Phong trào trồng và kinh doanh cây cảnh hiện nay, bên cạnh việc kế thừa những nét đẹp, cách làm truyền thống, đã phát sinh nhiều hệ lụy, thậm chí xung đột giữa nhu cầu giải trí, thưởng ngoạn về mặt văn hóa của nhiều người với yêu cầu cấp bách của việc gìn giữ, bảo vệ môi trường.
Không đề cập nhiều đến nghề trồng hoa vốn đang có bước phát triển nhảy vọt nhờ áp dụng nhiều tiến bộ của công nghệ sinh học và quy mô thị trường ngày càng mở rộng, chúng tôi chỉ muốn đi sâu phân tích những chuyển động tích cực và những biểu hiện tiêu cực trong quá trình đi lên của ngành kinh doanh và chơi cây cảnh.
Không ai có thể phủ nhận sự tăng trưởng cả về lượng và chất của ngành này trong những năm gần đây, xét về mặt đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng doanh thu, tăng lợi nhuận cũng như thu hút lao động xã hội. Tại các triển lãm sinh vật cảnh thời gian qua, đã xuất hiện nhiều chủng loại cây cảnh mới có dáng thế đặc biệt, có cây cảnh giá trị lên đến vài chục tỷ đồng; bỏ xa giá trị các sản phẩm văn hóa thuộc các ngành khác.
Trước đây, phần lớn cây cảnh được ươm tạo từ cây con, qua bàn tay vàng của nghệ nhân hoặc qua sự chăm sóc khéo léo của người chơi cây cảnh trong nhiều năm để có dáng thế đẹp, thể hiện ngôn ngữ văn hóa và triết lý sống của chính họ. Sản phẩm của những nghệ nhân cây cảnh truyền thống là hình ảnh thu nhỏ của thiên nhiên được đưa vào không gian sống, thường có qui mô hợp lý, gắn liền với hồ nhân tạo, bể nước và hòn non bộ. Vì vậy, ngay từ khi phác thảo ý đồ xây dựng thế cây cảnh và tiểu không gian liền kề, người sáng tạo đã tuân thủ một nguyên tắc bất thành văn là thân thiện với môi trường và đưa vẻ đẹp thiên nhiên vào những mô hình thu nhỏ; gần gũi, sẻ chia để mài dũa tinh thần từ sự cảm thụ cái đẹp, để tâm hồn luôn được thư giãn sau những thời khắc bộn bề lo toan cuộc sống.
Tuy nhiên, phong trào trồng và kinh doanh cây cảnh hiện nay, bên cạnh việc kế thừa những nét đẹp, cách làm truyền thống và có những bứt phá ngoạn mục nhằm đáp ứng tốt hơn sự gia tăng đột biến về nhu cầu của người tiêu dùng trên thị trường, đã phát sinh nhiều hệ lụy, thậm chí xung đột giữa nhu cầu giải trí, thưởng ngoạn về mặt văn hóa của nhiều người với yêu cầu cấp bách của việc gìn giữ, bảo vệ môi trường.
Quan sát kỹ phong trào kinh doanh và chơi cây cảnh trong 5 năm trở lại đây, chúng ta thấy có những thay đổi cơ bản. Đó là sự chuyển dịch từ thú chơi tiểu mộc - tiểu cảnh sang đại thụ - đại cảnh; quy trình vận hành cũng có sự khác biệt. Người chơi cây cảnh thay vì tạo dáng thế từ cây con là chủ yếu, đã chuyển sang tìm kiếm những cây có dáng thế kỳ vĩ hơn trong tự nhiên, bứng cả gốc rễ đem về nhà chăm tỉa thành tác phẩm mà mình mong muốn. Dần dà, việc tìm kiếm và đào bới nguyên liệu thô trở thành công việc thường xuyên của một bộ phận nông dân sống gần rừng, vườn quốc gia và những nơi có nguồn cung cấp một số cây đặc chủng. Những đại gia kinh doanh cây cảnh mới nổi tổ chức thu gom sản phẩm thô về các điểm tập trung ở từng vùng, nhất là vùng cận kề các thành phố lớn để tiếp tục chế tác thành những sản phẩm được hô bán với giá từ hàng chục triệu đến hàng tỷ đồng. Thị trường tiêu thụ quan trọng của loại đại thụ - đại cảnh này phần lớn cũng là một số đại gia mới nổi trong ngành kinh doanh bất động sản. Ở công đoạn này, yếu tố tâm linh được cố tình thổi vào tác phẩm, làm cho nhiều người lầm tưởng là nếu sở hữu được một bộ cây cảnh có đủ 4 loại “sung, mãn, quan, quý”; nếu mua sắm được sưu tập cây sanh nhiều dáng thế có xuất xứ từ những vùng địa linh thì sẽ tạo được sự hanh thông cả về kinh doanh cũng như con đường hoạn lộ.
Cơn sốt đại thụ - đại cảnh đã gây ra một sự tàn phá tài nguyên thiên nhiên do chiến dịch săn tìm cây sung, cây mưng còn được là cây mãn (miền Bắc gọi là cây lộc vừng) và cây sanh, cây quý trên diện rộng. Phần lớn những loại cây này thường mọc ở bờ sông, bờ suối và với bộ rễ đặc thù, chúng thực sự là những “vệ sỹ” chống lở đất ở rừng mùa lũ; bảo vệ dòng chảy ở vùng đồng bằng trước nạn xâm thực. Hiện tượng lũ quét, lũ ống, lở đất gây sụp đổ nhà cửa... những năm gần đây xảy ra nhiều hơn, dày hơn, gây nhiều tổn thất nghiêm trọng không chỉ do biến đổi khí hậu mà còn do một số nguyên nhân khác, trong đó có những đối tượng tưởng chừng vô can nhưng đã trực tiếp hoặc gián tiếp gây nên hệ lụy. Không ai thống kê được, nhưng đã có hàng vạn cây cổ thụ thuộc các chủng loại nói trên ở khắp cả nước đã dần biến mất ở những nơi cần sự có mặt của chúng. Không chỉ để làm “vệ sỹ”, chúng còn là một phần thuộc cái đẹp của tự nhiên, đảm bảo cho sự phát triển thân thiện và bền vững của môi trường sinh thái nơi chúng được phân bổ. Rõ ràng thú chơi văn hóa này có nhiều mặt đã vượt qua ranh giới báo động đỏ.
Điều đáng nói là thái độ khá thờ ơ của nhiều cơ quan quản lý. Việc ban hành các quy định về khai thác, vận chuyển cây cổ thụ và một số loại cây phòng hộ còn quá chậm, kể cả ở cấp Trung ương cũng như ở địa phương. Ngay các ngành liên quan trực tiếp như nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài nguyên và môi trường... cũng chưa có chủ trương, giải pháp ngăn chặn sự tàn phá tài nguyên hiệu quả. Thái độ xử lý quyết liệt bằng cách bắt trồng lại cây cổ thụ bị đào phá như ở Phú Yên vẫn còn là việc làm hết sức hiếm hoi, dù rất đáng trân trọng.
Thú chơi và kinh doanh cây cảnh vốn là một sinh hoạt văn hóa có từ lâu đời, tích lũy được nhiều giá trị cần gìn giữ và phát huy và có cách làm thích hợp để đáp ứng nhu cầu giải trí, thưởng ngoạn ngày càng đa dạng của nhân dân cả nước. Tuy vậy, nó phải tôn trọng một vấn đề có tính nguyên tắc là thân thiện với môi trường trên cơ sở kế thừa những nhân tố tích cực của cách làm truyền thống; đồng thời tiếp thu những thành tựu về khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học. Mọi hành động tự phát, chạy theo lợi nhuận đơn thuần sẽ làm cho nghề chơi và kinh doanh cây cảnh xa rời mục tiêu làm đẹp cuộc sống, và những mặt tiêu cực phát sinh với nhiều hệ lụy như đã đề cập ở trên, đang đặt ra những thách thức to lớn trong việc giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa VĂN HÓA và MÔI TRƯỜNG, cả về mặt nhận thức, đạo đức và pháp luật.
Theo Báo điện tử ĐBND