Chùa Động Lâm còn gọi là chùa Hạ, thuộc xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương, cách thành phố Vĩnh Yên (tỉnh lỵ Vĩnh Phúc) 4km về phía Tây Bắc theo đường quốc lộ số 2. Chùa Động Lâm được tạo dựng không chỉ là nơi tu hành của các tín đồ Phật giáo mà một thời còn là trung tâm sinh hoạt làng xã trong hoàn cảnh đất vua, chùa làng thời phong kiến. Đây là ngôi chùa tiêu biểu cho tín ngưỡng tôn giáo kết hợp với tín ngưỡng bản địa và triết lý Phương Đông.
Chùa được xây dựng ở giữa khu dân cư trù phú, phía trước có hồ nước rộng. Tam quan chùa có gác chuông, ở đây lưu giữ một quả chuông lớn Động Lâm tự chung đúc năm Minh Mệnh thứ 5 (1824) ghi tên những người công đức tu sửa chùa. Sân chùa có một bia đá tạo thời Lê Trung Hưng niên hiệu Đức Long (1629), diềm bia chạm khắc những hình hoa văn mang đặc trưng của nghệ thuật thế kỷ XVII. Điều đó có thể cho phép chúng ta đoán định rằng chùa được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVII, đã trùng tu lớn vào thời Nguyễn (thế kỷ XIX) và hiện nay gồm 2 tòa: Bái đường và thượng điện, bố cục kiến trúc theo kiểu chữ “đinh”.
Giá trị tiêu biểu ở chùa Động Lâm là nghệ thuật tạc tượng tròn của các nghệ nhân dân gian từ những thế kỷ trước. Hệ thống tượng đẹp và khá phong phú bao gồm cả tượng Phật, tượng Thần. Toàn bộ hệ thống tượng được sơn son thếp vàng, màu sắc hài hòa, được bài trí trong thượng điện theo thứ tự từng lớp từ cao xuống thấp, ở giữa sang hai bên tả hữu, gồm các tượng: Tam thế, Di Đà tam tôn, Tuyết Sơn, Ngọc Hoàng, Thích Ca Cửu Long, Quan Âm Thiên thủ Thiên nhãn (hay Quan Âm Nam Hải), Quan Âm Tọa Sơn, Tứ Bồ Tát, Thập Điện Diêm Vương, Thánh Tăng, Đức Ông...Tiêu biểu nhất là bức tượng Quan âm Thiên thủ Thiên nhãn được tạc bằng gỗ, cao 2,7m, hiện đang được trưng bày ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (pho Quan Âm Nam Hải hiện ở chùa là bản sao). Đây là bức tượng lớn nhất và có niên đại sớm nhất của chùa. Tượng được tạc rất đẹp, ngồi thiền trên tòa sen, đội tòa sen là đầu người có khuôn mặt hình thủy quái, tất cả được đặt trên đế hình lục lăng chia làm 3 tầng trang trí tỉ mỉ, chau chuốt. Toàn bộ phần tượng và đế là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc gỗ tài tình, hài hòa cả về nội dung và hình thức, với trình độ kỹ thuật tinh xảo, hoàn mỹ, mang sinh khí của nghệ thuật phật giáo thế kỷ XVII.
Bên cạnh đó, ở chùa Động Lâm, hình tượng Quan Âm Tọa Sơn bồng một đứa bé (vì thế còn gọi là Quan Âm Tống Tử) với Kim Đồng và Ngọc nữ ở hai bên đã được dân gian hóa thành hình ảnh Quan Âm Thị Kính hay còn có tên gọi khác là Mụ Thiện, tượng này mang phong cách thời Lê xuất hiện từ khoảng thế kỷ XVII. Cũng khoảng thời gian này, chùa Động Lâm có các tượng tứ Bồ Tát (ái, Ngữ, Sách và Quyền Bồ Tát), tượng đứng trên tòa sen, đầu đội mũ thất phật, tay thon dài, chắp trước ngực, cũng được xem là 4 tác phẩm rất có giá trị từ thời Lê.