Liên hoan trà Quốc tế lần thứ nhất Thái Nguyên-Việt Nam 2011 vừa chính thức khai mạc tại Thái Nguyên. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước; lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương đã tham dự.
Đây là sự kiện tôn vinh, giới thiệu, quảng bá sản phẩm trà Việt Nam nói chung và trà Thái Nguyên nói riêng với bạn hàng, du khách trong nước và quốc tế.
Phát biểu tại Liên hoan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương những thành tựu to lớn mà ngành chè Việt Nam đã đạt được và sự nỗ lực phấn đấu của các Bộ ngành chức năng, các địa phương trồng chè, các nhà khoa học, các doanh nghiệp và đặc biệt là tinh thần vượt khó, cần cù, sáng tạo của hàng triệu nông dân, lao động - những người trực tiếp trồng, chế biến và kinh doanh chè Việt Nam.
Nhấn mạnh tiềm năng và lợi thế phát triển sản xuất kinh doanh chè của nước ta còn rất lớn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho rằng, bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành chè nước ta vẫn còn nhiều khó khăn thách thức cùng với những hạn chế yếu kém cần quan tâm khắc phục.
Bước vào giai đoạn phát triển mới, với mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp Việt Nam phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn ngành chè tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, nỗ lực vượt qua khó khăn thách thức, khắc phục những tồn tại yếu kém đưa ngành chè Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đóng góp thiết thực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, nhất là ở các địa bàn trung du miền núi.
Với tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các Bộ, ngành, các địa phương tăng cường chỉ đạo, thực hiện tốt một số nội dung như cùng với việc phát triển chè theo qui hoạch, phải đẩy mạnh việc áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến trong sản xuất; bố trí lại cơ cấu giống chè phù hợp với từng vùng và thị trường để nâng cao năng suất, chất lượng chè, phấn đấu đưa sản lượng chè búp tươi đạt trên 1 triệu tấn/năm.
Căn cứ vào nhu cầu của thị trường trong nước và thế giới, khẩn trương cơ cấu lại và đa dạng hóa sản phẩm trà; tập trung đầu tư mới và cải tạo nâng cấp các nhà máy chế biến theo hướng hiện đại, sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Tiếp tục tổ chức lại sản xuất theo hướng gắn kết chặt chẽ giữa người trồng chè với các doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát triển ổn định; tăng thu nhập cho người làm chè.
Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người trồng chè, các doanh nghiệp nâng cao nhận thức, thực hiện tốt các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với ngành chè, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, từng bước khẳng định thương hiệu chè Việt. Phấn đấu trong vòng 5 năm tới giá chè xuất khẩu của Việt Nam ngang bằng giá bình quân thế giới, nâng kim ngạch xuất khẩu gấp 2 – 3 lần so với hiện nay.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị các Bộ, ngành, các địa phương tiếp tục quan tâm phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đối với các vùng trồng chè tập trung, gắn với xây dựng nông thôn mới, tạo diện mạo mới cho ngành chè, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Liên hoan trà Quốc tế lần thứ nhất có các hoạt động chính như Lễ khai mạc, Hội thảo quốc tế về cây chè, Triển lãm giới thiệu về đất nước và con người Việt Nam, Lễ hội văn hoá Trà, Cuộc thi Người đẹp xứ Trà, Lễ bế mạc. Các hoạt động phụ trợ bao gồm Hội chợ Thương mại và du lịch Quốc tế; chợ quê ẩm thực; du lịch sinh thái và du lịch về nguồn; hoạt động đua thuyền; giới thiệu văn hoá ẩm thực trà; biểu diễn võ thuật; cờ người; các hoạt động văn hóa nghệ thuật…
Có khoảng 10 quốc gia và vùng lãnh thổ; 30 tỉnh thành trong cả nước, 50 làng nghề truyền thống và 25 doanh nghiệp kinh doanh chè tham gia Liên hoan trà Quốc tế lần thứ nhất. Đây là sự kiện để tôn vinh, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm trà Việt Nam nói chung và Trà Thái Nguyên nói riêng với bạn hàng, du khách trong nước và quốc tế.
Đây còn là dịp giới thiệu văn hóa trà của người Việt Nam, tạo sự hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư xúc tiến các hoạt động liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư, đặc biệt là phát triển sản xuất cây chè, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chè.
Nước ta có điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất kinh doanh chè, nhất là ở các địa bàn miền núi, trung du. Cây chè đã được trồng ở Việt Nam từ lâu đời, hiện nay đã được phát triển ở 34 tỉnh, thành phố trong cả nước, với diện tích trên 130 nghìn ha.
Nhiều vùng sản xuất chè tập trung, gắn với công nghiệp chế biến các sản phẩn trà nổi tiếng đã được hình thành ở Thái Nguyên, Lâm Đồng, Phú Thọ, Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Sơn La… Sản phẩm trà ngày càng đa dạng, chất lượng được nâng lên, không những đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn được xuất khẩu tới trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, năm 2010 xuất khẩu trên 135 nghìn tấn, kim ngạch đạt gần 200 triệu USD.
So với 20 năm trước đây diện tích gieo trồng chè tăng lên gấp gần 2,5 lần, năng suất gấp 2,2 lần, sản lượng gấp 6 lần và kim ngạch xuất khẩu gấp 8 lần. Việt Nam đã đứng thứ 5 trên thế giới về sản lượng sản xuất và xuất khẩu trà.
Nguyễn Hoàng – Nhật Bắc
Theo Chinhphu.vn