Những năm trở lại đây cùng với sự phát triển ồ ạt của phim truyền hình, các cuộc hội thảo, toạ đàm cảnh báo thực trạng và chất lượng phim Việt Nam cũng ngày càng tăng lên.
Nhưng lần nào cũng vậy, các cuộc “hội chẩn” được tổ chức công phu, tốn kém, bắt đúng bệnh, kê đúng thuốc nhưng chất lượng vẫn dậm chân tại chỗ. Chất lượng vẫn tỷ lệ nghịch với số lượng.
Tại sao lại như vậy? Phải chăng các cuộc hội thảo, toạ đàm mới chỉ mang tính hình thức, kê đơn trên giấy mà chưa sâu sát thực hiện đồng bộ các giải pháp. Vẫn biết rằng khi chất lượng phim xuống cấp đến mức báo động, việc tập họp các nhà chuyên môn bàn bạc tìm ra giải pháp cải thiện thực trạng đáng buồn của phim truyền hình là điều quan trọng, nên làm nhưng đã làm là phải làm đến nơi đến chốn chứ không thể theo kiểu “đem con bỏ chợ”.
Thiếu và yếu về kịch bản
Gần đây nhất tại thành phố Hồ Chí Minh, Hội Điện ảnh và Liên hiệp các hội VH-NT Thành phố phối hợp tổ chức hội thảo “Chất lượng phim truyện truyền hình - Thực trạng và giải pháp”. Cũng như các lần trước, các chuyên gia đã chỉ ra nguyên nhân căn bản khiến cho chất lượng phim truyền hình gần đây giảm sút về chất lượng và mang nặng tính thương mại là do không có kịch bản hay. Nghĩa là các nhà làm phim hiện nay vẫn phải nhắm mắt chấp nhận những kịch bản hời hợt, được viết bởi những tác giả trẻ, thiếu vốn sống, thiếu khả năng lý giải biện chứng các vấn đề của cuộc sống.
Không có kịch bản hay, không có những cây bút gạo cội chuyên viết kịch bản cho phim là vấn đề nan giải kéo dài nhiều năm nay, ai cũng thấy, ai cũng biết nhưng không khắc phục được. Đơn giản, vì liên quan đến vấn đề cơm-áo- gạo -tiền. Khi tìm hiểu các đạo diễn, chuyên gia đều cho biết, bình thường tiền đầu tư cho kịch bản mỗi tập phim chỉ dao động từ 5-6 triệu đồng, nếu cao hơn thì rất khó cho các nhà sản xuất. Vẫn biết rằng “tiền nào của nấy”, với số tiền như vậy thì bói đâu ra kịch bản hay và các cây bút tâm huyết. Thế nhưng hiện nay với xu hướng xã hội hoá hoạt động làm phim, nhiều hãng chịu chơi sẵn sàng bỏ 10-30 triệu đồng mua một tập kịch bản hay nhưng vô cùng hiếm, thậm chí không có, hầu như toàn phải đặt hàng.
Như vậy thiếu và yếu ở khâu kịch bản suy cho cùng là do cơ chế. Chúng ta chưa có một cơ chế phù hợp, khuyến khích các cây bút từ đầu. Hầu hết những tác giả viết kịch bản cho phim đều là các nhà văn hay nhà báo làm nghề “tay trái”.
Có nên để các nhà đài độc quyền đầu ra, đầu vào các tác phẩm?
Kịch bản yếu, các đạo diễn chấp nhận làm phim, nhưng phim có lên sóng, đến được với công chúng hay không lại hoàn toàn phụ thuộc vào khâu kiểm duyệt của các nhà đài, cơ quan chủ quản.
Lý giải cho nguyên nhân vì sao gần đây hàng loạt phim truyền hình kém chất lượng vẫn ào ạt lên sóng, thậm chí còn trễm chệ ngồi vào “giờ vàng”, hầu hết các nhà đài đều đổ tại vì phải lấp đủ 30% phim Việt trên tổng số thời lượng phát sóng phim truyện trên truyền hình theo quy định nên nhiều khi phải tặc lưỡi chấp nhận cả những phim có chất lượng tầm tầm. Không những thế, nếu thống kê, hàng năm các nhà đài phát sóng hàng trăm bộ phim với hàng ngàn tập, tương ứng với hàng ngàn giờ, như vậy muốn kiểm duyệt kỹ các phim đã phát sóng thì cần phải có một bộ máy khổng lồ mà với thực lực như hiện nay thì các nhà đài không thể kham nổi.
Vẫn biết rằng sự sa sút về chất lượng của phim truyền hình Việt Nam trong những năm gần đây không phải do riêng một nguyên nhân nào nhưng nếu đổ tại phải lấp đầy chỗ trống mà chạy theo số lượng, thả nổi khâu kiểm duyệt, để lọt những tác phẩm kém chất lượng thì e rằng muôn đời chất lượng phim truyền hình không thể thay đổi. Mỗi bộ phim, mỗi tác phẩm điện ảnh khi phát sóng không chỉ có chức năng giáo dục mà còn góp phần bồi dưỡng tâm hồn, định hướng thẩm mỹ cho công chúng. Thế nên thật nguy hiểm nếu chúng ta tiếp tay đưa những tác phẩm kém chất lượng công bố rộng rãi tới khán giả.
Muốn nâng cao chất lượng phim truyền hình, chắc chắn phải có sự vào cuộc của các cấp các ngành và kiên quyết thực hiện đồng bộ các giải pháp. Nhưng điều quan trọng nhất là các cơ quan chủ quản, có chức năng phải kiên quyết tuýt còi chặn đứng những tác phẩm kém chất lượng đến với công chúng. Đã đến lúc chúng ta phải mạnh dạn, thay đổi cơ chế, liệu có nên để các nhà đài độc quyền trong việc đầu ra, đầu vào các tác phẩm điện ảnh? Bên cạnh việc quan tâm bồi dưỡng, tổ chức các trại sáng tác kịch bản phim cho các tác giả trẻ, chúng ta cũng phải có cơ chế thực sự kích thích các cây bút chuyên tâm cho nghề....Nâng cao chất lượng phim truyền hình cũng có nghĩa là phải nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan liên quan và khi thực hiện các giải pháp phải sâu sát tới cùng nếu không việc tổ chức các hội thảo, toạ đàm, đưa ra các giải pháp trên giấy cũng chỉ là hình thức, không có tác dụng thiết thực và như thế thật khó có thể cải thiện được thực trạng chất lượng phim truyền hình hiện nay.
Theo Kim Thoa /Báo điện tử ĐCSVN