Sau thành công liên tiếp của Liên hoan phim Tài liệu quốc tế lần thứ I năm 2009 và lần thứ II năm 2010, Liên hoan phim Tài liệu quốc tế lần thứ III sẽ tiếp tục diễn ra tại Việt Nam với sự tham dự của bảy quốc gia châu Âu gồm Italia, Đức, Thụy Sĩ, Pháp, Ba Lan, Đan Mạch, Wallonie-Bruxelles (Bỉ).
Liên hoan sẽ diễn ra từ ngày 6 – 13/6 tại Thành phố Hồ Chí Minh và từ ngày 8 – 14/6 tại Hà Nội.
Mỗi tối trong tuần phim này, một bộ phim tài liệu châu Âu và một bộ phim tài liệu Việt Nam cùng một đề tài sẽ được giới thiệu tới khán giả. Bằng việc chọn lựa rất đa dạng về đề tài phim, trên nguyên tắc như cuộc đối thoại giữa phim tài liệu châu Âu và Việt Nam, các nhà tổ chức mong muốn giới thiệu với công chúng yêu điện ảnh tài liệu Việt Nam và quốc tế sức sống mãnh liệt của điện ảnh tài liệu, đang phát triển rực rỡ từ nhiều năm nay.
Giới thiệu Liên hoan phim Tài liệu quốc tế lần thứ III tại Việt Nam
Bên cạnh các bộ phim truyện, phim tài liệu trở thành một loại hình điện ảnh riêng biệt, với mật mã riêng, kĩ thuật riêng và những nhà đạo diễn chuyên biệt. Thành công của phim tài liệu từ nhiều năm nay trên trường quốc tế chứng tỏ rằng công chúng đang đòi hỏi một "nền điện ảnh hiện thực".
Tham dự liên hoan lần này, Việt Nam sẽ giới thiệu đến công chúng 7 bộ phim tài liệu được sản xuất từ năm 2000 – 2010 gồm: Hãy nói (Đạo diễn: Đào Thanh Tùng và Phan Huyền Thư); Điệu múa cổ (Nguyễn Văn Hướng); Khoảng cách (Trần Phi); Chuyện của mọi nhà (Vương Khánh Luông); Lời ru thì buồn (Nguyễn Quý Mạnh Minh và Mạc Văn Chung); Kèn đồng (Nguyễn Văn Hướng); Đất lạnh (Nguyễn Thước).
Qua lần xuất hiện thứ ba này, Liên hoan Phim Tài liệu Quốc tế tại Việt Nam đang tạo lập chỗ đứng trong bức tranh văn hóa Việt Nam và trở thành "điểm hẹn điện ảnh tài liệu" được công chúng đánh giá cao.
Phát biểu tại cuộc họp báo diễn ra vào sáng 1/6, bà Phạm Thị Tuyết, Giám đốc Hãng Phim Tài liệu và Khoa học Trung ương cho biết: Liên hoan phim Tài liệu quốc tế lần thứ III tại Việt Nam sẽ tạo cơ hội cho khán giả có thể thưởng thức 8 nền điện ảnh khác nhau, qua đó để hiểu thêm về văn hóa của mỗi nước; đồng thời cũng là cơ hội để cho các nghệ sĩ, đạo diễn Việt Nam học hỏi kinh nghiệm để nâng cao chất lượng phim tài liệu, đưa phim tài liệu của Việt Nam đến gần hơn với thế giới.
Theo Báo điện tử ĐCSVN