Cập nhật: 31/10/2011 15:32:48 Article Rating
Xem cỡ chữ

Lần đầu tiên được tổ chức, chương trình Trình diễn trang phục truyền thống cộng đồng các dân tộc VN- 2011 được kỳ vọng sẽ là một cú hích quan trọng để khôi phục và đưa trang phục truyền thống trở lại trong đời sống các dân tộc VN.

Đây cũng là lần đầu tiên Ủy ban Dân tộc (UBDT) giới thiệu tới công chúng một bộ sưu tập trang phục truyền thống hoàn chỉnh của 54 dân tộc VN. 255 người mẫu đến từ các bản làng xa xôi sẽ tham gia thể hiện vẻ đẹp độc đáo của trang phục dân tộc mình tại Làng Văn hóa - du lịch các dân tộc VN (Đồng Mô, Sơn Tây, HN) trong thời gian từ ngày 25- 28.11.

 

Chia sẻ về điểm khác biệt này, ông Hoàng Xuân Lương, Phó Chủ nhiệm UBDT, Trưởng Ban tổ chức chương trình cho biết: “Chúng ta vốn chỉ quen ngắm nhìn những người mẫu chuyên nghiệp trình diễn thời trang trên sân khấu, nhưng chúng tôi không sử dụng người mẫu chuyên nghiệp hay văn công đóng thế.

 

Bởi vì Trình diễn trang phục truyền thống cộng đồng các dân tộc VN không phải là một chương trình biểu diễn thời trang thông thường, đó là nơi để tôn vinh vẻ đẹp trang phục của các dân tộc và xa hơn nữa, là để bảo tồn vẻ đẹp đó trong đời sống cộng đồng.

 

Và chúng tôi tin, không ai có thể truyền tải được bản sắc của dân tộc qua các trang phục trọn vẹn hơn những người con của dân tộc đó”. Tiêu chuẩn để lựa chọn người mẫu trình diễn trang phục dân tộc là tuổi đời từ 18 đến 40, cao trên 1m55 với người mẫu nữ và cao trên 1m60 với người mẫu nam.

 

Để có được đầy đủ trang phục truyền thống của 54 dân tộc, bao gồm cả trang phục đời thường và trang phục lễ hội, là cả một kỳ công của BTC. Trên thực tế, một số dân tộc đã không còn mặc trang phục truyền thống, thậm chí có dân tộc đã quên hoàn toàn.

 

UBDT Chính phủ cùng với các nhà dân tộc học, nhà nghiên cứu văn hóa ở 63 tỉnh, thành đã mất tới gần nửa năm để khôi phục lại.

 

Theo ông Hoàng Xuân Lương, hiện có khoảng 6-7 dân tộc không còn giữ được trang phục truyền thống. Các nhà nghiên cứu địa phương phải đi khảo sát, tìm tòi qua các tài liệu, qua trí nhớ của người già, để khôi phục lại họa tiết, kiểu dáng của trang phục.

 

Người Ơ Đu sinh sống chủ yếu ở huyện Tương Dương, Nghệ An là một ví dụ. Các chuyên gia phải tìm sang Lào, nơi người Ơ Đu từng sinh sống trước khi sang VN để tìm hiểu trang phục và may lại.

Một vấn đề khác khiến BTC “đau đầu” là làm sao xác định được đâu là trang phục gốc của dân tộc: “Xác định được chính xác đâu là gốc vô cùng khó. Bởi vậy, chúng tôi coi trang phục gốc chính là trang phục với kiểu dáng, họa tiết tồn tại lâu nhất trong đời sống và được đa số người dân của cộng đồng dân tộc đó thừa nhận” - ông Hoàng Xuân Lương giải thích.

 

Theo ông Lương, dù rất cố gắng để khôi phục được yếu tố gốc của trang phục nhưng BTC vẫn đành phải chấp nhận một số thay đổi về chất liệu. Chẳng hạn như một số loại vải người dân từ lâu đã không còn sản xuất, hoặc có trang phục từng được làm bằng vỏ cây thì nay cũng phải bỏ.

 

 

Thực tế chuẩn bị cho lễ hội Trình diễn trang phục truyền thống cộng đồng các dân tộc VN cho thấy đồng bào dân tộc thiểu số giữ gìn trang phục truyền thống có phần tốt hơn người Kinh. Vấn đề khôi phục và bảo tồn trang phục truyền thống đang là câu chuyện chung của tất cả các dân tộc hiện nay.

 

 

Theo Thúy Hằng/ VanhoaOnline

Tệp đính kèm