Cập nhật: 16/08/2012 17:30:17 Article Rating
Xem cỡ chữ

"Đông chưa chắc đã vui ", đó có thể là nhận định chung nhất cho kết quả của đoàn thể thao Việt Nam tại Olympic London 2012 vừa qua. Một lần nữa, cách thức đánh giá và đầu tư trọng điểm của các cơ quan có trách nhiệm lại là chủ đề được đem ra để phân tích. Để hướng đến tương lai…

Ngay sau khi các vận động viên (VĐV) của đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) kết thúc một số môn thi đấu tại Olympic 2012 mà không đem về tấm huy chương nào, nguyên Vụ trưởng vụ thể thao thành tích cao, Nguyễn Hồng Minh, đã có một phát biểu có thể khiến rất nhiều người không thấy thoải mái, rằng: “Không đâu chuẩn bị cho Olympic như thể thao Việt Nam”.

 

Đánh giá, phân tích và chuẩn bị thế nào, đã có rất nhiều thông tin được báo giới cũng như các nhà chuyên môn đưa ra. Tất cả, có lẽ, chỉ để cùng đi đến một kết luận: “Quả là có vấn đề ngay từ khi bắt đầu”.

 

Sau khi các thành viên của đoàn TTVN về nước, lãnh đạo Tổng cục Thể dục thể thao, đại diện Ủy ban Olympic đều có những phát biểu, những lý giải cho một kỳ Olympic không huy chương. Trên khía cạnh nào đó, việc VĐV không có huấn luyện viên trong một thời gian, không có điều kiện tập luyện tốt nhất, dựa trên những lý do có thể hiểu được và có thể thông cảm. Nhưng vấn đề ở chỗ, đánh giá từ lãnh đạo Tổng cục cũng như Ủy ban Olympic về đấu trường Thế vận hội đã không đúng với thực lực. Nói ví von thì TTVN đã có phần “mơ mộng” về sự khắc nghiệt của một đấu trường lớn như Olympic.

 

Nếu như các cuộc tranh tài tại SEA Games có thể chỉ là sự đầu tư ngắn hạn vào các VĐV thì với Olympic, đó phải là sự đầu tư dài hạn, có trọng điểm thay vì dàn trải.

 

Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, TTVN vẫn còn ở một trình độ quá xa so với Olympic, thế nên, nếu bắt đầu tính từ kỳ Olympic 2000 ở Sydney (Australia) mà TTVN “bất ngờ” có được tấm HCB của VĐV Taekwondo Trần Hiếu Ngân, sự gia tăng về mặt số lượng các VĐV qua những năm 2004, 2008 và 2012 là rất đáng khích lệ.

 

Năm 2000, có 7 VĐV, năm 2004 ở Athens có 11 VĐV, năm 2008 ở Bắc Kinh có 13 VĐV và năm nay là 18 VĐV. Trong 4 kỳ Olympic này, ngoài HCB năm 2000, TTVN còn có 1 HCB khác cách đây 4 năm của lực sĩ Hoàng Anh Tuấn. Điều đó cho thấy, khi bước ra “biển lớn” thì con thuyền mang tên TTVN cũng chỉ mang theo “hy vọng” về huy chương chứ chưa phải là “mục tiêu”.

 

Ở London 2012, Trần Lê Quốc Toàn (Cử tạ) và Hoàng Xuân Vinh (Bắn súng) đã ở rất gần với HCĐ, qua đó để lại sự tiếc nuối. Nhưng cũng qua 2 thất bại đó, có thể nhận thấy 2 vấn đề.

 

Thứ nhất, TTVN thiếu sự tính toán về mặt chiến lược, thiếu thông tin về đối thủ, trong khi thực lực của VĐV mình đã được bộc lộ rõ (với Quốc Toàn).

 

Thứ hai, tâm lý thi đấu vẫn còn quá yếu. Với Quốc Toàn, Xuân Vinh hay kể cả Nguyễn Tiến Minh (Cầu lông), việc đổ lỗi cho… cổ động quá to, khoảnh khắc “lỏng tay” hay đối thủ bất ngờ đánh “sung” là khó chấp nhận được. Chỉ có VĐV đấu kiếm Nguyễn Tiến Nhật được cho là có tâm lý thoải mái nhất vì không phải chịu sức ép trước đối thủ quá mạnh.

 

Ghi nhận những nỗ lực của các VĐV, trong đó có những người phá kỷ lục của chính mình tại giải quốc gia, tại Olympic 2012 nên nói như Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam, Hoàng Vĩnh Giang, “dùng 2 từ "thất bại" là sự xúc phạm đối với những cố gắng của các VĐV”.

 

Vậy thì 2 từ “thất bại” có nên dùng cho các vị lãnh đạo? Vì trắng tay ở một sự kiện mà TTVN có đông đảo VĐV nhất từ trước đến nay không thể nói là “thất bại” !?

 

 

Theo Bảo Nguyên/ Báo điện tử ĐCSVN

Tệp đính kèm