Cập nhật: 24/03/2012 10:31:10 Article Rating
Xem cỡ chữ

Chương trình hành động bảo tồn và phát huy “Tín ngưỡng thờ Hùng Vương của người Việt ở tỉnh Phú Thọ” do tỉnh Phú Thọ triển khai nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của tín ngưỡng thờ Hùng Vương của người Việt ở Phú Thọ với tư cách là một di sản văn hóa phi vật thể mang tầm vóc của nhân loại, một động lực tinh thần, hành trang quý giá của người dân Phú Thọ cũng như cả nước.

Chương trình được thực hiện qua 15 chương trình cụ thể như hoàn thiện kết quả kiểm kê khoa học tín ngưỡng thờ Hùng Vương của người Việt ở Phú Thọ, cập nhật hàng năm; mở rộng địa bàn kiểm kê khoa học về tín ngưỡng thờ các vua Hùng với các di tích trên địa bàn cả nước và một số di tích trọng điểm thờ vua Hùng ở nước ngoài;

 

Sưu tầm, nghiên cứu các nghi thức, trò diễn liên quan đến tín ngưỡng thờ Hùng Vương của người Việt ở Phú Thọ ở các làng quê trên địa bàn; lập danh sách những người thực hành tín ngưỡng thờ các vua Hùng ở các làng xã thuộc tỉnh Phú Thọ; sưu tập, phân loại, dịch ra chữ quốc ngữ các ngọc phả, văn bia, thần tích, sắc phong liên quan đến tín ngưỡng thờ Hùng Vương của người Việt ở Phú Thọ ở các làng, các tư liệu tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung… ở nước ngoài để lưu trữ và phục vụ cho việc tiếp cận của cộng đồng;

 

Bảo tồn, tôn tạo những di sản vật thể ở đền thờ vua Hùng ở các làng thuộc tỉnh Phú Thọ; hỗ trợ cộng đồng tổ chức các nhóm truyền dạy, nghi lễ, trò diễn, các thực hành xã hội của tín ngưỡng thờ Hùng Vương của người Việt ở Phú Thọ...

 

Cục Di sản Văn hóa, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Vụ Phổ thông, Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cải tiến nâng cao chất lượng giờ dạy về các truyền thuyết liên quan đến tín ngưỡng thờ Hùng Vương của người Việt ở Phú Thọ trong chương trình các môn học lịch sử, ngữ văn ở các cấp học...

 

Ông Nguyễn Xuân Các - Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng cho biết bảo tồn và phát huy “Tín ngưỡng thờ Hùng Vương của người Việt ở tỉnh Phú Thọ” thông qua việc Giỗ tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng hàng năm được tổ chức một cách trọng thể trang nghiêm vì mục tiêu "Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; xây dựng một xã hội có đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh mang đậm ý nghĩa nhân văn sâu sắc, biết ơn các Vua Hùng và những anh hùng dân tộc đã có công dựng nước và giữ nước trong lịch sử vẻ vang của dân tộc.

 

Bên cạnh đó, tỉnh Phú Thọ tiếp tục củng cố hồ sơ “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” đệ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại...

 

Tỉnh Phú Thọ đã lập đề án, kiểm kê di sản tín ngưỡng thờ Hùng Vương theo hướng dẫn của UNESCO theo 2 đợt, tư liệu hóa tư liệu sưu tầm tại 226 địa điểm thờ Hùng Vương trong tỉnh, thông qua Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia hồ sơ “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” và có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho phép nộp hồ sơ. Tỉnh cũng tổ chức thành công Hội thảo "Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong xã hội đương đại - nghiên cứu trường hợp tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam", quy tụ hơn 400 học giả đến từ Mỹ, Pháp, Nhật, Trung Quốc... và gần 100 nhà khoa học trong nước trao đổi về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và thờ cúng tổ tiên./.

 

 

 

Theo Tạ Văn Toàn/TTXVN

Tệp đính kèm