Cập nhật: 05/11/2011 09:44:45 Article Rating
Xem cỡ chữ

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định công nhận đối với 19 di tích quốc gia thuộc 10 tỉnh, thành phố, trong đó có Nhà hát lớn Hà Nội vào đúng dịp kỷ niệm 100 năm Nhà hát Lớn Hà Nội được khánh thành (1911-2011).

Quyết định này nhằm tôn vinh giá trị của Nhà hát Lớn Hà Nội, đồng thời khẳng định đó là niềm tự hào, nét văn hóa của người Hà Nội và cả nước. Đây còn là dịp nâng cao ý thức giữ gìn, phát huy giá trị công trình văn hóa, kiến trúc, nhất là Việt Nam đang trong quá trình hội nhập thế giới.

 

Nhà hát Lớn Hà Nội được khởi công xây dựng vào ngày 7/6/1901, hoàn thành năm 1911. Để xây dựng Nhà hát, thời đó, người ta đã phải dùng hơn 12 nghìn mét khối vật liệu, 600 tấn gang thép, 35 nghìn cọc tre, 300 nhân công và 2 triệu Frăng…

 

Bản thiết kế ban đầu của hai kiến trúc sư người Pháp đã nhiều lần được sửa đổi với sự đóng góp ý kiến của nhiều giáo sư. Công trình ra đời là một minh chứng cho sự giao lưu giữa hai nền văn hóa phương Đông và phương Tây.

 

Đây là công trình theo kiểu kiến trúc cổ Hy Lạp kết hợp với kiểu lâu đài Tuilerie và Nhà hát Opera Paris. Tọa lạc trên diện tích 2.600 m2, Nhà hát Lớn Hà Nội là một công trình bề thế, bên trong có 870 chỗ ngồi, ghế được bọc bằng da và nhung sang trọng. Kinh phí xây dựng Nhà hát là 2 triệu franc Pháp

 

Nhà hát Lớn thời đó là nơi biểu diễn các loại hình nghệ thuật cổ điển như nhạc thính phòng, opera hay kịch nói... chủ yếu phục vụ tầng lớp thượng lưu người Pháp và người Việt giàu có. Song song với những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, Nhà hát Lớn Hà Nội còn là chứng tích lịch sử gắn liền với cuộc Cách mạng Tháng  Tám và những năm đầu của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

 

Nơi đây đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước. Ngày 17/8/1945, tại Quảng trường Nhà hát diễn ra cuộc mít tinh ra mắt Mặt trận Việt Minh. Ngày 29/8/1954, đoàn Quân giải phóng từ Việt Bắc về Hà Nội, ra mắt tại quảng trường này. Quốc hội họp kỳ thứ nhất, thứ hai và nhiều kỳ sau đó họp tại Nhà hát lớn Hà Nội cho đến khi có Hội trường Ba Đình…

 

Trong khuôn khổ các hoạt động kỉ niệm 100 năm Nhà hát lớn Hà Nội sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa thiết thực như: Chương trình nghệ thuật sử thi; hội thảo khoa học 100 năm Nhà hát Lớn Hà Nội; biểu diễn nghệ thuật của đoàn nghệ thuật Pháp.

 

Cũng trong dịp này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có quyết định công nhận 18 di tich quốc gia. Cụ thể, tỉnh Thái Bình có 7 di tích được xếp hạng di tích quốc gia gồm 5 di tích kiến trúc nghệ thuật (các đình, miếu, chùa) và 2 di tích lịch sử.

 

Thành phố Hà Nội có 4 di tích được xếp hạng, trong đó có 3 di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Nhà hát lớn Hà Nội và Quảng trường Cách mạng Tháng Tám thuộc phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm.

 

Trong số 19 di tích có 4 danh lam thắng cảnh được xếp hạng, ở các tỉnh Ninh Bình, Lai Châu, Hà Giang, Hòa Bình.

 

4 di tích còn lại được xếp hạng thuộc tỉnh Thanh Hóa, Bắc Kạn, Quảng Trị, Tiền Giang.

 

 

Theo Ngọc Lan/ GD&TĐ

Tệp đính kèm