội; lễ hội văn hóa du lịch hoành tráng nhưng thiếu sắc thái, chưa huy động được đông đảo quần chúng tham gia, chủ yếu là hoạt động của nghệ sĩ chuyên nghiệp; nội dung hoạt động VHVN, thể thao trong lễ hội còn nghèo nàn, chưa chú trọng bản sắc, giới thiệu, quảng bá di tích lịch sử - văn hoá, danh nhân.

 

Tiến độ tôn tạo một số di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh còn chậm, nhiều công trình kiến trúc, di tích lịch sử văn hóa xuống cấp và bị xâm hại nghiêm trọng. Vi phạm di tích ở Phú Thọ, Quảng Ninh.

 

Diễn đàn VHNT trên nhiều blog cá nhân của văn nghệ sĩ còn phổ biến tin bài thiếu chọn lọc, thiếu lập trường chính trị, có nội dung nhạy cảm mang tính chủ quan, cảm tính, suy diễn một cách cực đoan tác động ít nhiều đến văn nghệ sĩ.

 

Một số cấp uỷ xây dựng chương trình hành động chưa sát với thực tế của địa phương, đơn vị. Đội ngũ văn nghệ sĩ của tỉnh còn mỏng, thiếu, chưa có tính kế thừa ở một số lĩnh vực; còn thiếu vắng các tài năng nghệ thuật trẻ. Công tác đào tạo đội ngũ văn nghệ sĩ và những người làm công tác quản lý VHNT chưa được thường xuyên và có kế hoạch, quy hoạch lâu dài; đội ngũ tham gia công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật còn ít và hạn chế về năng lực, có mặt chưa đủ tầm phản bác những quan điểm sai trái trong VHNT.

 

Các thế lực thù địch thực hiện âm mưu “Diễn biến hoà bình”, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước…đã gây khó khăn cho việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống của các dân tộc, làm mất an ninh trật tự và khối đại đoàn kết các dân tộc trên một số địa bàn cơ sở. Công tác phản tuyên truyền đối với âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch tuy được chú ý tăng cường, nhưng nhìn chung vẫn còn chậm và hạn chế, nhất là trên lĩnh vực Internet.

 

Ghi nhận các ý kiến phát biểu tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã phân tích và nhấn mạnh những nội dung định hướng, chỉ đạo hoạt động VHVN quý II/2011: Thời gian tới, Ban Tuyên giáo, Sở VHTTDL, Hội VHNT các tỉnh trong khu vực cần tập trung chỉ đạo, tuyên truyền, định hướng tư tưởng chính trị các hoạt động VHVN nhân những ngày lễ lớn của dân tộc, các hoạt động VHVN phục vụ nhiệm vụ chính trị: tuyên truyền Nghị quyết Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XI, giúp các tầng lớp nhân dân nhận thức đầy đủ, đúng đắn các quan điểm, nội dung cơ bản, những giải pháp chủ yếu phát triển đất nước của Ðảng, Nhà nước giai đoạn 2010- 2015; Tuyên truyền bầu cử Quốc hội; kỷ niệm 100 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước; Hưởng ứng tích cực cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm VHNT, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Thực hiện tốt Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội; Mở các lớp quán triệt, nghiên cứu Nghị quyết Ðại hội XI của Ðảng đối với cán bộ quản lý văn hóa, văn nghệ và văn nghệ sĩ; Theo dõi, đôn đốc các cơ quan quản lý nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng và thực hiện các cơ chế chính sách về VHVN về Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về VHNT đi nhanh vào cuộc sống; Tăng cường hoạt động VHVN phục vụ nhiệm vụ chính trị của đất nước, của địa phương nhưng vẫn phải chú trọng giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; Phối hợp triển khai Kết luận 51-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) về “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội”; Phát hiện những vấn đề nhạy cảm, bức xúc trong quản lý hoạt động VHVN, đề xuất các phương án giải quyết kịp thời; Nắm bắt tư tưởng đội ngũ văn nghệ sĩ, tình hình hoạt động của các Hội VHNT, động viên văn nghệ sĩ tích cực hưởng ứng CVĐ sáng tác quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, phản ánh công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế; Chủ động đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái trên lĩnh vực VHVN; Tăng cường chỉ đạo đẩy mạnh nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở, thúc đẩy phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá phát triển sâu rộng gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới và xây dựng đời sống văn hoá trong công nhân lao động và các trường học, công sở, đơn vị, doanh nghiệp; Tiếp tục quán triệt và tăng cường kiểm tra thực hiện Chỉ thị 46-CT/TW ngày 27/7/2010 của Ban bí thư (khóa X) về chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây huỷ hoại đạo đức xã hội; Tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực VHVN, nhất là các lễ hội xuất hiện trong thời gian gần đây. Tổng kết và định hướng các hoạt động xã hội hóa VHVN...

 

 

 

Theo Báo điện tử ĐCSVN

Tệp đính kèm