Tại một cuộc hội thảo gần đây về bảo tồn và phát huy di sản văn hoá trong quá trình hiện đại hoá, một nhóm tác giả đã công bố dự án nghiên cứu với chủ đề trên, và cho rằng việc tiến hành xếp hạng di sản theo ba cấp như hiện nay là nguyên nhân làm suy giảm, biến dạng nội dung, ý nghĩa thực hành văn hoá. Thực ra có đúng như vậy không hay ở đây đã có sự nhầm lẫn?
Cũng từ nhận định, đánh giá như trên của một nhóm nghiên cứu nên trong quá trình diễn ra hội thảo đã xuất hiện không ít ý kiến “tranh cãi” nên hay không nên tiếp tục xếp hạng di tích như hiện nay? Thậm chí có ý kiến khá gay gắt khi cho rằng, việc xếp hạng di tích theo ba cấp (tỉnh, thành phố, quốc gia và quốc gia đặc biệt) mà chúng ta đã, đang thực hiện là sai lầm, hoặc trái với các công ước của UNESCO (!?).
Nhóm tác giả chưa nắm rõ Luật?
Không hiểu nhóm nghiên cứu dự án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá trong quá trình hiện đại hoá đã dựa vào điều tra, khảo sát và đánh giá nào để đưa ra nhận định, việc xếp hạng di sản theo ba cấp hiện nay để định hướng cho việc quản lý, đầu tư là một trong những nguyên nhân tạo ra sự suy giảm, biến dạng nội dung, ý nghĩa của một số thực hành văn hoá. Rồi nữa, công tác xếp hạng di sản văn hoá, trong đó có di sản văn hoá phi vật thể đã tạo ra sự mất cân đối và thiên lệch trong việc đầu tư trùng tu, tu bổ, tôn tạo và bảo vệ di sản văn hoá. Trong khi đó, nhóm nghiên cứu dự án này chủ yếu thiên về điều tra, nghiên cứu di sản văn hoá phi vật thể và chỉ có một trường hợp duy nhất là di tích tháp bà Poh Nagar ở Khánh Hoà.
Tìm hiểu kỹ hơn về bản báo cáo dự án này, chúng tôi được biết trước khi trình ra hội thảo lấy ý kiến các nhà nghiên cứu, giới quản lý, nhóm tác giả đã tham vấn một số chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn di sản nhằm hoàn thiện một bước cho bản báo cáo dự án. Một chuyên gia cho biết, sau khi đọc kỹ dự thảo báo cáo dự án, ông cho rằng nhóm tác giả đã hơi bị nhầm lẫn giữa di sản văn hóa vật thể và di sản văn hoá phi vật thể. Nói cách khác, trong dự thảo báo cáo dự án, nhóm tác giả chỉ dùng chung một khái niệm là di sản văn hoá chứ chưa tách bạch giữa di sản văn hoá vật thể là đình, chùa, miếu, mạo… với di sản văn hoá phi vật thể là các làn điệu dân ca, dân vũ, hội hè, đình đám... “Tôi đã đề nghị là cần phải phân định rõ ràng chứ không nên nói chung chung là di sản văn hoá, vì viết ra như vậy sẽ gây nên nhiều cách hiểu khác nhau, thậm chí là hiểu lầm”, vị chuyên gia này cho biết. Cũng chính bởi thế, trong báo cáo cho rằng chúng ta đã, đang tiến hành xếp hạng di sản văn hoá phi vật thể, trong khi đó cho đến thời điểm hiện nay luật hiện hành quy định là không tiến hành xếp hạng di sản văn hoá phi vật thể. Nhận định như vậy là chưa nắm rõ quy định của Luật Di sản văn hoá.
Nhằm chỉ ra rõ hơn về những quy định trong luật, vị chuyên gia này cho biết trong quá trình thảo luận để sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hoá đã xuất hiện hai luồng ý kiến. Thứ nhất cần phải tiến hành kiểm kê và xếp hạng di sản văn hoá phi vật thể. Còn ý kiến ngược lại là không nên xếp hạng vì nhiều lý do chủ quan lẫn khách quan. Để có quyết định cuối cùng, Ban soạn thảo đã phải có văn bản gửi UNESCO xin ý kiến nên hay không nên xếp hạng di sản văn hoá phi vật thể, và tổ chức này trả lời là: không nên vì nó rất nhạy cảm. Bởi thế, trong luật hiện nay đã quy định là không xếp hạng di sản văn hoá phi vật thể mà chỉ tiến hành điều tra, khảo sát, kiểm kê và đưa vào danh mục để bảo tồn và phát huy giá trị. Nhưng không hiểu sao, trong bản báo cáo nhóm tác giả vẫn mạnh dạn viết là việc xếp hạng di sản văn hoá phi vật thể dẫn đến điều này, điều kia?
Trước sự xuống cấp nghiêm trọng, hơn nữa đình Chu Quyến (Ba Vì, Hà Nội) lại chứa đựng nhiều giá trị kiến trúc nghệ thuật nên đã được Nhà nước quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo. Trong ảnh: Nhân dân trong vùng nô nức đến dự lễ khánh thành trùng tu di tích này
Đầu tư di tích không thể "rải mành mành"
Có hay không việc xếp hạng di tích theo ba cấp như hiện nay là nguyên nhân tạo ra sự suy giảm và biến dạng nội dung cũng như ý nghĩa của một số thực hành văn hoá? Và có hay không việc tiến hành xếp hạng di tích là một trong những thách thức về bảo tồn và phát huy di sản văn hoá? Trao đổi với nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực bảo tồn di tích về vấn đề này, họ cho rằng những nhận định trên là thiếu cơ sở khoa học cũng như tính pháp lý. Trong kho tàng di sản văn hoá, ông cha ta và các thế hệ tiền bối đã để lại cho hậu thế hàng chục vạn di tích lịch sử, kiến trúc và di tích lịch sử cách mạng và kháng chiến. Trải qua thời gian cộng với biến thiên của lịch sử, nhiều di tích đã bị biến dạng, hoặc trở thành phế tích. Kể từ đợt xếp hạng đầu tiên cách đây nửa thế kỷ và đặc biệt hơn hai mươi năm trở lại đây, chúng ta đã tiến hành điều tra, khảo sát, đánh giá và tiến hành lập hồ sơ xếp hạng theo ba cấp theo đúng quy định hiện hành của pháp luật.
Việc xếp hạng di tích là nhằm nhận diện một cách chân xác các giá trị của di tích, đồng thời qua đó có biện pháp bảo vệ đi liền công tác đầu tư, bảo tồn và phát huy giá trị theo quy định của Nhà nước. Trong hàng chục vạn di tích lịch sử, văn hoá, kiến trúc nghệ thuật và di tích lịch sử cách mạng và kháng chiến, chúng ta đã dần xác lập được các giá trị của di tích, theo đó xây dựng lộ trình đầu tư bảo tồn, tôn tạo di tích. Nếu không tiến hành xếp hạng thì rất khó nhận diện được giá trị di tích, rất khó ngăn chặn được tình trạng xâm phạm, đồng thời cũng rất khó triển khai lộ trình đầu tư theo hướng cái nào có giá trị quan trọng, độc nhất thì làm trước, cái nào có mức độ xuống cấp vừa phải thì làm sau. Cũng nhờ cách làm này mà hàng nghìn di tích có giá trị thoát khỏi tình trạng xuống cấp, nhiều di tích được tu bổ, tôn tạo xứng tầm với giá trị của cha ông để lại. Ngoài ra, việc xếp hạng là nhằm ngăn chặn sự xâm phạm cả về không gian, cảnh quan kiến trúc của di tích, đồng thời đây cũng là cơ sở quan trọng để các cơ quan chức năng quản lý, kiểm tra và giám sát.
Không thể nói, quan điểm và phương pháp “bảo tồn có chọn lọc” của cơ quan nhà nước là làm giảm đi giá trị di tích, làm suy giảm nội dung và ý nghĩa thực hành văn hoá, vì chúng ta không thể cùng một lúc “rải mành mành” đầu tư cho các di tích mà qua điều tra, xếp hạng để có biện pháp đánh giá cái nào cần làm trước, cái nào làm sau. Sau khi những di tích đã được xếp hạng, đầu tư bảo tồn thì không những không làm suy giảm nội dung và ý nghĩa thực hành mà còn nhân lên. Bởi sự can thiệp của việc trùng tu, tôn tạo là vào tổng thể kiến trúc chứ ít ảnh hưởng đến nội dung hoạt động của di tích. Thứ nữa, việc xếp hạng di tích, theo đó xây dựng kế hoạch đầu tư không chỉ có nước ta mới triển khai mà nhiều quốc gia trên thế giới mà gần đây là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều triển khai, tuy hình thức có khác nhau. Nói rộng hơn, việc UNESCO tiến hành xem xét, thẩm định hồ sơ của quốc gia ứng cử di sản văn hoá sau đó công nhận thì cũng được xem là một hình thức xếp hạng di sản văn hoá. Trong các công ước của UNESCO về bảo tồn di tích và di sản thiên nhiên không có điều khoản nào cấm các nước thành viên tham gia công ước không tiến hành xếp hạng di tích. Vì thế, không thể nói rằng, việc tiến hành xếp hạng di tích là trái với các công ước của UNESCO.
Theo Nguyễn Hòa/ Văn hóa Online