Cập nhật: 18/05/2011 15:43:13 Article Rating
Xem cỡ chữ

336 tác giả từ khắp mọi miền đất nước đã tham gia cuộc thi sáng tác tranh cổ động bầu cử ĐBQH Khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016, cho thấy sự quan tâm đặc biệt tới sự kiện trọng đại này. Có những tác giả kỳ cựu, từng vẽ tranh cổ động cuộc bầu cử ĐBQH nhiều khóa trước.

 

Từ ngày 2.11 - 31.12.2010, Cục Văn hóa cơ sở đã phát động cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền bầu cử ĐBQH Khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016. Chỉ trong thời gian ngắn, cuộc thi đã nhận được 580 tác phẩm của 336 tác giả thuộc 32 tỉnh, thành phố trong toàn quốc tham dự. Theo họa sỹ Trần Khánh Chương, thành viên Hội đồng nghệ thuật, sáng tác tranh cổ động bầu cử ĐBQH là một đề tài khó, vì Quốc hội đã trải qua 12 khóa, nên ý tưởng, hình tượng, bố cục dễ bị lặp lặp. Đòi hỏi các họa sỹ tìm tòi, sáng tạo trong mảng đề tài này cũng không dễ vì tranh cổ động vốn phải đơn giản, dễ hiểu mới đạt hiệu quả tuyên truyền. Vì thế, số lượng các tác giả, tác phẩm tham dự động đảo như vậy cho thấy sự hưởng ứng nhiệt tình của các họa sỹ đối với sự kiện chính trị lớn của đất nước.

 

Từng vẽ nhiều tranh cổ động về bầu cử ĐBQH, trong đó năm 1981 đã có tranh đạt giải, được in phục vụ tuyên truyền, họa sỹ Nguyễn Thị Thanh Hải chia sẻ: “Càng vẽ nhiều càng thấy khó, bởi mỗi lần bầu cử ĐBQH, tôi đều đem hết tâm huyết để sáng tác, nên những lần sau phải tìm tòi nhiều hơn để không lặp lại tác phẩm của chính mình cũng như của những người khác. Hơn thế, nếu trước kia khi có ý tưởng, chỉ trong một đêm có thể hoàn thành tác phẩm, thì nay ở tuổi 65, tôi phải dành ra 1 - 2 ngày, bởi tay thường bị run khi kẻ chữ và vẽ các chi tiết như bông lúa trên Quốc huy… Tuy nhiên, còn sức sáng tạo, tôi vẫn tham dự với mong muốn qua các tác phẩm nói lên sự tin tưởng của nhân dân với Quốc hội, góp phần vào thành công của cuộc bầu cử, bầu ra những đại biểu xứng đáng, đại diện cho nhân dân tham gia cơ quan quyền lực cao nhất”.

 

Họa sỹ Lưu Yên Thế tham gia vẽ tranh cổ động bầu cử ĐBQH từ Khóa XI đến nay. Trong tranh cổ động cho cuộc bầu cử năm nay, ông tập trung thể hiện hình tượng người dân tộc thiểu số, bởi ông cho rằng đây là đối tượng cần được Đảng, Nhà nước và Quốc hội quan tâm hơn, và họ cũng cần được tuyên truyền nhiều hơn về quyền và nghĩa vụ của mình trong ngày hội toàn dân sắp tới.

 

Năm nay, bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND được thực hiện trong cùng một ngày. Họa sỹ Trịnh Bá Quát (từng 3 lần đạt giải với tranh cổ động bầu cử) thể hiện nội dung đó bằng sự hội tụ của anh em các dân tộc. Không có hòm phiếu, lá phiếu, trung tâm của bức tranh là 5 người trong trang phục dân gian truyền thống, tượng trưng cho 54 dân tộc, đang múa hát trên tấm thảm mang họa tiết truyền thống. Phía trên bức tranh là hình Quốc huy trên nền trống đồng. Họa sỹ cho biết đã tìm hiểu, tham khảo nhiều trang phục dân tộc cũng như họa tiết truyền thống để thể hiện ý tưởng: “Tấm thảm như cội rễ để từ đó, anh em các dân tộc Việt Nam - như thân cây vững chãi, có thể vươn lên, hình tượng trống đồng với trung tâm là Quốc huy như tán lá tỏa ra. Bắt nguồn từ gốc rễ văn hóa dân tộc, đất nước sẽ phát triển bền vững”.

 

Không chỉ thu hút các họa sỹ kỳ cựu, nhiều sinh viên cũng gửi tranh tham dự cuộc thi sáng tác tranh cổ động về bầu cử ĐBQH Khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016. Từng tham gia sáng tác tranh cổ động các ngày lễ lớn như Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30.4, Quốc khánh 2.9, nhưng đây là lần đầu tiên, Nguyễn Thị Hường - sinh viên năm cuối chuyên ngành Đồ họa, Đại học Mở Hà Nội tham gia vẽ tranh cổ động bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND.

 

Bởi vậy, cô đã phải tìm hiểu qua sách báo và nhờ thầy giáo giải đáp những vấn đề liên quan đến Quốc hội và bầu cử ĐBQH, về tranh cổ động bầu cử. Thành quả của quá trình ấy là 7 tác phẩm, với tâm niệm “cuộc thi là một lần thử sức với tranh cổ động về đề tài chính trị và là dịp để em hiểu thêm về Quốc hội và bầu cử...”

 

Nếu các họa sỹ lớn tuổi chọn cách vẽ tay, thì các họa sỹ trẻ hầu hết vẽ trên máy. Các tác phẩm vẽ tay sẽ có màu sắc sinh động, cảm xúc hơn, trong khi vẽ trên máy, những mảng miếng lớn sẽ chuẩn xác hơn và có thể dễ dàng in ra trên nhiều chất liệu để tuyên truyền. Tất nhiên, với những họa sỹ có năng lực sáng tạo tốt thì dù vẽ tay hay vẽ máy đều có thể cho ra đời những tác phẩm chất lượng, mang lại hiệu quả tuyên truyền rõ rệt...Các tác phẩm tiêu biểu của cuộc thi đã được chọn in mẫu tuyên truyền cho sự kiện trọng đại này tại các địa phương trên khắp cả nước, đồng thời sẽ được triển lãm vào đầu tháng 5 tại Bắc Giang.

 

 

Theo Báo điện tử ĐBND

Tệp đính kèm