Theo các nhà khoa học của Trung tâm nghiên cứu kinh thành- đơn vị được mời giám định chiếc hộp, bảo vật chắc chắn có niên đại từ thời Trần, khoảng thế kỷ 14.
Trong khi thi công mở rộng đường từ Trại Lốc lên di tích chùa Ngoạ Vân trên núi Yên Tử, nhà sư Thích Quảng Hiển tình cờ phát hiện một chiếc hộp kim loại màu vàng do máy xúc đào lộ ra từ sườn một quả đồi thấp, thuộc khu vực xã An Sinh, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Nhà sư Thích Quảng Hiền đã trao hiện vật này cho UBND huyện Đông Triều quản lý.
Chiếc hộp này được chế tác hoàn toàn bằng vàng ta, có trọng lượng tương đương khoảng 15,04 chỉ vàng, có dáng hình cầu, thân tạo múi dáng 11 cánh sen mềm mại, giống như bông sen đang độ khai mãn. Hộp còn nguyên cả nắp.
Giữa nắp là một đài sen được tạo tác rất công phu với 4 lớp, diềm cánh xếp vòng tròn đồng tâm. Chính giữa tâm nắp hộp là núm nắp được tạo tác như đài sen nhỏ và xen kẽ giữa các lớp cánh sen là đường chỉ nổi và diềm văn chấm tròn như nhụy hoa.
Theo các nhà khoa học của Trung tâm nghiên cứu kinh thành- đơn vị được mời giám định chiếc hộp, bảo vật chắc chắn có niên đại từ thời Trần, khoảng thế kỷ 14 và nhiều khả năng chiếc hộp này được chế tác bởi các thợ kim hoàn khéo tay tại kinh thành Thăng Long. Chiếc hộp hình hoa sen bằng vàng vừa tìm thấy là phát hiện khảo cổ học hết sức quan trọng, có ý nghĩa lớn trong việc nghiên cứu về lịch sử, văn hóa nhà Trần.
Đươc biết, Đông Triều là nơi vương triều Trần chọn làm nơi xây dựng quần thể lăng mộ của các vua nhà Trần từ sau năm 1320.
Dự kiến, chiếc hộp vàng hình hoa sen sẽ được trưng bày tại khu di tích đền An Sinh phục vụ cho việc quảng bá giá trị lịch sử, văn hoá nhà Trần đến công chúng./.
Theo VOV News