Hình ảnh người phụ nữ Việt đã có mặt trong các tác phẩm văn chương nghệ thuật từ buổi đầu khai sinh ra nền văn chương nghệ thuật cách mạng. Nhưng cũng phải chờ đến ngày 8/3/2012, khán giả trong và ngoài nước mới được chứng kiến vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam theo một cách nhìn mới qua Ngọc Viễn Đông. Bộ phim đã đoạt giải Nhạc phim hay nhất và Phim có cảnh quay đẹp nhất tại lễ trao giải lần thứ 14 của California Independent Film Festival ngày 11/2/2012 tại San Francisco (Mỹ).
Mới về ý tưởng
Ngọc Viễn Đông là một liên hoàn gồm 6 phim ngắn do Cường Ngô đạo diễn. Trước đây anh đã từng gặt hái được một số thành công từ bộ phim ngắn đầu tay như Kẻ nhờ đường. Đến Cây trâm vàng, anh đoạt giải Phim hay nhất tại Liên hoan phim Toronto (Canada) 2009, đồng thời đoạt giải nhì Phim châu Á hay nhất về chủ đề đồng tính.
Lần này, Cường Ngô thay vì chỉ sản xuất một phim ngắn độc lập, anh chuyển sang làm luôn một seri gồm 6 phim ngắn cùng một đề tài về người phụ nữ Việt Nam. Ngọc Viễn Đông là những câu chuyện kể khác nhau về người phụ nữ Việt qua những vẻ đẹp trong đời sống nội tâm của từng người. Tất cả đều dựa vào các truyện ngắn Trăng huyết, Sắc, Ký sự người đàn bà bị chồng bỏ, Gói Cẩm Lệ, Hai bên núi Ái của nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc.
Ý tưởng thực hiện một bộ phim về người phụ nữ Việt Nam bắt nguồn bởi cuộc gặp gỡ tình cờ giữa Cường Ngô và NSND Như Quỳnh khi chị đang cùng đoàn làm phim Sài gòn nhật thực vào năm 2007. Anh cho biết: “Khi quan sát lối diễn xuất của chị Như Quỳnh, tôi cảm thấy bên trong vẻ đẹp rất trang nhã và tinh tế của người phụ nữ Hà Nội này là một quả núi lửa đang tiềm ẩn. Ý định viết kịch bản phim dành cho Như Quỳnh nảy ra từ đó”. Đối với anh, làm một seri phim về đề tài phụ nữ trước hết là để trả ơn trả nghĩa cho bà, mẹ, chị và các bạn gái, bởi lẽ họ không chỉ là những người phụ nữ biết làm tốt thiên chức của mình mà hơn thế, họ còn đem lại nguồn cảm hứng bất tận cho văn chương nghệ thuật.
Làm một seri gồm nhiều phim ngắn gộp lại chứ không phải là 6 tập của một bộ phim là một ý tưởng mới, táo bạo. Mỗi phim có nội dung cốt truyện khác nhau, có các nhân vật chính hoàn toàn độc lập với nhau, nhưng lại xâu chuỗi vào một đề tài. Sáu nhân vật chính trong Ngọc Viễn Đông là sáu cảnh đời, sáu số phận mà trong quãng thời gian 50 năm trở lại đây, người phụ nữ Việt đã từng trải qua, nhưng lại không ai giống ai.
Lạ về phong cách, lớn về qui mô
Ngọc Viễn Đông được kết cấu bởi 6 phim ngắn liên hoàn đều bắt đầu bằng chữ “T”: Tặng phẩm, Thời, Thuyền, Thực và mộng, Thơ, Trăng huyết. Mỗi chương do một nữ nghệ sĩ đảm trách như: nghệ sĩ Kiều Chinh, NSND Như Quỳnh, Ngô Thanh Vân, Hồng Ánh, Trương Ngọc Ánh, bé Phương Quỳnh (10 tuổi). Nhưng điều quan trọng là sợi dây xuyên suốt và toát lên trong cả bộ phim là nét đẹp tiềm tàng ẩn chứa trong thẳm sâu tâm hồn người phụ nữ Việt qua nhiều thế hệ, nhiều hoàn cảnh khác nhau. Đấy là nét đẹp truyền thống từ bao đời nay của phụ nữ Việt Nam.
Nam diễn viên trong chùm Ngọc Viễn Đông có sự góp mặt của nhiều gương mặt nghệ sĩ gốc Việt và các nghệ sĩ nước ngoài. Còn đoàn làm phim có thể nói là cũng thật sự “lạ” bởi một tập thể gồm người của nhiều nước tham gia như: Giám đốc nghệ thuật: Chuck (người Mỹ gốc Campuchia); Quay phim chính: người Nga; Trợ lý đạo diễn kiêm biên tập là một cô gái người CH Séc Patricia; Trợ lý đạo diễn: cô Maria (người Ý); Chuyên gia ánh sáng: Chris, Jerry và Mike (người Canada); Phục trang là Soo Luen (người Mỹ gốc Hoa)… Phim được quay ở hầu hết những địa danh nổi tiếng của Việt Nam như: Sa Pa, Đà Lạt, Hội An, Phan Thiết, Mũi Né... và làm hậu kỳ tại Toronto, Canada.
Việc sử dụng tất cả diễn viên nữ chính là các nghệ sĩ Việt và nhiều diễn viên nam đến từ các quốc gia khác nhau cũng như sự trải rộng của các cảnh quay khắp đất nước Việt Nam là vừa đem đến sự lạ về phong cách thể hiện, vừa lớn về qui mô sản xuất và là cách tốt nhất để tôn thêm vẻ đẹp của phụ nữ Việt.
Không biết Ngọc Viễn Đông có mở ra một hướng đi mới cho điện ảnh Việt, nhưng chắc chắn đây là món quà đầy ý nghĩa dành tặng chị em phụ nữ nhân ngày lễ của mình năm con Rồng này.
Theo Viên An/SK&ĐS Online