Biết là sân khấu thiếu vắng những chương trình dành cho thiếu nhi, khán giả “nhí” sẽ là khán giả cho sân khấu tương lai… nhưng vì sao các đơn vị nghệ thuật từ Nhà nước cho đến tư nhân chẳng mấy mặn mà với địa bàn đang bị bỏ ngỏ này?
Tại Hội thảo “Sân khấu dành cho thiếu nhi hôm nay” do Viện Sân khấu - Điện ảnh Trường ĐHSKĐAHN phối hợp với nhóm nghệ sĩ Xuân Bắc – Tự Long tổ chức, rất nhiều những tiếng nói tâm huyết từ nhà lãnh đạo đơn vị cho tới nghệ sĩ đã cho thấy những cái khó và day dứt của người làm nghệ thuật khi để trống một địa bàn khán giả tiềm năng như vậy.
Tại hội thảo, bên cạnh những tên tuổi gắn bó với sân khấu thiếu nhi hàng chục năm qua như đạo diễn NSND Phạm Thị Thành, NSƯT Minh Vượng, NSƯT Tuấn Hải có thêm những gương mặt nghệ sĩ trẻ như Xuân Bắc, Tự Long, Tiến Dũng, Như Lai… Ở mỗi góc độ, các nghệ sĩ đã bộc bạch hết những tâm can của mình khi làm nghệ thuật phục vụ thiếu nhi.
NSƯT Minh Vượng chia sẻ: “60 tuổi rồi nhưng tôi thấy rất tự hào khi diễn cho các em nhỏ, các em gọi tôi như một người bạn: “A, chào Minh Vượng”. Vì yêu sân khấu cho thiếu nhi mà tôi sẵn sàng cộng tác và viết kịch bản, dàn dựng cho mọi loại hình sân khấu. Đơn giản vì tôi hiểu rằng một tiểu phẩm 25 phút thôi nhiều khi còn có tác dụng với các em hơn cả các bài rao giảng về đạo đức. Tôi cảm ơn Nhà hát Chèo Hà Nội vừa qua đã cho tôi được cộng tác dàn dựng các chương trình sân khấu cho thiếu nhi. Dựng sân khấu cho thiếu nhi phải có cái tâm và vì vậy không thể tính được bằng doanh thu, cái được chính là ở việc kéo các em đến với sân khấu". NSƯT Thúy Mùi, Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội chia sẻ: “Biết là cần thiết, biết là thiếu vắng, biết là tầm nhìn cần hướng tới trẻ em… nhưng những cái biết ấy cũng kèm theo biết bao những khó khăn cho những người làm nghề khi xây dựng chương trình cho thiếu nhi, nên các đơn vị nghệ thuật đều chẳng mấy mặn mà là điều không lạ. Khi đầu tư xây dựng chương trình lại đối mặt với những khó khăn khác như kịch bản đến đạo cụ, phục trang, biên đạo, âm nhạc… Chưa có bất kể một hình mẫu nào của thiếu nhi cho các thể loại nghệ thuật sân khấu VN từ trước tới nay nên không thể tránh khỏi việc các chương trình bị chắp vá, rời rạc, đầu voi đuôi chuột và người xây dựng thì phải loay hoay, lúng túng. Tuy khó khăn nhưng không có nghĩa là khoanh tay bỏ cuộc. Vì vậy chúng tôi phải giải bài toán quen thuộc trong kinh doanh là “cân đối thu chi” để xây dựng các chương trình cho trẻ em”.
Quả thực cứ mỗi dịp 1.6 hay tết Trung thu, phụ huynh và các cơ quan, đoàn thể xã hội mới có nhu cầu “vọng” đến nghệ thuật sân khấu để mua vé phục vụ cho con em mình đi xem. Liệu có nhà hát, nhóm nghệ sĩ nào mạnh dạn xây dựng những chương trình đầu tư quy mô về kinh phí và chất lượng nghệ thuật chỉ để diễn cho vài ngày rồi lại "xếp xó" hay không? Đạo diễn – NSƯT Lê Chức, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN cho biết: “Có hai loại hình nghệ thuật sân khấu gần với đối tượng thiếu nhi là xiếc và múa rối. Tôi thấy tình hình cũng không sáng sủa gì hơn do cơ chế cào bằng chỉ tiêu kế hoạch và đầu tư thiếu trọng điểm. Hấp dẫn bao năm là xiếc thú thì lâu lắm rồi không có tiết mục mới. Rối cạn, rối que, rối bóng, rối dây đã ngả nón chào thua rối nước vì rối nước mới làm ra doanh thu và dường như đó là đặc sản văn hóa dành cho người nước ngoài. Người Việt và nhất là trẻ em VN đã như là “loại khách xem ghé” , “đi xe ôm thôi”! Khi làm việc với Bộ GD&ĐT, chúng tôi đề nghị đưa nghệ thuật sân khấu vào nhưng câu trả lời là các em học sinh đã đủ gánh nặng rồi. Thế nên có những trường hợp khi chúng tôi diễn cải lương phải đi từ 3 – 4 giờ sáng để diễn cho các cháu trước giờ học. Chưa tỉnh ngủ đã phải nghe làn thảm… thử hỏi làm sao các em có thể tiếp thu được những tinh hoa của sân khấu? Chúng tôi rất mong những ý kiến tâm huyết của các nghệ sĩ sẽ được biến thành những biện pháp để tác động cho sân khấu sáng tạo ra những tác phẩm phù hợp hấp dẫn trẻ em, đồng thời cũng mong các cơ quan nhà nước quan tâm đầu tư cho các chương trình nghệ thuật lớn dành cho thiếu nhi”.
Mặc dù các chương trình của nhóm hài Xuân Bắc và Tự Long trong các dịp ngày tết thiếu nhi thường sốt vé, nhưng bản thân nghệ sĩ Xuân Bắc vẫn còn nhiều trăn trở muốn làm những chương trình hay hơn, quy mô hơn nhưng vấn đề là các đơn vị, các nghệ sĩ rất cần những nguồn vốn đầu tư để thử nghiệm cho các hình thức tiếp cận mới trong các loại hình sân khấu với đề tài dành cho thiếu nhi. Với khả năng của một nhóm tư nhân thì rất khó để các nghệ sĩ xây dựng được các chương trình nghệ thuật quy mô, mới lạ.
Cần có sự đầu tư thích đáng đối với các chương trình nghệ thuật dành cho thiếu nhi; Cần thay đổi cơ bản nhận thức khi sáng tạo chương trình cho trẻ em; Cần có một nhà hát dành riêng cho thiếu nhi để đỏ đèn thường xuyên là nơi tụ họp những nghệ sĩ tâm huyết gắn bó với mảng đề tài này; Sân khấu không chỉ trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước mà cần thu hút sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế vì trẻ em để dàn dựng các chương trình và hàng loạt vấn đề được đặt ra tại hội thảo lần này. Tuy nhiên có một vấn đề lớn hơn cả đó là rất mong các nhà hát, các đơn vị ngoài việc dựng những vở diễn tâm lý xã hội, những chương trình hài cho người lớn để lo doanh thu thì cũng cần có sự đầu tư cho các tác phẩm dành cho thiếu nhi".
Hiện nay sân khấu có tới 83 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp với đủ các loại hình nghệ thuật như kịch nói, tuồng, chèo, dân ca, kịch, xiếc, múa rối… nhưng tại sao sân khấu dành cho thiếu nhi vẫn là khoảng trống đối với cả 63 tỉnh, thành trên cả nước? Nhìn thẳng vào thực tế thì trách nhiệm đầu tiên vẫn là từ các cơ quan quản lý nhà nước, chúng ta chưa có chiến lược nào cho sân khấu thiếu nhi, chưa có văn bản nào đề nghị các đơn vị công lập hướng vào các chương trình sáng tạo đáp ứng nhu cầu thưởng thức và thị hiếu thẩm mỹ của trẻ em tại địa bàn. Trách nhiệm thứ hai thuộc về chính bản thân các đơn vị nghệ thuật vì họ chưa dám xây dựng các chương trình nghệ thuật dành cho thiếu nhi đơn giản vì còn phải dựng các chương trình đạt lợi nhuận hơn. (Ông Nguyễn Đăng Chương – Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn)
Theo Thúy Hiền/ Văn Hóa Online