Cập nhật: 26/06/2011 17:42:55 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đến nay, Năm du lịch quốc gia đã được tổ chức thành công nhiều lần tại các địa phương. Với các chủ đề và hình thức tổ chức phong phú sự kiện Năm du lịch quốc gia đã trở thành điểm nhấn nổi bật nhất của du lịch Việt Nam.

 

Điểm nhấn của du lịch Việt Nam

 

Tính đến nay, Việt Nam đã tổ chức tám Năm du lịch quốc gia với các chủ đề: “Quảng Ninh năm 2003 - du lịch Hạ Long”; “Điện Biên năm 2004 -  Điện Biên Phủ - Mùa hoa ban trắng, Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử, Điện Biên Phủ - cùng đất nước đổi mới”; “Nghệ An năm 2005 - Theo chân Bác”; “Quảng Nam năm 2006 - Một điểm đến - hai di sản văn hóa thế giới”, “Thái Nguyên năm 2007 - Về thủ đô Gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc”; “Thành phố Cần Thơ năm 2008 - Miệt vườn sông nước Cửu Long”; Thành phố Hà Nội năm 2010 - Thăng Long - Hà Nội, hội tụ ngàn năm” và “Duyên hải Nam Trung Bộ 2011- du lịch biển - đảo” và Phú Yên là địa phương đăng cai hoạt động này.

 

Theo Bộ VH - TT và DL sự kiện Năm Du lịch quốc gia sẽ được tổ chức hằng năm. Theo đó, Năm du lịch quốc gia 2012 được tổ chức tại Thừa Thiên Huế; 2013 tại Hải Phòng; 2014 tại Lâm Đồng; 2015 tại Thanh Hóa; 2016 tại Kiên Giang và 2017 sẽ được tổ chức tại Lào Cai...

 

Có thể nói, sự kiện Năm du lịch quốc gia đã trở thành hoạt động lớn nhất của ngành Du lịch Việt Nam hằng năm, là động lực thúc đẩy du lịch tại các địa phương phát triển bền vững. Theo đánh giá của Tổng cục Du lịch, lượng khách quốc tế tới Việt Nam đạt mức tăng trưởng rất ấn tượng. Nếu như năm 2001, Việt Nam đón được 2,3 triệu lượt khách quốc tế thì đến năm 2010 đã đạt hơn 5 triệu. Trong giai đoạn này, thu nhập từ du lịch đã tăng khoảng 4,6 lần, từ 20,5 ngàn tỷ đồng năm 2001 lên 96 ngàn tỷ đồng vào năm 2010.

 

Du lịch tiếp tục là lĩnh vực thu hút được nhiều đầu tư trực tiếp nước ngoài. Năm 2010 đã có hơn ba chục dự án đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống được cấp mới với số vốn đăng ký là gần 10 tỷ USD, chiếm khoảng 41% tổng số vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong năm 2009. Phát triển du lịch đã góp phần tích cực thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành kinh tế liên quan, đặc biệt là ngành hàng không, xây dựng, sản xuất thủ công mỹ nghệ gắn với làng nghề… góp phần thay đổi diện mạo hệ thống đô thị và nông thôn Việt Nam ở những nơi du lịch phát triển.

 

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn, qua tổ chức sự kiện Năm du lịch quốc gia, nhận thức về vị trí, vai trò của du lịch trong xã hội đã chuyển biến rõ rệt; du lịch đã khẳng định vị thế là ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Các hoạt động quảng bá xúc tiến Năm du lịch quốc gia đã góp phần tích cực vào nỗ lực đưa hình ảnh một đất nước Việt Nam thân thiện, an toàn và mến khách đến với bè bạn quốc tế; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, tăng cường tình hữu nghị, hiểu biết giữa Việt Nam và các dân tộc trên thế giới.

 

Cần tăng tường liên kết, quảng bá

 

Việc tổ chức Năm du lịch quốc gia đã đẩy nhanh sự phát triển của du lịch nội địa và thu hút ngày càng nhiều khách quốc tế, góp phần tạo nên những thành công quan trọng của ngành công nghiệp không khói. Tuy nhiên, theo PGS - TS Phạm Trung Lương - Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, dù được tổ chức ngày càng bài bản, chuyên nghiệp hơn nhưng thực tế cho thấy sự kiện Năm du lịch quốc gia chưa được khai thác tối đa, vẫn còn lãng phí nhiều cơ hội để bứt phá du lịch các địa phương. Nguyên nhân chủ yếu là do các địa phương thiếu chiến lược phát triển du lịch, cách thức tổ chức riêng lẻ, thiếu liên kết và yếu kém  quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng.

 

Thực tế cho thấy, Năm du lịch quốc gia 2007, với những đầu tư mạnh mẽ Thái Nguyên đón được 1,2 triệu lượt khách, tăng 51% so với năm 2006, nhưng những năm tiếp theo lượng khách du lịch đến Thái Nguyên sụt giảm; những cơ sở đầu tư phục vụ năm du lịch phần lớn phải chuyển mục đích sử dụng, hoặc bỏ không.

 

Năm du lịch quốc gia 2008 với chủ đề “TP Cần Thơ - Miệt vườn sông nước Cửu Long” được kỳ vọng là cơ hội để các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long tiếp thị hình ảnh, giới thiệu tiềm năng và cùng tạo động lực của du lịch các địa phương, thế nhưng do thiếu liên kết các địa phương chuẩn bị tham gia Năm du lịch quốc gia như một cách đối phó, chứ không phải vì làm du lịch chuyên nghiệp. Sự liên kết giữa các địa phương để tổ chức các lễ hội gần thời điểm, gần tuyến đường để giữ chân du khách cũng không hề thấy dù không phải là không có điều kiện.

 

Năm du lịch quốc gia năm 2010 do TP Hà Nội đăng cai với chủ đề “Thăng Long - Hà Nội, hội tụ ngàn năm” tuy được tổ chức công phu nhưng nổi bật và bao trùm vẫn là các sự kiện Lễ hội lịch sử văn hóa của Hà Nội, còn những giá trị mà ngành Du lịch khai thác qua sự kiện này để phát triển du lịch chẳng là bao. Năm Du lịch quốc gia 2011 đang diễn ra tại tỉnh Phú Yên và các tỉnh, thành Duyên hải Nam Trung bộ, tuy chỉ mới đi hết nửa chặng đường thời gian nhưng đã bị đánh giá là đơn điệu và nhàm chán các hoạt động…

 

Các chuyên gia về du lịch cho rằng, để Năm du lịch quốc gia xứng tầm và thực sự là sự kiện quốc gia và của địa phương về quảng bá, phát triển du lịch thì bên cạnh lựa chọn chủ đề hoạt động gắn với các sự kiện lớn trong nước và quốc tế, ngành du lịch các địa phương phải sớm có hoạch định chiến lược liên kết vùng miền, liên kết các ngành để khai thác tối đa các lợi thế của địa phương; đẩy mạnh xây dựng và quảng bá sản phẩm du lịch đặc trưng của từng vùng, miền. Nếu cách làm như hiện nay không được thay đổi thì những mục tiêu và kì vọng vào sự kiện Năm du lịch quốc gia khó thành hiện thực.

 

Theo Quang Vũ

Báo Điện tử ĐBND

Tệp đính kèm