Rằm tháng 7, lễ Vu Lan dường như đã thấm sâu vào dòng máu của mỗi người dân Việt từ xa xưa. Ngày này đã trở thành truyền thống trong tâm thức mỗi con người để hàng năm, cứ đến mùa Vu Lan, mỗi người lại hướng tâm mình về một nơi nào đó linh thiêng, thực hành những việc phúc thiện dâng lên những vị tiền nhân của chúng ta.
Tích truyện kinh điển đạo Phật còn truyền lại đến nay về câu chuyện của ngài Mục Kiền Liên. Chuyện kể rằng, sau khi tu hành chứng đạo quả, ngài Mục Kiền Liên nhớ tới mẹ mình. Dùng thần thông có được, Ngài biết mẹ mình đang chịu khổ trong vùng tối tăm. Tình thương dâng trào, Ngài nghĩ đến chuyện đem cơm cúng mẹ. Đói khổ lâu ngày ở chốn tối tăm, giờ thấy được bát cơm, lòng tham lại nổi lên trong tâm mẹ Ngài. Lửa tham đã biến bát cơm thành than hồng khiến bà không thể nào ăn cơm được. Quá đau buồn, Ngài đem chuyện thưa lên với Phật, thắc mắc tại sao với khả năng tu chứng đạt được quả vị như mình mà không thể cứu được mẹ? Và vì sao mà mẹ mình phải chịu khổ như vậy?
Phật giải thích rằng: “Dù ông có chứng được lục thông, cũng không thể cứu được mẹ. Khi sinh tiền mẹ ông đã làm nhiều tội ác như không tin nhân quả, hủy báng Phật pháp, phá hoại chúng tăng.v.v.. chính do tội nặng đó mà đọa lạc chìm sâu vào vùng khổ ải. Ta chỉ cho ông đây, đến ngày rằm tháng bảy khi chư Tăng tự tứ, ông hãy đem những thứ cần dùng cúng dường chư tăng, rồi nhờ chư tăng chú nguyện cho mẹ ông. Chỉ có cách đó mẹ ông mới được thoát khỏi cảnh khổ nơi ngục tối”.
Cụm từ Ngày Rằm Tháng Bảy Vu Lan Báo hiếu có ra từ đó cho đến nay, do đó mùa Vu Lan còn gọi là mùa hiếu hạnh, mùa báo hiếu cho cửu huyền thất tổ, cho những người mà chúng ta muốn họ được an vui. Bằng nhiều hình thức như cầu siêu, cầu an, bố thí cúng dường, chẩn tế bạt độ… chúng ta làm những công việc công đức và hồi hướng những công đức ấy cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ… Đây được coi là một biện pháp vừa giúp đỡ được tha nhân, vừa báo hiếu được bề trên của chúng ta.
Rằm tháng 7 còn được coi là ngày lễ cho các cô hồn, những linh hồn vất vưởng không nơi nương tựa. Chúng ta tổ chức cúng cầu siêu như một hình thức bố thí thực phẩm cho họ, đồng thời cầu cho họ được siêu thoát… Khi làm công việc này, bằng tình yêu thương, chúng ta mở tâm mình rộng rãi, không phân biệt lạ, quen mà ban tặng để thật nhiều người được hưởng lợi.
Tiếp tục câu chuyện của Ngài Mục Kiền Liên. Nghe lời Phật dạy, Ngài mời thỉnh toàn thể Đại đức chúng Tăng thọ thực và cúng dường trăm món cần dùng trong ngày chư Tăng tự tứ và chư Tăng đã chú nguyện cho mẹ Ngài; nhờ công đức này của người con hiếu thảo (Ngài Mục Liên) mà người mẹ đang đọa đày trong ngục tối A tỳ Vô gián được thoát khỏi địa ngục. Cũng trong ngày đó, sau khi đã cầu nguyện xong, ngài Mục Kiền Liên dùng thiên nhãn thông quán xét trong địa ngục mới hay cũng trong ngày đó bao nhiêu người đã từng chịu khổ như mẹ mình trong địa ngục đều được thoát nghiệp rời khỏi địa ngục về thế giới an lành.
Có thể thấy rằng, khi tâm thành phát khởi, kết hợp với lời chú nguyện thiện lành của đông đảo các vị tăng, năng lượng tốt lành sản sinh ra đã phá tan mọi gông cùm của địa ngục, cũng như bao tội lỗi, hận thù, oan ức… và giải thoát được cho những linh hồn tội lỗi về nơi an lành. Khi một người làm việc thiện, năng lượng tốt lành của nó sẽ không thể mạnh bằng khi nhiều người đồng lòng cùng làm một việc thiện. Dường như năng lượng mạnh mẽ của tình yêu thương, của lòng từ bi, tha thứ... không phân biệt này có thể phá tan tất cả những gì khúc mắc, đau khổ, đưa con người ta tới những gì tốt đẹp hơn.
Theo Hà Châu /GD&TĐ Online