Hồ Chủ Tịch lúc sinh thời dù bận rộn “trăm công nghìn việc” của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, Người vẫn dành nhiều thời gian và tình cảm ân cần khích lệ, quan tâm gần gũi với nhân dân cả nước nói chung và Vĩnh Phúc nói riêng.
Ngoài việc gửi thư khen ngợi hay động viên trên báo chí, Người đã chính thức về thăm Vĩnh Phúc 8 lần trong thời gian từ 1945-1963. Lần thứ 6, ngày 25 tháng 1 năm 1961, Người đã về thăm Hợp tác xã nông nghiệp Lạc Trung, nay là thôn Lạc Trung, xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường. Đây là nơi có nhiều thành tích trong phong trào “tết trồng cây” và trở thành điển hình tiên tiến của tỉnh và toàn miền Bắc.
Xã Bình Dương trong kháng chiến chống Pháp là một khu du kích nổi tiếng kiên cường trong chiến đấu. Sau ngày hòa bình, đời sống kinh tế khó khăn, thiếu thốn rất nhiều, song, với truyền thống lao động cần cù và tinh thần tương thân tương ái, nhân dân Bình Dương theo lời Đảng gọi đã cùng nhau xây dựng hợp tác xã, cùng nhau san lấp đồng ruộng, làm thủy lợi và đường giao thông, phát triển sản xuất Đến cuối năm 1959, khi tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào Hợp tác hóa nông nghiệp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã thay mặt Chính phủ về dự và chính thức phát động phong trào trồng cây “nhân dân làm theo lời Hồ Chủ tịch”. Hưởng ứng lời kêu gọi ấy, Bình Dương đã triển khai chiến dịch trồng cây trên quy mô toàn xã. Đi đầu là các cụ phụ lão, lôi cuốn thanh niên, con cháu noi theo. Chỉ qua năm 1960, thôn Lạc Trung đã dẫn đầu toàn xã về số lượng cây nhiều và tươi tốt. Nhiều người trồng cây giỏi đã được thưởng huy hiệu chiến sĩ thi đua của tỉnh và huyện, đặc biệt còn được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động. Lạc Trung ngay lập tức trở thành lá cờ đầu của phong trào trồng cây ở vùng đồng bằng, được tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Bên cạnh đó, phong trào sản xuất nông nghiệp, giao nộp nghĩa vụ lương thực, xây dựng nông thôn mới theo phong trào “sạch làng, tốt ruộng” cũng được nhân dân Lạc Trung thực hiện tốt và đạt được những thành tích cao. Chính vì những thành tích ấy, Lạc Trung đã vinh dự được đón Bác về thăm.
Những nơi Bác đã từng đến thăm, nói chuyện với nhân dân địa phương đã được chính quyền và nhân dân Lạc Trung gìn giữ lại thành khu di tích lưu niệm về sự kiện trọng đại và đáng nhớ này. Bao gồm các công trình: Cây đa lưu niệm do Hội nghị ngành Lâm nghiệp toàn quốc trồng năm 1959 tại chính nơi Bác ngồi trò chuyện với nhân dân ngày 25/1/1961. Dưới gốc cây có dựng bia đá ghi sự kiện Bác Hồ về Lạc Trung; ngôi nhà kho 5 gian, nơi đồng chí Trường Chinh gặp gỡ cán bộ xã viên Lạc Trung tết năm 1962, nay dùng làm nơi trưng bày hiện vật, tài liệu, hình ảnh theo chủ đề “Bác Hồ và các đồng chí Lãnh tụ với Lạc Trung, Bình Dương”. Ngoài ra còn có ao cá Bác Hồ, vườn cây Bác Hồ trồng những cây ăn quả quý và những cây lưu niệm của các đồng chí lãnh tụ, các vị khách quý
Cũng như các di tích lưu niệm khác về Hồ Chủ tịch, khu lưu niệm Bác Hồ ở Lạc Trung là nơi ghi dấu ấn sâu sắc, thiêng liêng về vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, đồng thời cũng ghi lại trang sử vẻ vang của địa phương, nơi sớm hưởng ứng phong trào “Tết trồng cây” do Bác Hồ phát động và đã trở thành lá cờ đầu về thành tích trồng cây vùng đồng bằng, phản ánh hiệu quả thực tế của phong trào trồng cây theo lời Bác dạy. Khu lưu niệm này vì thế có ý nghĩa rất to lớn trong hệ thống di tích lưu niệm về Bác trên đất Vĩnh Phúc. Trong thời gian tới, khu lưu niệm Bác Hồ ở Lạc Trung cùng với hệ thống di tích lưu niệm Bác Hồ trong toàn tỉnh sẽ được quy hoạch, đầu tư nâng cấp cho xứng với tầm vóc của sự kiện lịch sử mang ý nghĩa trọng đại, xứng với tình cảm của Bác Hồ đã dành cho Vĩnh Phúc để những di tích lưu niệm Bác Hồ trên quê hương Vĩnh Phúc sẽ là những địa chỉ đỏ, là nơi giáo dục truyền thống, tham quan, học tập, tưởng niệm của các thế hệ con em Vĩnh Phúc, từ đó tạo đà đi lên, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.